Lễ hội vì hòa bình

Hai mươi bốn năm sau sự kiện 'Thống nhất non sông', 'Lễ hội vì hòa bình' được tổ chức lần thứ nhất, vào đúng tháng Bảy, tháng tri ân, tháng cả nước đền ơn đáp nghĩa.

Tối hôm kia, có một cái lễ hội rất ý nghĩa, rất xúc động diễn ra ở Quảng Trị, “lễ hội vì hòa bình”.

Miền Trung có 2 địa danh “được” lịch sử chọn làm nơi chia cắt đất nước, là Quảng Bình và Quảng Trị. Với Quảng Trị, thì vĩ tuyến 17 với cây cầu Hiền Lương đã quá nổi tiếng. Nó một thời là nơi “Ngày Bắc đêm Nam”, là nhớ thương, là vời vợi, là những tháng ngày ước vọng, chờ mong.

Tôi nhớ những ngày tháng ấy của năm 1975, ba tôi đã nôn nao đến như thế nào khi suốt ngày ngồi theo dõi tin chiến sự. Và ngay những ngày đầu tháng 5 năm 75 ấy, đã tìm cách về quê, ngồi xe quân sự qua giới tuyến.

Nhưng tôi có ông chú họ mới kinh. Ông ấy đi từng chặng, kể cả đi nhờ xe quân sự, đi bộ, đi xe đạp, từ Thanh Hóa tới cầu Hiền Lương, lên phía thượng nguồn, bơi qua sông, đi tiếp về quê, cũng bằng nhiều phương tiện.

Ở Quảng Trị lâu nay có nhiều hoạt động ý nghĩa, một trong số đó là lễ hội “thống nhất non sông” được tổ chức từ nhiều năm trước vào dịp 30/4. Nếu tôi nhớ không nhầm nó được tổ chức lần đầu vào năm 2000.

Hồi nhà văn Xuân Đức còn sống, tôi được nghe ông kể về cái việc chuẩn bị cho cái lễ hội này như thế nào, và ông viết cái bài diễn văn ấy ra làm sao?

Hai mươi bốn năm sau sự kiện “Thống nhất non sông”, “Lễ hội vì hòa bình” được tổ chức lần thứ nhất, vào đúng tháng 7, tháng tri ân, tháng cả nước đền ơn đáp nghĩa.

 Lễ hội Vì hòa bình lần thứ nhất năm 2024 tại Quảng Trị tối 6/7. Nguồn ảnh: Giáo dục và Thời đại

Lễ hội Vì hòa bình lần thứ nhất năm 2024 tại Quảng Trị tối 6/7. Nguồn ảnh: Giáo dục và Thời đại

Tôi vừa có dịp đi nhiều nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước, từ Hà Giang tới Long Khốt ở Long An, từ Đức Cơ ở Gia Lai tới Quảng Trị, nơi có 72 nghĩa trang liệt sĩ trong một tỉnh, mà là tỉnh nhỏ..., chứng kiến bạt ngàn những ngôi mộ im lặng, những ngôi sao đỏ trên bia mộ, tê tái nỗi đau mới hiểu cái giá của hòa bình.

Vâng, mới hiểu cái giá của hòa bình.

Hôm kia tôi xem chương trình ấy trên VTV được truyền hình trực tiếp, và rất xúc động.

Nhớ lần đầu tiên được về thăm quê, đi qua Hồ Xá, Vĩnh Linh cát trắng phau, qua cây cầu Hiền Lương lịch sử, cứ ngoái mãi cổ ra nhìn dù xe chật như nêm cối. Hồi ấy, muốn vào Quảng Trị phải đi tàu liên vận tới Vinh, rồi ở đấy xếp hàng mua vé xe đi tiếp. Vào Huế, Quảng Trị là những cái xe rờ-nôn cũ kỹ bò trên đường, nhưng mà hết sức hân hoan, được về quê sau bao tưởng tượng mà.

Hòa bình phải trả bằng quá nhiều máu xương, nhưng té ra cây cầu Hiền Lương lại rất giản dị. Cũng may, cây cầu sau bao năm ngăn cách không được dùng nhưng giờ xe vẫn chạy được. Nhớ nhà văn Nguyễn Tuân hồi ấy còn tìm cách nào đó đếm được có bao nhiêu tấm ván trên cầu. Khi xe qua cầu tôi nghe rõ tiếng bánh xe chồm lên những miếng ván lót cầu, và tận bây giờ, vẫn rưng rưng mỗi khi tới đấy, dù đã có cây cầu khác, hiện đại hơn, nhiều lúc chạy qua không biết nó là cầu Hiền Lương, cây cầu cũ giờ để... chụp ảnh. Lớp chúng tôi vừa họp lớp ở Quảng Trị, và trong chương trình có dành thời gian đến thăm, chụp ảnh cầu Hiền Lương và cột cờ giới tuyến.

Bài hát “Câu hò bên bến Hiền Lương” một thời nó là khát vọng thống nhất, khát vọng hòa bình của những người phía bờ Bắc, có ba và chú tôi, họ hay hát bài ấy để mà mơ ước, mà chờ đợi, mà gửi gắm.

Mà hồi ấy bài ấy nổi tiếng lắm, qua giọng hát của bà Tân Nhân, như bài “Quảng Bình quê ta ơi” của Hoàng Vân ấy, hôm qua lại được vang lên, dựng mới và vẫn tràn ngập cảm xúc khi nghe.

Mà hòa bình nó chả phải chỉ là khát vọng của dân ta, dẫu chúng ta đã phải trải qua chiến tranh khốc liệt đến như thế nào, mà nó là của rất đông người trên thế giới. Chiến tranh vẫn đang nổ ra đâu đó trên trái đất này, tiếng súng vẫn vang lên, bom vẫn rơi, tên lửa vẫn phóng, những mạng người vẫn mong manh...

Nên hòa bình nó mới càng vô giá, dẫu những kẻ hiếu chiến vẫn đông.

 Màn trình diễn drone light tại đêm khai mạc thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Nguồn ảnh: Tổ Quốc

Màn trình diễn drone light tại đêm khai mạc thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Nguồn ảnh: Tổ Quốc

Lại nhớ tới cái việc mà nhà báo, nghệ sĩ Nhiếp ảnh, nhà thơ Lê Bá Dương làm hàng chục năm nay, là cái tiền đề cho lễ hội “Thống nhất non sông”. Anh Lê Bá Dương là tác giả bốn câu thơ bất tử “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Chả nhớ từ năm nào, hàng năm vào dịp tháng 7 ông đều về Quảng Trị, mua hết hoa ở chợ thả xuống sông viếng đồng đội của mình, để rồi sau đấy nó trở thành lễ hội của tỉnh.

Lục tài liệu, tôi tìm được lá thư của nhà văn Xuân Đức, nguyên giám đốc sở Văn hóa Quảng Trị, xin trích một đoạn: “2/ Về lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hãn xin bổ sung như sau:

Đúng là người đầu tiên khơi mào cho nghĩa cử này là Lê Bá Dương. Rất nhiều năm, anh từ Nha Trang ra Quảng Trị, lặng lẽ một mình mua hoa ở chợ, hái hoa dại trên các bãi sông thả xuống dòng Thạch Hãn, dòng Bến Hải và nhiều đoạn sông khác nữa để tưởng nhớ đồng đội. Sau vài lần thì nhiều người nhận ra nghĩa cử của anh và làm theo, nhất là dân ở Thị xã Quảng Trị và Triệu Phong. Tuy nhiên đến đó thì vẫn âm thầm, chưa thật nhiều người biết kể cả bản thân tôi.

Người có công đưa sự kiện ấy để nhân dân toàn tỉnh biết chính là phóng viên Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Quảng Trị. Họ đã làm một phóng sự ngắn có tên "Người thả hoa trên sông". Khi xem phóng sự đó xong, tôi cũng như nhiều anh em làm công tác văn hóa ở Quảng Trị rất xúc động. Mấy hôm sau, tôi đi vào Thị xã Quảng Trị để tìm hiểu kỹ thêm. (Xin lưu ý với bạn đọc nào chưa quen với địa bàn Quảng Trị là, thị xã Quảng Trị không phải tỉnh lị, tỉnh lị Quảng Trị đóng ở Đông Hà).

Tôi bàn với anh em phụ trách 2 phòng văn hóa Triệu Phong và Thị xã Quảng Trị là làm sao để đưa nghĩa cử này thành một lễ hội mới, lễ hội cách mạng. Vào thời điểm này, Bộ VHTT và Ban Tư tưởng VHTW lấy Quảng Trị làm nơi thí điểm việc xây dựng mô hình các loại lễ hội mới. Vì vậy trong một cuộc giao ban, lãnh đạo sở Văn hóa quyết tâm chỉ đạo để hình thành lễ hội thả hoa trên sông.

Vào năm đó Quảng Trị chuẩn bị kỷ niệm 30 năm giải phóng quê hương (1/5/1972-1/5/2002), với trách nhiệm của mình, tôi đã dự thảo kế hoạch và kịch bản cho lễ kỷ niệm, theo đó, ngoài lễ mít tinh, sẽ có lễ hội quần chúng mang tên “Ngày hội thống nhất non sông”. "Ngày hội thống nhất non sông" được tổ chức thành 2 địa điểm. Tại khu di tích đôi bờ Hiền Lương sẽ tổ chức lớn do Ban tổ chức cấp tỉnh chủ trì, thời gian vào ngày 30/4. Tại thành cổ Quảng Trị giao cho ban tổ chức thị xã chủ trì theo chỉ đạo của ban chỉ đạo tỉnh. Trong kịch bản của cả 2 điểm hoạt động đều có lễ thả hoa. Tại di tích Đôi bờ hiền lương, trước khi thả hoa có đọc văn tế. Tôi là người chấp bút và cũng trực tiếp đọc bài văn tế đó. (Có dịp nào đó sẽ gửi tặng riêng Văn Công Hùng nhé!).

Còn ở Thị xã Quảng Trị tổ chức vào đêm sau (1/5), thả hoa cùng hàng vạn đèn của bà con phật tử. Lần đó chính Lê Bá Dương cũng ra dự. Ngày hội thống nhất non sông năm đó có rất nhiều đại biểu Trung ương như ông Trần Hoàn cùng với các vụ của Ban VHTT TW, lãnh đạo Bộ VHTT và nhiều khách các nơi nữa, vì vậy mà ảnh hưởng của nó rất lớn.

Ngay sau năm đó, có cuộc liên hoan văn nghệ của các Nhà văn hóa bắc miền trung tại Hà Tĩnh với tiêu đề là “Nối những câu hò”, ban tổ chức đã ra một đề bài cho tiết mục dự thi của các tỉnh rất hóc búa là, tiết mục phải kết nối với nhau thành một màn sân khấu xuyên suốt, có ý tưởng độc đáo và đặc biệt là chỉ được dùng các điệu hò, không được sử dụng bất kì làn điệu dân ca khác.

Thêm nữa, trong đó bắt buộc phải hò một điệu hò của tỉnh bạn. (Tôi nghi đó là mẹo vặt của nhà văn Đức Ban, GĐ sở VH Hà Tĩnh để làm khó các tỉnh bạn?). Giám đốc nhà văn hóa tỉnh tôi phát hoảng, buộc phải cầu cứu tôi. Thế là tôi phải viết một màn sân khấu đúng theo cách ra đề của ban tổ chức mà nội dung là kể lại hình ảnh Lê Bá Dương thả hoa trên sông Thạch Hãn. Vở hoạt cảnh có tựa đề là “Dòng sông hoa đỏ”. Không ngờ một tác phẩm văn nghệ quần chúng mà lại có tiếng vang lớn đến như vậy. 3 lần đoạt giải nhất ở 3 cuộc liên hoan khác nhau, sau đó rất nhiều đội văn nghệ quần chúng đã dựng và biểu diễn. Tôi khoe chuyện này là để nhấn mạnh một ý, nghĩa cử của Lê Bá Dương, tự nó có một sức lay động lớn. Và việc thả hoa trên sông ở Quảng Trị được kích hoạt bởi rất nhiều duyên cớ hội tụ với nhau.

Từ đó đến nay việc thả hoa xuống sông Thạch Hãn, sông Bến Hải đã trở thành một nghĩa cử thường xuyên của nhân dân Quảng trị mỗi lần có lễ trọng. Riêng về lễ hội cách mạng ở Quảng Trị thì sau khi tổ chức thành công một loạt các kịch bản lễ hội như: Ngày hội thống nhất non sông lần 1 và 2; lễ hội Nhịp cầu xuyên á; lễ hội Huyền thoại Trường sơn và Tri ân tháng Bảy... Sở VHTT đã tổ chức hội thảo để giúp UBND tỉnh ban hành quy định chính thức về tên gọi, hình thức, thời gian tổ chức các lễ hội ở Quảng Trị.

Theo đó hiện nay Quảng Trị duy trì các hoạt động lễ hội sau: Ngày hội thống nhất non sông tổ chức 5 năm một lần vào ngày 30/4 năm chẵn và năm tròn ngày giải phóng hoàn toàn Miền nam, thống nhất đất nước. Lễ thả hoa trên sông Thạch Hãn được tổ chức lớn vào ngày 1/5 năm chẵn và năm tròn ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị 1972. (Đương nhiên hàng năm vào dịp có các hoạt động lễ tưởng niệm liệt sĩ thì địa phương vẫn có việc thả hoa đèn).

Lễ hội Văn hóa-du lịch Nhịp cầu xuyên á, được tổ chức 3 năm một lần. Lễ hội Tri ân tháng Bảy được tổ chức lớn vào năm chẵn và tròn kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ”.

Và bây giờ, thêm một lễ hội rất ý nghĩa là lễ hội “Vì hòa bình” bắt đầu từ năm nay.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Văn Công Hùng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/le-hoi-vi-hoa-binh-204671868.htm