Lễ tang nhạc sĩ Phú Quang: Âm nhạc du dương đưa tiễn
Gia đình, đồng nghiệp của nhạc sĩ Phú Quang tề tựu tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, từ sớm 13/12.
Lễ viếng chính thức cử hành lúc 7h trong tiếng nhạc du dương. Âm nhạc Phú Quang (Bâng quơ, Khúc mùa thu, Mùa thu giấu em...) qua giọng hát Ngọc Anh thay nhạc Hồn tử sĩ tiễn biệt. Gia đình cũng chọn một số ca khúc nổi bật trong sự nghiệp âm nhạc của Phú Quang, qua những giọng ca từng thành công hát nhạc của ông.
Mùa đông Hà Nội tiễn biệt Phú Quang.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi vòng hoa viếng. Nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo bộ, ban, ngành cũng gửi vòng hoa hoặc trực tiếp tới viếng và chia tay nhạc sĩ Phú Quang.
Nhiều bạn bè, đồng nghiệp, hậu bối lần lượt vào bái biệt nhạc sĩ Phú Quang: gia đình nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, gia đình ca sĩ Đức Tuấn, gia đình nhà thơ Hồng Thanh Quang...
Nỗi đau tận cùng.
NSƯT Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương từng có một số lần được làm việc cùng Phú Quang. Bởi vì thực sự yêu nhạc Phú Quang, anh từng làm bài tập quay ca khúc Thương lắm tóc dài ơi khi học tại trường Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội.
“Sau này tôi có quay một số MV ca nhạc do chính nhạc sĩ Phú Quang làm đạo diễn khoảng đầu những năm 2000, cũng từng ước hẹn cùng ông thực hiện một số MV, thậm chí cả phim tài liệu. Nhưng tất cả đã muộn. Thật buồn! Thế nhưng phim tài liệu vẫn có thể thực hiện được. Bởi Phú Quang là nhạc sĩ mà tôi và nhiều người yêu nhạc của ông và yêu cả ông nữa. Phú Quang là người thông minh, hóm hỉnh, kén người để gửi gắm những ca khúc”, NSƯT Trịnh Quang Tùng nói.
Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949, là người Hà Nội nhưng sinh tại Phú Thọ, trở lại Thủ đô khi lên 5 tuổi. Học chuyên ngành kèn cor, sau làm nhạc công rồi tiếp tục học ngành Chỉ huy Giao hưởng, sau này nhạc sĩ Phú Quang nổi danh hơn cả ở mảng ca khúc, nhất là dấu mốc ra đời của Em ơi Hà Nội phố (1986). Một loạt ca khúc tiêu biểu của ông sau này: Khúc mùa thu, Đâu phải bởi mùa thu, Biển của thời đã mất, Nỗi nhớ mùa đông, Mùa hạ còn đâu, Dạ khúc, Biển nỗi nhớ và em, Nỗi nhớ, Im lặng đêm Hà Nội, Tình khúc 24...
Ông đang có tên trong danh sách xét tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2021 với cụm tác phẩm: Em ơi, Hà Nội phố; Điều giản dị, Hà Nội ngày trở về, Chiều phủ Tây Hồ và khí nhạc Solo Fute et orchestre Tình yêu của biển.
Lễ viếng được tổ chức từ 07h05 đến 08h45. Lễ truy điệu được tổ chức từ 08h45 đến 09h00. Lễ di quan lúc 09h05. Lễ an táng được tổ chức từ 15h00 đến 17h00 cùng ngày tại công viên tưởng niệm Thiên Đức, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.