Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Ngày 1/7, tại Trung tâm Thông tin - Hội nghị tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915-1/7/2025). Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm. Cùng dự có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch Nước; Trần Quốc Vượng, nguyên Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành của Trung ương; lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hải Phòng. Về phía tỉnh Hưng Yên, dự lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện cán bộ lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đại diện gia đình đồng chí Nguyễn Văn Linh...

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (Ảnh Lê Hiếu)

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (Ảnh Lê Hiếu)

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (Ảnh Lê Hiếu)

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (Ảnh Lê Hiếu)

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (Ảnh Lê Hiếu)

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (Ảnh Lê Hiếu)

Diễn văn tại lễ kỷ niệm do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa trình bày nêu rõ: Đồng chí Nguyễn Văn Linh xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, sớm tham gia các hoạt động cách mạng. Năm 1930, đồng chí bị địch bắt và bị đày đi Côn Đảo. Năm 1936, cùng với nhiều chiến sĩ cách mạng khác, đồng chí được trả tự do, tiếp tục hoạt động, tham gia khôi phục phong trào cách mạng, lập lại Thành ủy Hải Phòng và được bầu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Đầu năm 1939, Trung ương điều động đồng chí vào tham gia Thành ủy Sài Gòn. Trong thời gian này, đồng chí chắp nối lại phong trào cách mạng, chuẩn bị lập lại xứ ủy mới. Tại đây, đồng chí lại bị địch bắt và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm (Ảnh Trịnh Cường)

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm (Ảnh Trịnh Cường)

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được Đảng và Nhà nước đón từ Côn Đảo trở về để tiếp tục tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến của Nhân dân Nam Bộ và gắn bó với đồng bào Nam Bộ trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ cho đến thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân năm 1975. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị và phân công công giữ nhiều trọng trách quan trọng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986), đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Quang cảnh Lễ kỷ niệm (Ảnh Lê Hiếu)

Quang cảnh Lễ kỷ niệm (Ảnh Lê Hiếu)

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm (Ảnh Trịnh Cường)

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm (Ảnh Trịnh Cường)

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm (Ảnh Trịnh Cường)

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm (Ảnh Trịnh Cường)

Trong diễn văn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định: đồng chí Nguyễn Văn Linh - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của Nhân dân; Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo của cách mạng Việt Nam và là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản “tận trung với nước, tận hiếu với dân”. Gần 70 năm hoạt động ở nhiều vùng, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, trải rộng trên cả ba miền đất nước và được Đảng, Nhà nước tin cậy giao phó nhiều trọng trách, dù ở đâu, làm công việc gì, ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng luôn hết lòng vì Đảng, vì dân, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.

Phát biểu cảm tưởng tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Đình Phách, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên bày tỏ xúc động khi nhắc lại những lần được gặp và nghe chỉ đạo trực tiếp từ đồng chí Nguyễn Văn Linh và cảm nhận rõ về những tình cảm của đồng chí đối với quê hương Hưng Yên. Đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân Hưng Yên cùng nhìn lại, học tập và noi theo tấm gương đạo đức cách mạng, phong cách làm việc khoa học, gần dân, trọng dân của đồng chí. Đồng chí tin tưởng rằng với truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, Hưng Yên sẽ tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc và trở thành tỉnh mạnh của cả nước như mong muốn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm (Ảnh Trịnh Cường)

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm (Ảnh Trịnh Cường)

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng, một tấm gương sáng ngời về bản lĩnh cách mạng và đặc biệt là người đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước. Đây là dịp để ôn lại cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những cống hiến to lớn, những quyết sách lịch sử mà đồng chí đã đưa ra trong những thời khắc có tính bước ngoặt của đất nước. Và đây cũng là dịp để chúng ta suy ngẫm và rút ra những bài học quý báu từ tư duy, bản lĩnh, phương pháp lãnh đạo của đồng chí – những bài học mang ý nghĩa sâu sắc, có giá trị bền vững trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay. Trong đó, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu lên bài học về tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; bài học về gắn bó mật thiết với Nhân dân, xuất phát từ lợi ích của Nhân dân; bài học về chống chủ nghĩa cá nhân, giữ gìn đạo đức cách mạng, chỉnh đốn Đảng từ bên trong; bài học về độc lập tư duy, phát huy nội lực, đi lên từ chính bản thân mình của đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm (Ảnh Trịnh Cường)

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm (Ảnh Trịnh Cường)

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Trong thời điểm này, cả dân tộc đang chung sức đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cả nước bắt đầu vận hành mô hình đơn vị hành chính hai cấp với không gian phát triển mới, vì thế cần tiếp tục khơi dậy tinh thần đổi mới, quyết đoán, khoa học, gần dân và trung thực của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Phải đào tạo và lựa chọn những cán bộ vừa có đức, vừa có tài, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, không chấp nhận cán bộ bảo thủ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, chỉ lo an toàn cho bản thân. Bên cạnh đó cần kiên định đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng đồng thời linh hoạt, thích ứng nhanh với các xu thế công nghệ, tài chính xanh, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; cần tiếp tục cải cách thể chế, thúc đẩy môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người dân; chúng ta phải đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế quốc tế và nền văn minh nhân loại, để sánh vai với các cường quốc năm châu.

Một tiết mục văn nghệ chào mừng tại Lễ kỷ niệm (Ảnh Lê Hiếu)

Một tiết mục văn nghệ chào mừng tại Lễ kỷ niệm (Ảnh Lê Hiếu)

Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm (Ảnh Trịnh Cường)

Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm (Ảnh Trịnh Cường)

Phương Minh

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/le-ky-niem-110-nam-ngay-sinh-tong-bi-thu-nguyen-van-linh-3182213.html