Lễ ông Công ông Táo: Thả cá chép như thế nào để không phạm đại kỵ?
Việc mua cá chép sống và phóng sinh sau khi cúng ông Công ông Táo thể hiện tinh thần nhân đạo, tuy nhiên cần lưu ý cách thả và nơi thả cá để không phạm đại kỵ.
Ý nghĩa tục lệ cúng ông Công ông Táo?
Theo phong tục văn hóa cổ truyền của người Việt, cứ đến 23 tháng Chạp hàng năm, mọi gia đình sẽ làm mâm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo. Họ tin rằng, Táo quân cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo lên Ngọc Hoàng những việc đã làm và chưa làm được trong năm vừa qua. Sau đó, đến đêm giao thừa, các Táo mới trở lại trần gian tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình.
Vì vậy, vào ngày ông Công ông Táo, mỗi gia đình thường chuẩn bị 3 con cá chép sống, thường loại nhỏ và khỏe, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem những con cá này phóng sinh ở sông, ao, hồ... nghĩa là để đưa ông Táo về trời.
Bên cạnh đó, theo quan niệm Phật giáo, tập tục này thể hiện sự nhân văn, đề cao sự thiện lương của con người. Việc dùng cá chép thật tiễn Táo quân lên trời cũng mang ý nghĩa tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cá chép gắn liền với môi trường sông nước, phù hợp bối cảnh sống truyền thống của chúng ta là những vùng sông nước hoặc nghề làm lúa nước. Do vậy những loài vật sống dưới nước được ưu tiên hơn những loài vật sống trên cạn.
"Cá chép theo truyền thuyết vượt vũ môn hóa rồng, rồng là biểu tượng của sự thịnh vượng. Cá chép hóa rồng tức là có được thần lực đặc biệt, do vậy có thể trở thành vật cưỡi để ông táo cưỡi về trời. Cũng có quan niệm dân gian cho rằng cá chép vàng là loài cá tiên xưa sống trên Thiên đình, vì bị lỗi nên xuống trần gian, mỗi dịp 23 tháng chạp chỉ được ông Táo cưỡi về trời. Dân gian muốn chuẩn bị những gì tốt đẹp nhất cho ông Táo để ông Táo về trời nói những lời hay ý đẹp với Ngọc Hoàng", TS Thơ giải thích.
Khi cúng ông Táo, người ta đặt cá chép ở chậu trước chỗ bàn thờ ông Táo. Trong lúc cúng hoặc cúng xong, người ta mang cá ra ao hồ gần nhà để thả.
Cách chọn cá chép cúng ông Công ông Táo
Ngoài cúng ông Công ông Táo bằng cá chép sống, có một số gia đình còn dùng cá chép giấy để thay thế. Theo quan niệm dân gian, nếu đã cúng cá chép giấy thì thôi cá chép sống và ngược lại, song việc cúng cá chép sống có ý nghĩa phóng sinh.
Cá chép sống dùng để cúng ông Công ông Táo thường được chọn mua là cá chép đỏ. Sau khi mua về nhà, nên thả vào một bát nước sạch, thả thêm một cọng rêu nhỏ vào bát nếu mua cá trước thời gian cúng lâu. Khi cúng bát (chậu) cá chép được để cạnh mâm cỗ cúng. Cúng ông Công ông Táo cần 3 con cá chép đỏ.
Những con cá để dâng lên Táo quân không nhất thiết phải là con cá to, miễn sao cá khỏe mạnh, không bị trầy xước, mất vảy. Để thử độ khỏe mạnh của cá, người mua có thể chạm nhẹ vào mặt nước chậu đựng cá, nếu thấy cá bơi nhanh, quẫy mạnh thì đó là con cá khỏe mạnh.
Thả cá chép đúng cách
Theo quan niệm dân gian, cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (12h trưa ngày 23 tháng chạp) thì mới kịp lên Thiên đình. Do vậy, ngay từ tối ngày 22 đến sáng sớm 23 tháng chạp, người người đã bắt đầu thả cá ra sông, suối, hồ nước gần nhà.
Thả cá chép thế nào cho vừa đúng ý nghĩa tâm linh, vừa đúng mục đích tái tạo nguồn lợi bảo vệ môi trường không phải ai cũng hiểu biết đầy đủ. Nhiều người không phải thả cá mà đổ, ném, quăng cá hoặc ném luôn cả túi ni lông chứa cá xuống ao, hồ.
Như vậy không chỉ làm ô nhiễm môi trường mà còn thể hiện thái độ bất kính, sai ý nghĩa, chuẩn mực với phong tục cổ truyền của dân tộc.
Theo sách "Phong tục thờ cúng của người Việt" của tác giả Song Mai - Quỳnh Trang, NXB Văn hóa Thông tin), nếu cúng cá chép sống thì sau khi làm lễ xong, gia chủ đem cá ra sông, hồ thả với tâm thế vui vẻ, thoải mái, cùng niềm tin cá sẽ trở ông Táo về trời, điều này sẽ mang nhiều may mắn nhất đến cho gia đình gia chủ.
Trong lúc thả cá nên nhẹ nhàng, từ từ để tránh va chạm mạnh làm cá chết, cũng không cần phải cầu khấn gì cả, chỉ cần đơn giản nghĩ là mình đang đơn thuần cứu vớt chúng là được.
Sau khi thả cá xong nên lưu lại xem cá đã bơi đi chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt chưa bơi đi.
Không phóng sinh cá ở nơi nguồn nước bẩn, ô nhiễm, không thả cá ồ ạt, quăng, ném hay vứt cả núi nilon xuống hồ nước.