Lễ tảo mộ của người Tày Bình Liêu, Quảng Ninh
Cũng như người Tày ở nhiều địa phương khác, trong tiết Thanh Minh con cháu các gia đình người Tày ở huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) lại cùng nhau đi tảo mộ và thực hiện các nghi lễ bày tỏ lòng thành kính, nhớ về tổ tiên. Đây cũng là dịp quan trọng các dòng họ, gia đình sum họp...
Từ sáng sớm, trên các triền đồi, chân núi..., nhiều nhóm người mang theo đồ lễ và dụng cụ đi tảo mộ người thân. Họ đến khu mộ của gia đình để thắp hương xin phép Thổ địa rồi phát cỏ, dọn dẹp mồ mả ông bà, tổ tiên sạch sẽ.
Anh Tô Đình Hiệu ở thị trấn Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: "Đến lễ tảo mộ, người Tày chúng tôi đều mong muốn ông bà được ở trong nhà mới, nhà đẹp, cả bản đều vậy. Trong các thứ đặt lễ, ngoài xôi nếp màu còn có thịt gà, thịt lợn, các loại bánh ngon nhất đem đặt trước mộ. Ai cũng được đi tảo mộ, từ dâu rể, con gái, con trai, các cháu nhỏ,... Người Tày ở Bình Liêu quan niệm, đi tảo mộ đông như thế mới vui, người nằm dưới mộ mới được gặp nhiều người, gặp bà con thân thuộc, đi tảo mộ lúc nào cũng phải vui vẻ, rộn ràng".
Từ hạt gạo nếp thơm kết hợp với những cây lá khác nhau, người Tày ở Bình Liêu tạo ra màu xôi thật bắt mắt, tiếng Tày gọi thứ xôi đó là "ngài đau đí" (xôi ánh sao). "Ngài đau đí" là một lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng mang theo khi tảo mộ của người Tày. Ngoài con gà, miếng thịt lợn, tôm cá, vàng hương… con cháu sẽ đơm 2 bát "ngài đau đí", trong đó 1 bát để ở mâm lễ trước phần mộ, còn một bát để ở mâm lễ đặt trên mộ dấu (tì tậc). Trong làn khói hương bảng lảng, họ phân công nhau mỗi người một việc cùng chăm sóc phần mộ tổ tiên sạch sẽ, gọn gàng.
Nghệ nhân ưu tú Lương Thiêm Phú (thôn Chang Nà, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu) cho biết, đa số bà con tảo mộ vào tiết Thanh Minh và mùng 3/3 âm lịch, duy có họ Ngô tảo mộ dịp trước Tết Nguyên Đán: "Đi tảo mộ, khi đã dọn dẹp xong phải cắm 4 cây hoa có giấy tiền ở 4 góc mộ, không phải ở sát mộ, cách hơi xa chút. Nếu ai biết cắt trông rất đẹp. Người nào đi qua khu mộ đó sẽ nghĩ 'À đây là mộ được con cháu đến dọn dẹp cây cối, chăm sóc rồi, có đạo hiếu thảo, không quên tổ tiên'. Còn nếu mộ nào trong năm đó không có ai đến hương khói thì đã không còn người thân, con cháu. Ở Bình Liêu, những ngôi mộ vô chủ hầu như rất ít, nếu có ở gần mộ của dòng họ mình, thì mình đều cắm cho nén hương với tâm niệm rằng ông bà tổ tiên của mình được con cháu nhớ đến, còn bên kia chưa ai đến hương khói cũng được an ủi, họ sẽ phù hộ cho mình gặp may mắn, con cháu bình an, làm ăn thuận lợi".
Người Tày quan niệm rằng, có thể Tết Nguyên đán không về quê nhà được nhưng không thể vắng mặt trong ngày tảo mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ và sum họp với gia đình, người thân.
Thường thì sau một tuần hương và 12 tuần rượu sẽ kết thúc thủ tục cúng lễ. Những người tham gia tảo mộ sẽ cùng "thụ lộc" và ăn một chút "ngài đau đí"... Khi tiết trời về chiều, những ngôi mộ um tùm cỏ mọc đã được dọn sạch sẽ; khắp sườn đồi lấp lánh những cây nêu báo hiệu đã sửa sang xong mồ mả tổ tiên và thấp thoáng những khuôn mặt với nụ cười, niềm vui sum họp cùng nhau chăm sóc phần mộ tổ tiên, ông bà...
Cũng như nhiều dân tộc khác, Lễ tảo mộ của người Tày thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Kính hiếu tổ tiên”. Đây còn là dịp để con cháu đi làm ăn xa trở về sum vầy nơi quê cha đất tổ, thăm hỏi sẻ chia và góp phần giáo dục cho thế hệ sau về truyền thống, nét đẹp văn hóa của dân tộc mình./.