Lễ hội Xuân Quý Mão rộn ràng trở lại
Sau hai năm gián đoạn vì Covid-19, mùa lễ hội Xuân Quý Mão 2023 thu hút du khách thập phương, Nhân dân cùng tham gia. Năm nay, công tác tổ chức tại nhiều lễ hội đã có đổi mới để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Đổi mới trong tổ chức lễ hội
“Mùng Năm Tết trận thắng to/ Gió reo còn vẳng tiếng hò ba quân...” từ sáng sớm 26/1 (mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão 2023), mặc dù thời tiết lạnh nhưng đã có hàng nghìn du khách thập phương đã đổ về dâng hương tưởng nhớ vua Quang Trung. Trên khắp các ngả đường hướng về Công viên văn hóa Gò Đống Đa đã đông kín dòng người trẩy hội. Không khí thắng trận của mùa Xuân năm Kỷ Dậu trong trận chiến ở gò Đống Đa cách đây 234 năm đã được tái hiện qua những nghi lễ truyền thống, cờ hoa rực rỡ cùng tiếng trống chiêng hào hùng.
Đối với không ít người, đây là lần đầu tiên họ được thưởng thức màn trình diễn mang đậm nét văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc, tôn vinh tinh thần thượng võ và tạo không khí hào hứng, phấn khởi cho một mùa Xuân mới. Bà Lê Thị Dung (Quảng Ninh) chia sẻ: “Năm nay, đoàn chúng tôi đi từ Quảng Ninh từ 3 giờ sáng, về dự hội với tinh thần phấn khởi, tự hào và tưởng nhớ công đức của Vua Quang Trung. Đây là dịp giáo dục con cháu về lịch sử bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, nhiệm vụ hàng đầu của mọi thế hệ. Đã hơn 20 năm nay, nối tiếp các thế hệ, chúng tôi về Hà Nội dâng hương tạ ơn những người có công với đất nước”.
Trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, từng lễ hội đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống. Lễ hội đền Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) diễn ra trong 10 ngày (từ ngày 6 đến ngày 16 tháng Giêng âm lịch). Lễ hội năm nay còn gắn với sự kiện công bố Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Lễ hội Cổ Loa và công nhận Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Sáng 27/1 (mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão), lễ hội Gióng tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc (huyện Sóc Sơn) cũng đã khai mạc. Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý khu du lịch - di tích đền Sóc Nguyễn Nam Nho, điểm nổi bật khác biệt trong mùa lễ hội Gióng 2023 tập trung vào phần hội. Theo đó, các trò chơi dân gian tiếp tục được Ban tổ chức lễ hội duy trì như: Đi cà kheo, đi cầu thăng bằng, đập niêu đất, hội thi nấu cơm… Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật cũng được tổ chức xuyên suốt những ngày diễn ra lễ hội tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc. Lễ hội Gióng 2023 cũng là lần đầu tiên nghi thức Kéo Mỏ được trình diễn và cuộc thi cầu húc được tổ chức.
Lượng người trẩy hội tăng
Tại các địa phương, lễ hội sau thời gian tạm ngừng vì Covid-19 cũng được tổ chức trở lại. Tại Nam Định, lễ hội Đền Trần diễn ra từ ngày 1 - 6/2/2023 (tức ngày 11 - 16 tháng Giêng năm Quý Mão), trong đó từ 23 giờ 15 phút ngày 14 tháng Giêng sẽ diễn ra nghi thức khai ấn. Theo Ban tổ chức, năm nay, lễ hội dự kiến sẽ thu hút lượng khách đông hơn rất nhiều so với mọi năm. UBND TP Nam Định khuyến cáo Nhân dân, du khách thập phương thực hiện đúng quy định của Ban tổ chức khi tham dự lễ khai ấn và đi lễ đầu năm tại Đền Trần.
Ban tổ chức bố trí 4 điểm phát ấn, lượng ấn sẽ đáp ứng nhu cầu của du khách tham gia xin lộc đầu Xuân. Lực lượng an ninh trật tự, công an đã tập dượt, triển khai các phương án đảm bảo an ninh lễ hội. Sẽ có 5 vòng an ninh được thực hiện trong lễ khai ấn nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Nhân dân, du khách thập phương dự lễ hội đầu Xuân. Trước dịch đã có việc chuyển ấn đền Trần (Nam Định) cho người dân ở nhiều nơi trên đất nước, nếu có nhu cầu. Điều này đáp ứng an toàn cho người dân, đồng thời giúp nhiều người không phải cất công hành hương về đền Trần.
Trong khi đó, Lễ hội Xuân Yên Tử năm 2023 sẽ khai hội vào ngày 10 tháng Giêng, năm Quý Mão (ngày 31/1/2023) tại TP Uông Bí và kéo dài suốt 3 tháng đầu năm. Dự kiến, năm nay sẽ có hơn 1 triệu phật tử, người dân và khách du lịch về Yên Tử trong thời gian lễ hội. Mọi công tác chuẩn bị khai hội Xuân Yên Tử năm 2023 đã hoàn tất. Đây được coi là lễ hội lớn nhất dịp đầu Xuân trong cả nước, trở thành điểm hẹn của du khách đến tham quan, chiêm bái, góp phần tôn vinh, phát huy giá trị, quảng bá hình ảnh của Khu di tích và danh thắng Yên Tử.
Phần hội năm nay hứa hẹn mang đến cho du khách không khí Xuân mới, vui tươi, phấn khởi với nhiều hoạt động đặc sắc như: Đêm hội hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, múa võ thuật cổ truyền; các trò chơi dân gian; biểu diễn văn nghệ, văn hóa ẩm thực.
Bảo đảm an toàn, văn minh
Hà Nội với hàng nghìn lễ hội, chủ yếu là vào mùa Xuân, là nơi diễn ra nhiều lễ hội nhất cả nước. Đáng chú ý nhất là Lễ hội chùa Hương năm 2023 (diễn ra từ ngày 23/1 đến ngày 23/4 tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày mùng 4/3 âm lịch) với chủ đề “Lễ hội chùa Hương an toàn - văn minh - thân thiện".
Sáng 27/1 (mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão), Di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) chính thức khai hội 2023. Dù trời mưa, gió to và nhiệt độ vào lúc 5 giờ sáng 27/1 chỉ khoảng 100C, nhưng rất đông du khách đã vượt mưa, gió đi lễ sớm để tránh chen chúc trong ngày khai hội.
Huyện Mỹ Đức đã phân công lực lượng công an giữ an ninh trật tự thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông trên suối Yến; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật như xuồng, đò chở quá số người quy định, không có giấy phép hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh - Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương
Được coi là lễ hội quy mô lớn và kéo dài nhất vùng Đồng bằng Bắc Bộ, việc đảm bảo sự an toàn, văn minh, thân thiện trong tổ chức và quản lý lễ hội chùa Hương luôn được trú trọng. Nơi thắp hương, nến, hóa sớ được nhà chùa và Ban Tổ chức bố trí đảm bảo an toàn, tránh xảy ra cháy nổ. Khách tham quan cũng được hướng dẫn dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định, không đặt tiền lễ, tiền công đức lên ban thờ hoặc gài tiền vào tượng Phật cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh - Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết: Huyện đã phân công lực lượng công an giữ an ninh trật tự thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông trên suối Yến; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật như xuồng, đò chở quá số người quy định, không có giấy phép hoạt động.
Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn trước kia được biết đến với tục cướp lộc gây tình trạng lộn xộn phản cảm. UBND huyện Sóc Sơn đã phân công Công an huyện có phương án tổ chức bảo vệ đoàn rước hoa tre thôn Vệ Linh và đoàn rước trầu cau thôn Đan Tảo; xử lý nghiêm các hành vi gây rối trật tự công cộng. Ban Tổ chức lễ hội cũng thành lập đội kiểm tra liên ngành thanh, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong kinh doanh dịch vụ văn hóa, cờ bạc, mê tín dị đoan… tại lễ hội. Việc đảm bảo văn minh nơi thờ tự cũng được quan tâm với việc bố trí người hướng dẫn Nhân dân hành lễ đúng quy định.
Khắc phục hạn chế
Bên cạnh những thay đổi tích cực, mang đến diện mạo mới cho nhiều lễ hội thì vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Tại Lễ hội chùa Hương, do số lượng xe điện có hạn, khách du lịch đông nên lực lượng xe ôm xuất hiện la liệt khắp nơi. Du khách không chỉ bị làm phiền từ xe ôm mà còn bị người lái đò chèo kéo, mời gọi từ đoạn đường trước khi vào suối Yến hàng cây số. Ngoài tiền vé, không ít du khách còn phải trả thêm cho lái đò số tiền nhất định tùy vào đoàn đi đông hay ít người.
Ngày 9/1, Sở VH&TT Hà Nội đã ban hành kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023. Sở đề nghị Ban Tổ chức lễ hội không tổ chức tốn kém, lãng phí; không lợi dụng lễ hội để trục lợi. Ban Tổ chức lễ hội cần nghiêm cấm các hoạt động mê tín, dị đoan như bói toán, xóc thẻ; tàng trữ, buôn bán, sử dụng văn hóa phẩm cấm lưu hành; tổ chức trò chơi có tính chất cá cược, đánh bạc dưới mọi hình thức; hoạt động đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực lễ hội. Trong khu vực bảo vệ một của di tích lịch sử văn hóa, Ban Tổ chức cần nghiêm cấm tổ chức các hoạt động dịch vụ. Khu vực lễ hội không quảng cáo bằng loa, đài gây tiếng ồn quá mức quy định.
Về tổng thể lễ hội, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTT&DL Ninh Thị Thu Hương cho biết, năm nay số lượng người tham dự các lễ hội sẽ đông trở lại, song không tăng đột biến, các địa phương có thể kiểm soát được an toàn. Các địa phương đều chủ động có phương án để giãn đám đông, tránh việc chen lấn, giẫm đạp nhau. Mặc dù vẫn còn những hạn chế cần sớm khắc phục nhưng những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương đều hướng tới mục tiêu chung bảo đảm một mùa lễ hội vui tươi, lành mạnh, an toàn.
Quy định mới về quản lý tiền công đức
Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư Hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Thông tư có hiệu lực từ ngày 19/3/2023, trong đó đáng chú ý nhất là những quy định liên quan tới quản lý hòm công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo vốn là một vấn đề nhạy cảm, gây tranh cãi trong những năm qua.
Theo thông tư, các hoạt động thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội (bao gồm cả các lễ hội ở cơ sở tôn giáo), ban tổ chức phải mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí từ các nguồn, tiền công đức cho công tác tổ chức lễ hội theo hình thức chuyển khoản, thanh toán điện tử. Mở sổ ghi chép đầy đủ khi tiếp nhận tiền mặt.
Tiền này nếu chưa sử dụng tới phải gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để đảm bảo quản lý an toàn, minh bạch. Mở sổ kế toán, hạch toán thu chi. Kết thúc năm tài chính phải lập báo cáo quyết toán…
Điểm mới trong thông tư này là tất cả các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, dù nằm trong phạm vi địa bàn di tích được xếp hạng, được kiểm kê hay không thì Nhà nước cũng không quản lý tiền công đức, mà người đại diện cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tự quyết, tự chịu trách nhiệm.
Trường hợp cơ sở tôn giáo nằm trong phạm vi địa bàn di tích được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng (ví dụ như chùa Yên Tử, chùa Hương…) theo khoản 4, điều 13 thì cũng do người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết và tự chịu trách nhiệm. Cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng có trách nhiệm chi trả cho đơn vị sự nghiệp công lập một phần chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, cải tạo, nâng cấp, xây mới các công trình phụ trợ dùng chung, chi phí an ninh trật tự, vệ sinh…
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/le-hoi-xuan-quy-mao-ron-rang-tro-lai.html