Lê Hồng đổi mới

Từ một vùng quê nghèo, nhờ ánh sáng cách mạng chỉ lối, soi đường, xã Lê Hồng (Thanh Miện) đã đổi thay, diện mạo nông thôn mới ngày càng khang trang, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc.

Một góc xã Lê Hồng hôm nay

Một góc xã Lê Hồng hôm nay

Không còn cơ cực

Năm 1945, lúc đó mới 11 tuổi nhưng không khí những ngày cách mạng sục sôi đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong tâm trí của ông Phan Đình Thả ở xóm Hạnh Phúc, thôn Lâm Kiều. “Dù còn nhỏ nhưng tôi vẫn nhớ cuộc sống đói khổ, tủi nhục của gia đình và mọi người trong làng những năm trước cách mạng. Ruộng không có, mọi người phải đi làm thuê làm mướn cho địa chủ. Cuộc sống là chuỗi ngày tăm tối không nhìn thấy tương lai”, ông Thả kể lại. Thế nên, trong suy nghĩ của mọi người lúc đó, làm cách mạng, đi theo cách mạng để không ai phải chịu đói, chịu rét, không còn bị Tây chửi, Nhật đánh, cường hào ác bá đè đầu cưỡi cổ. Cách mạng thành công, người người tươi vui, phấn khởi vì nhà nào cũng có ruộng, ai cũng được làm chủ cuộc đời của mình. Mọi người hăng hái tham gia đóng góp công sức cho cách mạng. Người thì đi bộ đội, người tham gia du kích, phục vụ chiến đấu, người xây dựng chính quyền địa phương. Mỗi người một việc, mỗi người đóng góp công sức bằng cách riêng của mình theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch để góp phần đưa kháng chiến tới thành công.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, rồi các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, ông Thả cùng hàng nghìn người con xã Lê Hồng đã lên đường bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người trong số họ đã nằm lại trên chiến trường, nhiều người mất đi một phần thân thể. Tất cả chỉ với một lý tưởng duy nhất: giành và bảo vệ nền độc lập của dân tộc để “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Diện mạo nông thôn khởi sắc

Dẫn tôi ra con đường bê tông rộng rãi, láng mịn chạy suốt từ giữa làng lên trung tâm xã, ông Thả chậm rãi nói: “Xóm chúng tôi chưa đầy 100 nóc nhà với vỏn vẹn vài trăm nhân khẩu. Nếu không có Nhà nước chăm lo, chúng tôi sao có thể làm được con đường bê tông dài tới 2 cây số, rộng rãi, phẳng phiu như thế này được. Từ khi con đường này hoàn thành, xóm Hạnh Phúc không còn là ốc đảo của xã nữa”. Quả thực, hình ảnh đổi thay dễ nhận thấy nhất của xã Lê Hồng những năm vừa qua là nhiều tuyến đường liên thôn, đường làng, ngõ xóm, đường ra đồng đã được xây dựng khá hoàn chỉnh để kết nối các thôn, xóm xa xôi như Đại Đồng, Ba Hai, Hạnh Phúc với trung tâm xã. Việc đi lại giữa thôn với thôn, giữa thôn với xã, giữa xã với các địa phương khác trong huyện đã thuận lợi hơn rất nhiều, trở thành tiền đề để kinh tế bứt phá.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lê Hồng chia sẻ, xã Lê Hồng có xuất phát điểm thấp hơn nhiều địa phương khác trong huyện, giao thông đi lại khó khăn, phát triển kinh tế vẫn lấy sản xuất nông nghiệp là chủ đạo, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ hầu như không có. Vì vậy, làm gì để khai thác hết tiềm năng thế mạnh của địa phương, góp phần nâng cao đời sống của người dân luôn là câu hỏi, là nỗi trăn trở của lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Lê Hồng qua các thời kỳ.

Từ đặc điểm là một địa phương có diện tích đất canh tác lớn, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Lê Hồng luôn chú trọng đề ra các giải pháp phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo nền tảng để mở rộng sản xuất thủ công nghiệp và dịch vụ. Xã Lê Hồng giờ không còn độc canh cây lúa khi các loại hình công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như cơ khí, may mặc, chế biến thức ăn chăn nuôi, vận tải… phát triển ngày càng mạnh, đa dạng. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2020 đã đạt 55 triệu đồng, tăng gấp đôi so với năm 2015. Kinh tế phát triển là tiền đề để xã Lê Hồng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2019, sớm hơn kế hoạch 1 năm.

Về xã Lê Hồng thời điểm này có thể thấy bộ mặt nông thôn mới nơi đây thực sự khởi sắc. “Nhớ lại thời kỳ đất nước vừa giành được độc lập tôi mới thấy cuộc sống của người dân đã khác xưa rất nhiều. Những lớp người như chúng tôi chưa bao giờ tưởng tượng được quê hương mình đổi khác như bây giờ”, ông Phan Đình Thả xúc động nói.

VỊ THỦY

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/le-hong-doi-moi-144532