Lễ hội Xuân Nhâm Dần 2022: Nơi đóng cửa, nơi đông khách
Khung cảnh vắng lặng ở hàng loạt lễ hội lớn ở Hà Nội như chùa Hương, Hội Gióng đền Sóc, đền Hai Bà Trưng do dừng tổ chức và không đón khách. Một vài địa phương lại nườm nượp khách du xuân, hành hương.
Khách phải quay xe
Thông tin huyện Mỹ Đức tạm dừng lễ hội chùa Hương, không tổ chức đón khách được truyền thông rộng rãi từ trước Tết. Ấy thế nhưng từ đầu năm, một số du khách vẫn về chùa Hương để mong được … linh động. Tuy nhiên, chính quyền xã Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) lập các trạm chốt chặn để tuyên truyền, vận động bà con quay trở về.
Khác với khung cảnh tấp nập ngày khai hội trước đây, khu di tích thắng cảnh Hương Sơn vắng lặng. Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng BQL khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, do không tổ chức lễ hội nên lãnh đạo địa phương cử một đoàn đại biểu vào chùa dâng hương sớm mùng 6 tháng Giêng. Ngày này cũng trùng với nghi thức mở cửa rừng của nhà chùa vốn có từ xưa.
Suối Yến không còn cảnh ken đặc thuyền đò nữa. Lác đác phương tiện của chủ các cửa hàng kinh doanh trong khu vực bến đò và chùa Thiên Trù. Một số người dân vẫn điềm nhiên ngồi thuyền vào chùa dâng hương. Ông Hiển giải thích, đó là người dân địa phương, nhất là hộ kinh doanh có quầy hàng trong khu vực chùa vẫn được phép di chuyển vào khu vực Thiên Trù trông nom hàng quán. “Chúng tôi hiện nay vận động bà con quay về, chờ tới khi khu di tích chính thức được đón khách trở lại. Chính quyền địa phương có ý kiến với lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội để tiếp tục đề xuất với lãnh đạo thành phố Hà Nội cho phép mở cửa đón khách”, ông Hiển nói.
Khách đến Huế tăng gần 300%
Ngày 6/2, Sở Du lịch tỉnh TT-Huế thông tin, trong những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, du khách đến Huế tham quan, nghỉ dưỡng tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, từ ngày 28/1 đến 6/2 (26 đến 6 Tết), tỉnh TT-Huế đón khoảng 58.300 lượt khách tham quan tại các điểm di tích văn hóa, lịch sử, khu du lịch trên địa bàn. Lượng khách đến Huế tăng đến 286% so với dịp Tết Tân Sửu năm 2021. Trong số 58.300 lượt khách đến Huế dịp Tết, có 800 lượt khách quốc tế là các chuyên gia làm việc tại Việt Nam, chuyên viên và người nhà của một số đoàn ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam. Một số điểm du lịch thu hút đông du khách đến tham quan gồm Hoàng cung - Đại nội Huế, các lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định, đền Huyền Trân, chùa Thiên Mụ, chùa Từ Hiếu... Từ ngày 28/1 đến 6/2, có gần 290 chuyến bay đến và đi tại Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài; trong đó có 22.966 khách đến. Tổng lượt khách đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn từ 28/1 đến 6/2 ước đạt trên 19.000 lượt, tăng 67,2% so với năm 2021; trong đó, khách quốc tế khoảng 800 lượt (tăng 105% so với năm 2021.
Ngọc Văn
Mùng 6 tháng Giêng cũng là ngày khai hội của loạt lễ hội lớn ở đền Gióng Sóc Sơn, đền Hai Bà Trưng. Huyện Mê Linh chỉ tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 1982 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Hội Gióng đền Sóc năm nay vì dịch bệnh phức tạp cũng chỉ còn lại nghi thức dâng hương của dân làng. Nghi lễ thường niên không thể thiếu để tưởng nhớ Đức Thánh Gióng. Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Trung tâm quản lý Khu du lịch-di tích đền Sóc cho biết, năm nay chỉ có người dân ở hai làng gần di tích dâng lễ vật giò hoa tre và ngựa sắt. Sáu lễ vật năm nay không được dâng lên đền Sóc: trầu cau, voi chiến, cỏ voi, ngà voi, kiệu tướng, cầu húc. Họ chỉ đem lễ phẩm tới dâng hương tại đền Thượng.
Chính quyền xã Phù Linh (Sóc Sơn) lập chốt từ lối chính dẫn vào khu di tích đền Sóc. Khu di tích đóng cửa tới hết 15/2/2022, lực lượng thực thi nhiệm vụ cũng vận động du khách quay về. Không có dịch bệnh, khách không chỉ về hội Gióng xem màn tranh lộc mà còn về khu di tích chiêm bái. Không riêng khu di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc, di tích quốc gia đền Thanh Nhàn tại Sóc Sơn cũng không đón khách cho tới hết ngày 15/2.
Yên Tử vẫn đông khách
Non thiêng Yên Tử mở cửa đón khách từ đầu năm Nhâm Dần. “Dịp Tết Nguyên Đán, lượng khách đến Yên Tử tăng nhiều so với hai năm qua, ước khoảng hơn 4 vạn lượt khách”, ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử nói với Tiền Phong. Ngày đầu năm chỉ khoảng 1.500 khách tới Yên Tử, nhưng số khách các ngày sau tăng gấp đôi ngày trước, trong đó riêng mùng 5 đón 21 nghìn lượt. Mùng 6 tháng Giêng trời mưa rét làm ảnh hưởng tới lượng khách về du xuân hành hương giảm, chỉ còn khoảng 4-5 nghìn lượt khách.
Thực hiện các Công điện, Chỉ thị từ Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Quảng Ninh, BQL Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử không tổ chức khai hội Yên Tử vào mùng 10 tháng Giêng như thông lệ. Không mời đại biểu tới dự, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh thực hành nghi lễ tâm linh vào mùng 10 tháng Giêng trên non thiêng. “Năm nay, Ban Trị sự thực hiện nghi lễ dâng hương, khai hội tâm linh truyền thống nhưng bỏ phần văn nghệ và trò chơi”, Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN Quảng Ninh nói.
Đón khách trong bối cảnh phòng dịch, Ban Quản lý soạn nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch với nguyên tắc 5K, quét mã QR phát trên loa ngay từ bến xe cho tới các điểm ở chùa Hoa Yên và các điểm ga cáp treo. “Chúng tôi cắt cử anh em thường trực tại các điểm thường xuyên nhắc nhở bà con. Nhiều khi du khách leo núi mệt thường bỏ khẩu trang, vì thế lực lượng túc trực đều nhắc nhở bà con tuân thủ đeo khẩu trang, khử khuẩn”, ông Lê Tiến Dũng nói.
Khu vực chùa Đồng luôn là nút thắt vì ở đỉnh thiêng thường đông người tụ lại. Nhưng ông Dũng khẳng định không có chuyện ách tắc ở chùa Đồng, bởi lượng khách hiện tại thua xa với thời cao điểm 5-7 vạn khách/ngày trước đó. Ban quản lý cũng lên phương án để cáp treo chạy chậm lại kéo dài thời gian trong trường hợp khách đông, kết hợp với phân luồng khách, đề nghị khách lần lượt vào lễ theo thứ tự.
Sân khấu kịch cháy vé, khu vui chơi kéo dài thời gian mở cửa
Những ngày Tết, các sân khấu kịch tại TPHCM đều kín chỗ. Dù các vở diễn đa số cũ nhưng việc mở cửa lại các sân khấu đã cho thấy nhu cầu xem kịch của khán giả vẫn còn rất cao, thậm chí nhiều sân khấu đã phải thêm suất diễn thứ 2 trong ngày. Tại sân khấu Idecaf, đều đặn từ ngày mùng 1 tới mùng 6 Tết ngày nào cũng diễn ra 2 suất diễn với các vở Ngũ quỷ kỳ phùng, Cậu đồng… nhưng đã hết vé ngay sau khi mở bán vào trước Tết.
Tương tự, sân khấu Nhỏ 5B tổ chức 2 suất diễn/ngày để phục vụ khán giả. Các vở diễn mang không khí vui tươi của mùa Xuân như Tía ơi con lấy chồng, Sướng quá Xuân, Đẹp lắm nha, Rồi mắc cái gì cười… cũng đều kín khách xem.
Các khu vui chơi Suối Tiên, Đầm Sen đều đông khách trong những ngày Tết. Theo Ban giám đốc công viên Đầm Sen, dù mới mở cửa sau dịch bệnh nhưng Đầm Sen đã nhanh chóng tổ chức các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách…
Đường hoa Nguyễn Huệ và Đường sách Tết Nhâm Dần lượng người tham dự tăng lên 30% so với các năm trước. Do yêu cầu phải đảm bảo an toàn về dịch bệnh nên BTC Đường Hoa, Đường Sách giới hạn lượng khách trong cùng thời điểm, vì thế BTC quyết định mở cửa thêm 2 ngày để đáp ứng nhu cầu khách tham quan.