Lễ Thất Tịch 7/7 âm lịch và những chuyện để ngỏ
Nhắc đến lễ Thất Tịch là người ta nhớ ngay ra truyền thuyết về Ngưu Lang – Chức Nữ.
Người ta cứ hay nhắc về ngày lễ Thất Tịch 7/7 hàng năm, gắn với mưa ngâu và câu chuyện Ngưu Lang – Chức Nữ.
Lễ Thất Tịch hay ngày lễ bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc, chúng còn có tên gọi khác là tiết Thất Tỷ.
Đây là một trong những ngày hội quan trọng trong năm của nước này, đồng thời nó cũng là một ngày lễ truyền thống của các nước Đông Á khác.
Tại Nhật Bản, lễ Thất Tịch được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 dương lịch sau thời Duy Tân Minh Trị.
Lịch sử lễ Thất Tịch
Nhắc đến lễ Thất Tịch là người ta nhớ ngay ra truyền thuyết về Ngưu Lang – Chức Nữ.
Truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ là một trong bốn câu chuyện truyền thuyết về tình yêu nổi tiếng nhất ở Trung Quốc.
Nội dung truyền thuyết xoay quanh câu chuyện về Ngưu Lang từ nhỏ đã mất cha mất mẹ, bị anh chị dâu ức hiếp, chỉ có một con trâu già làm bạn. Ngày nọ, con trâu già bày mưu chỉ Ngưu Lang cách cưới Chức Nữ làm vợ đó là ăn trộm xiêm y của Chức Nữ lúc đang tắm.
Vào ngày trâu nói, quả nhiên các tiên nữ xinh đẹp bay xuống bờ sông tắm rửa, nô đùa trong nước. Ngưu Lang nấp sẵn trong bụi cỏ đột nhiên chạy lại trộm đi bộ cánh tiên của Chức Nữ.
Các tiên nữ hoảng sợ vội lên bờ mặc áo bay đi, chỉ có Chức Nữ vì mất áo nên không bay đi được, cuối cùng đành phải ở lại làm vợ Ngưu Lang.
Chuyện Chức Nữ và Ngưu Lang bị Ngọc Đế và Vương Mẫu biết được, họ rất tức giận, lệnh các thiên thần hạ giới bắt Chức Nữ về.
Thiên thần nhân lúc Ngưu Lang không ở nhà, bắt Chức Nữ đi. Ngưu Lang về không thấy vợ, vội khoác da trâu lên người gánh con bay theo vợ.
Mắt thấy Ngưu Lang sắp đuổi kịp vợ, Vương Mẫu rút trâm trên đầu vạch một đường xuống sông Ngân, sông Ngân ngày xưa vốn trong vắt nay đục ngầu chẳng thấy đáy, cứ thế Ngưu Lang không cách nào qua sông, chỉ có thể ngậm ngùi cách dòng sông ngóng trông Chức Nữ.
Ngọc Hoàng và Vương Mẫu cảm động trước tình yêu chân thành của họ, cho phép họ gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch hàng năm.
Tương truyền vào ngày này, chim hỉ tước sẽ bay lên trời, đắp thành cây cầu hỉ tước cho Ngưu Lang Chức Nữ vượt sông Ngân gặp nhau.
Vào ngày này, nếu những ai đứng dưới cây nho hoặc những loại trái cây khác có thể nghe được lời tâm tình giữa Ngưu Lang và Chức Nữ.
Thất Tịch khởi nguyên từ đời Hán, trong Tây Kinh Tạp Ký có ghi: “Hán nữ thường luồng kim xỏ chỉ vào ngày 7/7, từ đấy người người làm theo”.
Đây cũng là những ghi chép sớm nhất về tục thờ cúng Chức Nữ.
Đến thời Tống, trong Khai Nguyên Thiên Bảo có ghi: Đường Thái Tông và phi tử mỗi lần Thất Tịch đều tổ chức yến tiệc, các cung nữ cầu nguyện cho được khép tay; tập tục này kéo dài mãi tới tận đời Tống Nguyên.
Đến ngày 20/05/2006, ngày lễ Thất Tịch đã chính thức được xếp vào di sản văn hóa phi vật chất của Trung Quốc.
Lễ cúng Chức Nữ
Vào đêm Thất Tịch, các cô gái sẽ mặc đồ mới đứng trong sân nhà mình, đặt một cái bàn dưới trăng, trên bàn đặt trà bánh, trái cây, rượu, ngũ tử (nhãn, táo, phỉ, đậu phộng, hạt dưa), một bó hoa tươi được buộc chỉ đỏ cắm trong lọ, đằng trước đặt một lư hương.
Lễ vật thứ hai là những vật thêu thùa nhỏ xinh do các cô gái tự tay làm, kèm theo trái cây và dưa bánh cúng Chức Nữ.
Các cô sau khi tắm rửa dâng hương thì ngồi quay quần quanh bàn vừa ăn trà bánh vừa nhìn về phía sao Chức Nữ mặc niệm tâm sự của mình, cầu nguyện với Chức Nữ lớn lên xinh đẹp hoặc có được lang quân như ý.
Chè đậu đỏ và bánh xảo
Trong các thức các món của ngày Thất Tịch, xảo quả và chè đậu đỏ là món ăn nổi tiếng nhất.
Xảo quả là một loại bánh ngọt rán mỏng được làm từ bột, đường (hoặc mật), và mè.
Xảo quả không đơn giản chỉ là một món ăn, tặng xảo quả cho người thương trong ngày Thất Tịch đồng nghĩa với lời tỏ tình say đắm nhất.
Theo dòng thời gian, Xảo quả của lễ Thất Tịch đã trở thành biểu tượng và lời tuyên ngôn mãnh liệt cho tình yêu.
Chè đậu đỏ là món ăn được quan tâm nhất trong ngày lễ Thất tịch. Truyền rằng nếu trog ngày này mà ăn chè đậu đỏ thì con gái sẽ cầu được tình duyên như ý. Còn nếu ai đã có duyên thì sẽ vạn niên bền chặt.
Minh Anh (Tổng hợp)