Lễ ký kết hợp tác giữa Viện Nghiên cứu lập pháp và Hội Luật gia

Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc lắng nghe, tham vấn và 'chưng cất' từ các ý kiến, kiến nghị, hiến kế của Hội Luật gia Việt Nam sẽ đóng góp thiết thực cho các hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 20/1, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đã chứng kiến Lễ ký Chương trình phối hợp công tác giữa Viện Nghiên cứu lập pháp và Hội Luật gia Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ ký, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc Viện Nghiên cứu lập pháp và Hội Luật gia Việt Nam ký chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2026 với 12 nội dung hợp tác cụ thể rất toàn diện.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ tiếp nối truyền thống 76 năm của Quốc hội và thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, đó là Quốc hội phải luôn tự đổi mới, không ngừng hoàn thiện, Quốc hội Khóa XV quyết tâm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động trên tất cả các lĩnh vực.

Để thực hiện mục tiêu trên, Quốc hội đặc biệt coi trọng cơ chế chuyên gia và đã giao cho Viện Nghiên cứu lập pháp làm đầu mối xây dựng mạng lưới sáng kiến của Quốc hội, huy động tối đa đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực, các ngành, các giới tham gia đóng góp cho hoạt động của Quốc hội.

Do đó, hợp tác giữa Viện Nghiên cứu lập pháp và Hội Luật gia Việt Nam thực chất là hợp tác giữa các cơ quan của Quốc hội, Quốc hội với giới luật gia trong cả nước.

Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, nhiệm kỳ khóa XV, lần đầu tiên, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về Định hướng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội Khóa XV.

Đây là cơ sở hết sức quan trọng để Quốc hội chủ động hơn nữa trong việc dẫn dắt công tác xây dựng pháp luật, chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa để bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước.

Hiện nay, Đảng đoàn Quốc hội đã và đang hoàn thiện xây dựng 5 chuyên đề thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Quốc hội đang tập trung đẩy mạnh giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật và giám sát việc thực hiện các kết luận giám sát.

Chủ tịch Quốc hội cho biết vừa qua, với những vấn đề khó, còn ý kiến khác nhau, Lãnh đạo Quốc hội đều giao cho Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của đội ngũ chuyên gia giúp Quốc hội có thêm các luận cứ, cơ sở khoa học và cơ sở trong xem xét, quyết định.

Hội Luật gia Việt Nam với tính chất là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp quy tụ sự tham gia của khoảng 67.000 hội viên là các luật gia đã và đang làm công tác pháp luật trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức văn hóa, tổ chức giáo dục, đơn vị vũ trang nhân dân, có tôn chỉ mục đích hoạt động vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân, góp phần xây dựng nền khoa học pháp lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trên thực tế, Hội Luật gia Việt Nam đã chủ trì đề xuất, soạn thảo một số dự án Luật quan trọng trình Quốc hội và có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc lắng nghe, tham vấn và “chưng cất” từ các ý kiến, kiến nghị, hiến kế của Hội Luật gia Việt Nam sẽ đóng góp thiết thực cho các hoạt động của Quốc hội.

Đánh giá cao 12 nội dung hợp tác cụ thể giữa Viện Nghiên cứu lập pháp và Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả hợp tác giữa hai cơ quan; khẳng định Lãnh đạo Quốc hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện chương trình hợp tác giữa hai cơ quan.

Cùng với cơ chế hợp tác này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác với giới chuyên gia trong nước và quốc tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động và đóng góp hiệu quả hơn nữa cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Theo Chương trình phối hợp công tác, Viện Nghiên cứu lập pháp và Hội Luật gia Việt Nam sẽ hợp tác trong 12 lĩnh vực cụ thể gồm tham gia công tác xây dựng pháp luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; tư vấn, phản biện chính sách, pháp luật trong xây dựng, thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình hoạt động của Quốc hội; phối hợp thực hiện đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính, bồi dưỡng kỹ năng đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền những vấn đề về xây dựng và thi hành pháp luật; rà soát, đánh giá việc thi hành pháp luật nhằm phát hiện các vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, những vấn đề mới phát sinh để sửa đổi, bổ nhằm hoàn sung thiện pháp luật theo ưu tiên của Viện và các lĩnh vực công tác có liên quan chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam; khảo sát, nghiên cứu chính sách, pháp luật liên quan đến các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi phối hợp.

Cùng với đó, hai bên đề xuất các giải pháp thúc đẩy việc thực hiện và giám sát việc thực hiện hiệu quả pháp luật trong các lĩnh vực mà Quốc hội quan tâm; các biện pháp huy động sự tham gia của xã hội trong hoạt động lập pháp và giám sát; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổ chức các hội thảo, tọa đàm tham vấn, góp ý các dự thảo chính sách, pháp luật theo chương trình hoạt động của Quốc hội; trao đổi tháo gỡ vướng mắc trong quá trình xây dựng, thi hành pháp luật thuộc phạm vi quan tâm của mỗi bên.

Hai bên phối hợp triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mỗi bên; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ có liên quan đến các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi phối hợp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực và điều kiện của mỗi bên; trao đổi và sử dụng đội ngũ chuyên gia của hai bên đối với các hoạt động thuộc phạm vi phối hợp; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ chung của hai bên./.

Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/le-ky-ket-hop-tac-giua-vien-nghien-cuu-lap-phap-va-hoi-luat-gia/769418.vnp