Lễ tảo mộ của dân tộc Mông ở Mường Chà

Theo truyền thống, ngày 3/3 âm lịch hằng năm đồng bào Mông thường tổ chức nghi thức tảo mộ cho ông bà, tổ tiên và người đã khuất trong gia đình, dòng tộc. Đây là phong tục, nét đẹp văn hóa, thể hiện lòng hiếu kính, sự biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên...

Các thành viên trong gia đình đập đá, lựa chọn đá để đắp mộ cho người đã khuất.

Các thành viên trong gia đình đập đá, lựa chọn đá để đắp mộ cho người đã khuất.

Tại bản Trung Dình, xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà), ngay từ sáng sớm ngày tảo mộ, khi sương mù còn trắng trên các sườn núi, gia đình ông Hạng Trừ Chớ và dòng họ đã mời thầy cúng đến làm lý tu sửa lại mộ cho cụ bà Giàng Thị Dung. Gia đình mang theo đầy đủ dụng cụ để sửa sang phần mộ (cuốc, xẻng...) và các lễ vật (tiền âm, hương, giấy trắng, rượu, 1 đôi chén, 1 con lợn 10kg, một đôi gà…). Trước khi làm lễ tảo mộ, thầy cúng Sùng Trù Cờ thắp nén hương, xin phép người đã khuất, thần thổ địa, tổ tiên rằng, hôm nay là ngày lành tháng tốt, con cháu đến sửa mộ cho cụ bà.

Đắp đất, kê đá quanh khu mộ tránh động vật hoang dã làm đầu hố làm tổ.

Đắp đất, kê đá quanh khu mộ tránh động vật hoang dã làm đầu hố làm tổ.

Sau khi xin phép, con cháu quây quần bên phần mộ của cụ bà Dung làm cỏ, phát cây, dọn dẹp sạch sẽ và đắp đất, kê đá lên khu mộ cho cao ráo. Việc làm này nhằm tránh không cho các loài động vật hoang dã làm tổ, thân cây to cắm rễ xâm phạm tới mộ phần người đã khuất.

Trong ngày tảo mộ, khu mộ của cụ bà Dung trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Người lớn lo công việc sửa sang. Trẻ em được bố mẹ dẫn đi theo với mục đích biết những ngôi mộ của bà cụ, tổ tiên đồng thời dạy cho thế hệ sau biết kính trọng tổ tiên, "uống nước nhớ nguồn".

Ông Hạng Trừ Chớ chia sẻ: Đây là mộ mẹ lớn của tôi; bà mất từ khi tôi còn chưa sinh ra. Bao nhiêu năm qua, gia đình tôi luôn chăm sóc mộ phần cho bà cẩn thận. Hôm nay, gia đình và anh em trong dòng họ đến làm lễ tảo mộ cho mẹ. Lễ vật và dụng cụ đã được gia đình và dòng họ chuẩn bị từ mấy ngày trước. "Phong tục của dân tộc Mông, ngày tảo mộ là dịp để con cháu trong gia đình tri ân, tưởng nhớ về tổ tiên, cội nguồn. Đây cũng là dịp cầu xin tổ tiên, ông bà, cha mẹ phù hộ con cháu nhiều sức khỏe, may mắn, làm ăn phát đạt".

Con cháu dùng xi măng quét tường mộ bà cụ đảm bảo giữ được lâu.

Con cháu dùng xi măng quét tường mộ bà cụ đảm bảo giữ được lâu.

Theo thầy cúng Sùng Trù Cờ, lễ vật dâng cúng trong lễ tảo mộ tùy thuộc hoàn cảnh của gia chủ. Nhà có điều kiện thì mổ con lợn to, nhà không có điều kiện thì mổ một đôi gà, chủ yếu là tấm lòng thành của con cháu với ông bà, tổ tiên. Vào ngày lễ quan trọng này, tất cả con cháu trong gia đình đều có mặt đầy đủ đi tảo mộ cùng nhau.

Ông Sùng Trù Cờ làm lý mời cụ bà về dùng rượu và cơm nước.

Ông Sùng Trù Cờ làm lý mời cụ bà về dùng rượu và cơm nước.

Ông Cờ cũng chia sẻ: "Sau khi sửa sang mộ xong, thầy cúng và gia đình sửa soạn lễ cúng. Lễ thường là một con lợn, một đôi gà và tiền giấy. Sau khi cúng lễ, thầy cúng sẽ mời con cháu quỳ lạy trước mộ phần người đã khuất để tỏ lòng biết ơn công sinh thành của bố mẹ, ông bà, tổ tiên; nhớ về quê hương, cội nguồn của mình".

Ông Hạng A Lòng, phó dòng họ Hạng, bản Trung Dình, cho biết: Lễ tảo mộ là bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Mông. Nét văn hóa tốt đẹp này luôn được các cụ giữ gìn và phát huy từ xưa đến nay và đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người. Dòng họ sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động con cháu giữ gìn và phát huy phong tục tốt đẹp này".

Sau khi đắp mộ, con cháu trong gia đình và dòng họ cúng tiến.

Sau khi đắp mộ, con cháu trong gia đình và dòng họ cúng tiến.

Con cháu quỳ lạy tỏ lòng báo hiếu, đền đáp ơn sinh thành bố mẹ, ông bà, tổ tiên.

Con cháu quỳ lạy tỏ lòng báo hiếu, đền đáp ơn sinh thành bố mẹ, ông bà, tổ tiên.

Ý nghĩa của lễ tảo mộ không chỉ dừng lại ở việc con cháu tưởng nhớ đến bố mẹ, ông bà, tổ tiên mà sâu xa hơn là cầu nguyện cho người thân trong gia đình, anh em, họ hàng dồi dào sức khỏe, sống đoàn kết, yêu thương, bảo ban nhau tích cực lao động sản xuất, xây dựng đời sống ngày một ấm no.

A Giống

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/van-hoa/le-tao-mo-cua-dan-toc-mong-o-muong-cha