Lễ hội Văn hóa và Du lịch Mường Lò 2022 được trao giải Vàng

'Lễ hội Văn hóa và Du lịch Mường Lò 2022' nhận giải Vàng hạng mục 'Sự kiện Văn hóa và Nghệ thuật xuất sắc' khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tối 9/5, tại Hà Nội đã diễn ra lễ công bố cúp Vàng giải thưởng Event Marketing Awards 2023 (EMA 2023) dành cho sự kiện Lễ hội Văn hóa và Du lịch Mường Lò 2022. EMA 2023 - giải thưởng tôn vinh những sự kiện được đầu tư công phu, sáng tạo bậc nhất tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Tổng đạo diễn chương trình Lê Hải Yến (váy đen), bà Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái (áo ghi), ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Yên Bái (áo đen) tại lễ nhận giải.

Tổng đạo diễn chương trình Lê Hải Yến (váy đen), bà Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái (áo ghi), ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Yên Bái (áo đen) tại lễ nhận giải.

Trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa và Du lịch Mường Lò 2022 có chương trình nghệ thuật Xòe Thái – Tinh hoa miền di sản. Điểm ấn tượng của chương trình vở đại nhạc vũ kịch dân gian có sự tham gia của hơn 3.000 diễn viên, nghệ nhân, lần đầu tiên diễn ra trên toàn bộ sân vận động thị xã Nghĩa Lộ có diện tích hơn 6.000m2 (Lê Hải Yến làm Tổng đạo diễn).

Vở đại vũ kịch độc đáo ở chỗ, hoàn toàn sử dụng chất liệu dân gian, với 80% nội dung được sử dụng bằng tiếng Thái, biểu diễn bởi những nghệ nhân người Thái, nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến nhiều tuổi nhất (hơn 90 tuổi) và thế hệ tiếp nối nhỏ tuổi nhất (5 tuổi).

Hàng nghìn người xếp thành hình “Khau cút” – biểu tượng đặc trưng gợi nhớ về cội nguồn của người Thái.

Hàng nghìn người xếp thành hình “Khau cút” – biểu tượng đặc trưng gợi nhớ về cội nguồn của người Thái.

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến đã chọn cách gieo vào tâm trí người xem một pho sử thi đặc sắc về người Thái, nơi lịch sử, con người, văn hóa, đời sống của người Thái được kể lại thông qua những câu chuyện gần gũi mà thơ mộng, đặc sắc và đầy cảm xúc.

Lựa chọn cách “để người Thái tự kể nên câu chuyện của mình”, đội ngũ sáng tạo đã tôn trọng nguyên bản văn hóa địa phương thay vì cố gắng “sân khấu hóa”, từ đó các phong tục được dàn dựng thực cảnh, giống hệt như đời sống vốn đầy màu sắc của người Thái, tôn vinh giá trị văn hóa của một trong những dân tộc giàu bản sắc nhất Việt Nam.

Màn Đại Xòe - tâm điểm của lễ hội là thành quả của việc phục dựng và bảo tồn 6 điệu Xòe cơ bản của người Thái, được dàn dựng với những tạo hình mang tính biểu tượng cao, đặc biệt màn xếp hình “Khau cút” – biểu tượng đặc trưng gợi nhớ về cội nguồn của người Thái.

Màn đại nhạc vũ kịch dân gian quy tụ hơn 3.000 diễn viên, nghệ nhân.

Màn đại nhạc vũ kịch dân gian quy tụ hơn 3.000 diễn viên, nghệ nhân.

Để thực hiện thành công lễ hội này, Tổng đạo diễn Lê Hải Yến phải đối mặt với không ít thử thách, khó khăn để Lễ hội Văn hóa và Du lịch Mường Lò mang đến một không gian văn hóa – nghệ thuật độc đáo với quy mô chưa từng có tại Tây Bắc.

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến xúc động tại lễ nhận giải: “Chúng tôi vô cùng hạnh phúc khi sự kiện được ghi nhận giải Vàng, điều này sẽ kích thích những người sáng tạo tiếp tục lan tỏa vẻ đẹp của di sản đến với thế giới cũng như tinh thần phát huy di sản trong cộng đồng mà UNESCO luôn đề cao”.

Trước đó, chương trình Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò năm 2019 đã được vinh danh trong Giải thưởng Stevie Awards tại Mỹ lần thứ 17 với giải Vàng hạng mục "Chiến dịch truyền thông của năm" và giải Bạc hạng mục "Chương trình cộng đồng của năm cho màn Đại Xòe lớn nhất Việt Nam", hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc cộng đồng cho điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.

Ngày 15/12/2021, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16, UNESCO đã chính thức ghi danh di sản Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam thể hiện tình đoàn kết giữa các tộc người, tôn trọng thế giới quan tộc người theo mục tiêu của UNESCO; giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản các cộng đồng dân tộc không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/su-kien-co-vo-dai-nhac-vu-kich-dan-gian-xoe-thai-duoc-trao-giai-vang-2141435.html