Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhà văn Ngô Tất Tố
Sáng 20/4, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhà văn Ngô Tất Tố (20/4/1893 - 20/4/2023) với sự tham dự của đông đảo các thế hệ nhà văn, đại diện gia đình và độc giả.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: "Ngô Tất Tố là một tên tuổi lớn, một ngôi sao sáng với những đóng góp to lớn, đặt nền móng cho tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. Đồng thời ông cũng là hiện thân cao đẹp cho văn nghệ sĩ đi theo cách mạng và kháng chiến".
Nhắc tới những tác phẩm như “Tắt đèn”, “Việc làng”, “Tập án cái đình” đã truyền tải đến người đọc những thực tế nhức nhối trong sinh hoạt người nông dân và nông thôn Việt Nam trước năm 1945, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định, với ngòi bút chân thực, Ngô Tất Tố luôn làm người đọc kinh ngạc vì cách đặt vấn đề xã hội từ các tầng tiềm ẩn sâu xa của sự sống và của cả nền văn hóa. Cũng vì sự nhạy cảm, cập nhật thời sự của hiện tại, những tác phẩm của ông mang tầm vóc lớn khi thấu hiểu sâu xa về cuộc sống và con người, về xã hội và thời cuộc.
Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu là các nhà văn, nhà nghiên cứu uy tín đã làm rõ hơn những nhận định về tài năng, đóng góp của nhà văn Ngô Tất Tố đối với văn học Việt Nam nói riêng, sự nghiệp giải phóng dân tộc nói chung, góp phần khẳng định tư cách nhà văn hóa, tư cách một nhân vật lịch sử Ngô Tất Tố trong tiến trình hiện đại hóa nền văn học, nền báo chí và nền văn hóa Việt Nam.
Bàn về sự nghiệp văn chương của Ngô Tất Tố, Giáo sư Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học nhìn nhận: Tác phẩm của Ngô Tất Tố là ranh giới giữa văn hóa cổ và hiện đại. Ông đã từng dịch và giới thiệu Nho giáo, Lão Tử, Mao Tử, Kinh dịch, thơ Đường, đã dịch nhiều tác phẩm như Hoàng Lê nhất thống chí... Tuy nhiên nhà Nho lão thành cũng lại vô cùng sắc sảo quan tâm sâu sắc đến nhiều vấn đề xã hội.
Một Ngô Tất Tố hiện đại qua hàng loạt bài báo với tinh thần đấu tranh bảo vệ chân lý, quyền sống cho người nông dân bị áp bức khổ cực. Một Ngô Tất Tố hiện đại với những tiểu thuyết phóng sự phản ánh sâu sắc chân thực những bức tranh quê, những sự đổi đời của văn hóa phong kiến suy tàn sang thời kỳ bút lông chuyển sang bút sắt.
“Ngô Tất Tố nhà văn, Ngô Tất Tố nhà báo - sự kết hợp hài hòa hai thiên chức ở một con người - hai phẩm chất văn chương và báo chí đã góp phần tạo nên những tác phẩm xuất sắc”, Giáo sư Hà Minh Đức chia sẻ.
Đặt Ngô Tất Tố vào hàng những văn gia lớn của thế kỷ XX, Giáo sư Phong Lê nhận định: Ngô Tất Tố luôn luôn là con người của thời sự, của hiện tại. Ánh sáng trong tác phẩm của ông luôn luôn có sức rọi sâu và xa. Sự nghiệp của ông là dự cảm, là phát ngôn, là hiện thân những vấn đề của đất nước, của nhân dân, của thế kỷ.
Giáo sư Phong Lê cũng nhìn nhận Ngô Tất Tố như một nhà văn hóa sử: “Ngô Tất Tố luôn luôn làm ta kinh ngạc, vì cách đặt các vấn đề xã hội từ các tầng tiềm ẩn sâu xa của sự sống và của cả nền văn hóa, và vì sự nhạy cảm, thức thời, cập nhật của thời sự, của hiện tại”.
Tách riêng ra, ở mỗi lĩnh vực, Ngô Tất Tố là người viết sâu sắc, và bộc lộ hết mình. Tổng hợp lại, ông càng lớn trong những thấu hiểu sâu xa về cuộc sống và con người, về xã hội và thời cuộc, về tri thức và văn hóa, về văn chương và học thuật. Tư cách nhà văn hóa, học giả, người nghiên cứu dày dặn và sâu sắc về văn hóa dân tộc nói riêng và văn hóa phương Đông cổ truyền có thể được xem là phần cơ bản tạo nên cốt cách riêng của Ngô Tất Tố, so với nhiều đồng nghiệp cùng thời.
Về sự nghiệp báo chí của Ngô Tất Tố, nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương nhận định, Ngô Tất Tố viết báo ở một tầm văn hóa cao, ở một ngưỡng kiến thức rộng lớn và chính xác. Nhiều bài báo của Ngô Tất Tố có cốt cách của truyện ngắn hài hước, sắc nhạy và thâm thúy. Rất nhiều bài báo của ông đến nay vẫn thời sự, vẫn như viết ra để nói việc bây giờ, cho người đọc bây giờ.
“Ngô Tất Tố đã viết dưới ánh sáng của khoa học để phục vụ đại chúng và bảo vệ dân tộc. Ghi nhận tính chiến đấu, ý thức xã hội và văn phong báo chí của Ngô Tất Tố cũng là ghi nhận vai trò người trí thức trước cộng đồng, ghi nhận sự nỗ lực của nhà nho tiến kịp với trào lưu tư tưởng tiến bộ nhất của thời đại”, nhà thơ Vũ Quần Phương nói.
Liên hệ với báo chí bây giờ, nhà thơ Vũ Quần Phương mong muốn sẽ có nhiều cây bút như Ngô Tất Tố cả ở phẩm cách lẫn tài năng.
Theo đánh giá của các đại biểu, sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của Ngô Tất Tố còn trường tồn với thời gian, là tấm gương để các trí thức, văn nghệ sĩ phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Hình ảnh tại lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhà văn Ngô Tất Tố
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/le-ky-niem-130-nam-ngay-sinh-nha-van-ngo-tat-to-post244545.html