Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện Lộc Ninh, Bình Phước
Ngày 7/4, tỉnh Bình Phước long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện Lộc Ninh (7/4/1972 - 7/4/2022); đón nhận Huân chương lao động hạng Nhì và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 6 xã, thị trấn và huyện Lộc Ninh là vùng An toàn khu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Dự lễ có Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng; nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Lê Trường Sơn đã ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng trên mảnh đất Lộc Ninh nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung.
Theo đó, vào ngày này, cách đây 50 năm (ngày 7/4/1972), một sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh cách mạng diễn ra, đó là ngày thắng lợi mở màn của “Chiến dịch Nguyễn Huệ” giải phóng hoàn toàn huyện Lộc Ninh.
Sự kiện này đã tạo nên sức mạnh to lớn, cổ vũ, động viên trên toàn mặt trận, góp phần tăng thêm thế và lực trên các lĩnh vực đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Sau 50 năm xây dựng, Lộc Linh đã có vóc dáng của một đô thị phát triển, năm 2021, thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 573 tỷ đồng, tăng 96,7 lần; GRDP bình quân đầu người đạt 68,2 triệu đồng/người, tăng gấp 3,63 lần so với năm 1991.
Sự khởi sắc của kinh tế-xã hội được thể hiện rõ nét ở diện mạo đô thị, nhất là nông thôn (toàn huyện đã có 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao); xây dựng vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, vật nuôi chủ lực gắn với chế biến, mở rộng các hình thức liên kết hợp tác; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, từng bước hình thành chuỗi giá trị sản phẩm.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng và đầy gian khổ hy sinh, Đảng bộ và nhân dân Bình Phước luôn kề vai, sát cánh cùng lực lượng vũ trang cả nước, chiến đấu kiên cường, lập nên nhiều chiến công vang dội với những địa danh đã mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc, như: Đồng Xoài, Lộc Ninh, Chơn Thành, Bình Long, Phước Long...
Ngày 1/1/1997, tỉnh Sông Bé được tách ra thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Sau 25 năm tái lập tỉnh, Bình Phước đã vươn lên mạnh mẽ, từ một trong những tỉnh nghèo của cả nước, đến nay, bằng sự nỗ lực phấn đấu và quyết tâm chính trị cao, Bình Phước đã và đang ngày càng đổi sắc thay da. Đến năm 2021, thu ngân sách của tỉnh đã đạt 13.675 tỷ đồng (tăng gấp 79 lần), thu nhập bình quân đầu người đạt 76 triệu đồng (gấp 29 lần so với 25 năm trước).
Đến nay, toàn tỉnh đã có 70/90 xã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần thay đổi rõ rệt diện mạo vùng nông thôn. Có thể nói, Bình Phước đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành tỉnh phát triển năng động trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh gửi lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất đến các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương, địa phương, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Bình Phước và huyện Lộc Ninh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Lộc Ninh là vùng đất phên giậu quan trọng phía Tây Nam của Tổ quốc, giàu truyền thống cách mạng đã được tạo dựng, bồi đắp bằng trí tuệ, ý chí và sự cống hiến, hy sinh của nhiều thế hệ. Nhân dân các dân tộc Lộc Ninh anh dũng, kiên cường trong chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt, không quản ngại hy sinh, gian khổ đấu tranh chống cường quyền áp bức và ngoại xâm.
Trong chiến tranh chống Mỹ, Lộc Ninh là một chiến trường khốc liệt, có vị trí chiến lược quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng miền nam. Lộc Ninh là điểm cuối của đường Hồ Chí Minh huyền thoại, đóng vai trò quan trọng của huyết mạch nối hậu phương lớn miền bắc với chiến trường miền nam.
Năm 1972, Lộc Ninh là thủ phủ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, là căn cứ của Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền nam Việt Nam và là nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.
Phó Thủ tướng rất phấn khởi khi chứng kiến sự đổi thay, vươn lên mạnh mẽ của một huyện vùng biên giới: tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức cao trong nhiều năm liền; năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 11,7 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 3,6 lần so với năm 1991; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, chỉ còn 1,75%; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; tình hình biên giới ổn định, hoạt động đối ngoại hiệu quả, tích cực.
Để Lộc Ninh vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, Phó Thủ tướng đề nghị những thế hệ kế tiếp tiếp tục giữ gìn, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị; chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Trong tình hình mới, Lộc Ninh cần triển khai hiệu quả chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Trong đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện; phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã. Với thế mạnh của mình, Lộc Ninh cần thực hiện thành công 3 chương trình đột phá về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế cửa khẩu và du lịch.
Lộc Ninh có nhiều di tích lịch sử, nhất là di tích quốc gia đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo huyện cần làm tốt công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị to lớn của các di tích lịch sử, văn hóa, nhất là các di tích cách mạng để Lộc Ninh là một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; qua đó, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước và trở thành những điểm đến du lịch có sức cuốn hút.
Là huyện có đường biên giới dài hơn 100 km, Lộc Ninh cần chú trọng bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Với những thành tích đáng tự hào, Lộc Ninh được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, gồm: 33 Huân chương độc lập, 3 Huân chương kháng chiến chống Mỹ, 2 Huân chương lao động và nhiều cờ thi đua, Bằng khen của Chính phủ.
Dịp này, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì của Chủ tịch nước tặng thưởng; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận 6 xã, thị trấn và huyện Lộc Ninh là vùng An toàn khu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Lộc Ninh.