Lễ phát động Quốc gia Ngày môi trường thế giới 'Chỉ một Trái đất'
Ngày 28/5, tại Quảng Ninh, Bộ TNMT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ phát động Quốc gia Hưởng ứng ngày quốc tế Đa dạng sinh học (22/5); ngày môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2022.
"Chỉ một trái đất" là chủ đề của Lễ phát động Quốc gia về môi trường năm nay cũng là thông điệp cách đây 50 năm tại Hội nghị đầu tiên về môi trường do Liên Hợp Quốc tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển thống nhất cùng chung tay bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.
Sau 50 năm, trái đất đang đối mặt với các thách thức lớn về môi trường như ô nhiễm đất, nước; nguồn sống của các loài động thực vật mang gen quý hiếm đang bị đe dọa. Theo tính toán, đến năm 2050, với các mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên như hiện nay cộng sự gia tăng dân số thế giới có thể đạt 9,6 tỷ người, sẽ cần tới 3 Trái đất mới đáp ứng được nhu cầu sinh sống của nhân loại.
Vì vậy, “Chỉ một Trái đất” gửi đi thông điệp mạnh mẽ, kêu gọi tất cả mọi người hãy sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên. Mỗi quốc gia phải quyết tâm hành động với tâm thức chỉ có duy nhất một “Ngôi nhà tự nhiên”, ngôi nhà chung cho muôn loài trong cả vũ trụ.
Bà Caitlin Wiesen, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết: "Hành tinh duy nhất của chúng ta đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp với ba vấn đề lớn: Khí hậu nóng lên nhanh hơn dự đoán; Môi trường sống bị mất đi và các áp lực khác với ước tính có khoảng 1 triệu loài đang bị đe dọa tuyệt chủng; Tình trạng ô nhiễm không khí, đất và nước. Chúng ta cần hành động ngay lập tức để giải quyết các mâu thuẫn này. Và đây là lúc mối quan hệ hợp tác giữ Việt Nam và Liên Hợp Quốc thực hiện quyết tâm đưa Phát thải dòng bằng 0 vào năm 2050".
Tại Việt Nam, một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học, một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu với các nguồn gen quý, hiếm... cũng đứng trước những thách thức mang tính toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam đang ở thời điểm phát triển với những quyết định liên quan đến kinh tế xanh, nhất là sau đại dịch Covid-19 và đạt được mục tiêu có được thu nhập cao vào năm 2045.
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi: "Các chủ trương, cam kết chính trị đã và đang tiếp tục được thể chế hóa. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức được thực hiện từ 1/1/2022 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, doanh nghiệp và người dân sẽ đóng vai trò trung tâm".
Lễ phát động Quốc gia Hưởng ứng ngày quốc tế Đa dạng sinh học (22/5); Ngày môi trường thế giới và tháng hành động vì môi trường năm 2022, hướng tới tuyên truyền, vận động nhân dân cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn. Đây cũng là một trong các giải pháp mà tỉnh Quảng Ninh, địa phương được lựa chọn tổ chức lễ phát động Quốc gia đã và đang hướng tới để giải quyết các mâu thuẫn trong bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên đa dạng sinh học để phát triển bền vững.
Ngay sau lễ phát động, các đại biểu đã thả cá và trồng rừng ngập mặn tại xã đảo Đồng Rui, khu vực đang hoàn thiện hồ sơ công nhận là khu Ramsar của Việt Nam./.