Lễ hội Vì hòa bình 2024 và chuỗi các hoạt động kéo dài trong tháng 7 tại Quảng Trị
Lễ hội Vì hòa bình được tổ chức nhằm mục đích tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng, bền vững; tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Nhiều hoạt động ý nghĩa sẽ diễn ra trong tháng 7 tại Quảng Trị.
Tối 6/7 tại Quảng Trị, Lễ hội Vì hòa bình với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình” đã khai mạc tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải.
Lễ hội Vì hòa bình 2024 do tỉnh Quảng Trị phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao tổ chức, diễn ra đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương (21/7/1954-21/7/2024), 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Tham dự Lễ khai mạc có: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Trị; các đại sứ ngoại giao, đoàn quốc tế; các lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Nâng tầm giá trị của Lễ hội Vì hòa bình trở thành một thương hiệu văn hóa đặc sắc
Lễ hội Vì hòa bình 2024 được tổ chức nhằm mục đích tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng, bền vững cho quê hương, đất nước và nhân loại; tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra.
Cùng với đó, truyền đi thông điệp Việt Nam yêu chuộng hòa bình, con người Việt Nam hòa hiếu, bao dung, nhân nghĩa và mong muốn được đóng góp vào việc kiến tạo, gìn giữ hòa bình cho nhân loại.
Lễ hội cũng tạo động lực quan trọng để Quảng Trị không chỉ trở thành không gian văn hóa vì hòa bình, điểm đến vì hòa bình, là nơi hội ngộ của bạn bè bốn phương yêu chuộng hòa bình, mà còn góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút đầu tư, du lịch... Qua đó, góp phần đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của Quảng Trị và các địa phương trong khu vực.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nêu rõ, từ bao đời nay, hòa bình luôn là khát vọng thiết tha của toàn thể nhân loại. Các quốc gia, dân tộc trong tiến trình phát triển luôn khao khát và không ngừng đấu tranh để đạt được nền hòa bình bền vững. Hòa bình không chỉ mang giá trị nhân văn sâu sắc mà còn là điều kiện căn bản, là nền tảng thiết yếu, là đích đến cuối cùng cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng trên toàn thế giới cũng như từng quốc gia, khu vực. Hòa bình cũng là mục tiêu cao nhất của hợp tác quốc tế và là giá trị chung của nhân loại.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, tinh thần hòa hiếu, đạo lý "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo" đã thấm sâu trong dòng máu của mỗi người dân nước Việt.
Trong bản di chúc để lại trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện khát khao cháy bỏng về một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ giàu mạnh và đó luôn là ước nguyện của toàn dân tộc Việt Nam.
Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhờ có hòa bình, Việt Nam từ một nước nghèo đã vươn lên thành một quốc gia thu nhập trung bình, đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Hơn ai hết nhân dân Việt Nam thấu hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình.
Phó Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ của đất nước Việt Nam, mảnh đất từng trải qua bao khốc liệt của chiến tranh đã chứng kiến, cảm nhận và thấu hiểu sâu sắc nỗi đau chiến tranh, nỗi đau chia cắt. Quảng Trị cũng là nơi cảm nhận đầy đủ nhất khát vọng sống, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, khát vọng thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Mỗi tấc đất, dòng sông, mỗi địa danh ở mảnh đất này đều ghi đậm dấu tích của một thời đạn bom với hàng triệu đồng bào, đồng chí và chiến sĩ đã ngã xuống để góp phần cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do, cho một nền hòa bình bền vững trên toàn dải đất hình chữ S.
Đánh giá cao về sáng kiến của tỉnh Quảng Trị trong việc tổ chức Lễ hội Vì hòa bình, Phó Chủ tịch nước cho rằng, từ vùng đất đã từng bị hủy diệt bởi chiến tranh đang mạnh mẽ hồi sinh, lễ hội sẽ truyền đi thông điệp về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, qua đó góp phần kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay xây dựng và bảo vệ nền hòa bình bền vững cho các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới.
Việc tổ chức Lễ hội Vì hòa bình thành công sẽ góp phần làm sâu sắc thêm hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc, mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định đó là bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Phó Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn, Lễ hội Vì hòa bình sẽ ngày càng có sức quy tụ, cuốn hút; tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng, tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân, của nhân dân, du khách trong và ngoài nước để chung tay xây dựng, nâng tầm giá trị của lễ hội trở thành một thương hiệu văn hóa đặc sắc, có uy tín không chỉ của Quảng Trị mà còn mang tầm quốc gia và quốc tế.
Cũng tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chia sẻ, Quảng Trị không chỉ là tên của một địa phương mà đã trở thành điểm đến tri ân và đây cũng là nơi bay lên khát vọng hòa bình mang tên Việt Nam. Những bài học về chiến tranh và hòa bình có ở đây, nơi mảnh đất mà từng ngọn núi, dòng sông cũng đều mang những đau thương của quá khứ và dự cảm hạnh phúc thân thiện, yên bình của hôm nay và mai sau.
Quảng Trị còn là điểm đến của bạn bè quốc tế để thấm thía những giá trị cao đẹp của sự hòa hợp, hòa giải, những hàn gắn nhân văn rất con người.
Cũng theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, Lễ hội Vì hòa bình nhằm tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh; truyền đi thông điệp Việt Nam yêu chuộng hòa bình, con người Việt Nam hòa hiếu, bao dung, nhân nghĩa và mong muốn được đóng góp vào việc kiến tạo, gìn giữ hòa bình cho nhân loại.
Lễ hội Vì hòa bình là một lễ hội mở với chuỗi sự kiện ý nghĩa
Lễ hội Vì hòa bình là một lễ hội mở, chỉ có ngày khai mạc với chuỗi các hoạt động mà không có ngày bế mạc vì hòa bình luôn là mong muốn, là khát vọng mãi mãi của nhân loại.
Theo đó, Khai mạc Lễ hội Vì hòa bình 2024 tại Quảng Trị mang đến cho khán giả một chương trình nghệ thuật thực cảnh đặc sắc, kết hợp đa không gian trên bờ và dưới sông, kết nối trục bắc-nam của cầu Hiền Lương, với điểm nhấn là màn trình diễn số lượng lớn thiết bị bay không người lái và bắn pháo hoa nghệ thuật.
Sau đêm khai mạc, những ngày tới đây, tại tỉnh Quảng Trị sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc khác trong khuôn khổ Lễ hội Vì hòa bình 2024. Cụ thể:
Ngày 12-14/7: Lễ hội Văn hóa-Ẩm thực "Hương vị miền hoa nắng" tại Khu Dịch vụ-du lịch Cửa Việt, huyện Gio Linh, với quy mô 100 gian hàng, quy tụ những món ăn tiêu biểu cho văn hóa ẩm thực 3 miền Việt Nam và quốc tế.
20 giờ ngày 13/7: Chương trình Giao lưu âm nhạc "Giai điệu hòa bình" - đêm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ diễn ra tại Công viên Fidel ở thành phố Đông Hà với sự góp mặt của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng như Cẩm Vân, Hồng Nhung, Đức Tuấn, Quang Dũng, Tấn Sơn, Trần Mạnh Tuấn, An Trần, Kyo York, Jmi ko...
20 giờ ngày 19/7: Chương trình nghệ thuật chính luận do Báo Nhân Dân phối hợp tỉnh Quảng Trị tổ chức có chủ đề "Vĩ tuyến 17 - khát vọng hòa bình".
Ngày 20/7: Chương trình Giao lưu âm nhạc quốc tế "Giai điệu hòa bình" tại Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, sẽ có sự góp mặt của các nghệ sĩ đến từ các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pháp, Australia, Cuba, Philippines, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
20 giờ ngày 26/7: Chương trình "Ước nguyện hòa bình" diễn ra tại Bến thả hoa bờ bắc sông Thạch Hãn, Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị với các hoạt động như: Lễ dâng hoa, dâng hương, thả hoa đăng, cầu nguyện. Đặc biệt, tiếng chuông cầu nguyện hòa bình diễn ra đồng thời với các hoạt động tri ân tại tất cả nghĩa trang, bia tưởng niệm, nhà thờ các Anh hùng, liệt sĩ.