Lê Thị Tuyết - kiên trì tạo thành công

Là hộ đầu tiên và duy nhất trồng dâu, nuôi tằm ở địa phương, trải qua nhiều khó khăn do biến động thị trường, giá cả cũng như thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật, chị Lê Thị Tuyết ở thôn Trung tâm, xã An Bình, huyện Văn Yên đã kiên trì 9 năm gắn bó với nghề, đem lại hiệu quả với thu nhập 130 triệu đồng/năm.

Chị Lê Thị Tuyết cùng cán bộ nông nghiệp xã An Bình trao đổi kỹ thuật chăm sóc tằm.

Chị Lê Thị Tuyết cùng cán bộ nông nghiệp xã An Bình trao đổi kỹ thuật chăm sóc tằm.

Hơn chục năm về trước, cũng như bao nông dân ở An Bình, chị Tuyết chỉ quanh quẩn việc ruộng lúa, nương ngô, nhưng ruộng thiếu nước, năng suất, sản lượng đều kém, nên có vụ còn chẳng được thu hoạch. Bởi vậy, sau một lần chứng kiến sự no đủ của người dân xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên từ nghề trồng dâu, nuôi tằm, chị Tuyết đã mạnh dạn thử nghiệm.

Theo đó, 4 sào ruộng cạn được chị chuyển sang trồng dâu. Khi dâu được thu lá, năm 2015, chị bắt đầu nuôi lứa tằm đầu tiên. Căn nhà gỗ nhỏ của gia đình thường bỏ trống được dọn dẹp sạch sẽ, rắc vôi trắng khử khuẩn để chuyển thành nhà nuôi tằm.

Chị Tuyết cho biết: "Mình chưa có kinh nghiệm nên chọn tằm đã nuôi được khoảng 10 ngày thì sẽ dễ nuôi hơn, ít bệnh tật hơn lại nhanh được thu hoạch (1 tháng sẽ thu được 2 lứa). Nghĩ là vậy, nhưng khi bắt tay vào làm thì chị cũng gặp khó khăn. Tằm bị bệnh, chết khá nhiều và 3 nong tằm chỉ thu được 60% (khoảng 22 kg kén), giá bán 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, so với trồng lúa, tôi thấy nuôi tằm vẫn cho thu nhập tốt hơn nên cố gắng học hỏi để khắc phục khó khăn này”.

Với suy nghĩ ấy, chị Tuyết vừa nhân rộng thêm diện tích dâu vừa đến vùng dâu Báo Đáp học tập, nghiên cứu, tìm hiểu cách phòng, chữa bệnh cho tằm. Để cây dâu phát triển tốt, chị tiến hành đốn gốc dâu đều đặn sau khi hết mỗi vụ cùng với chăm sóc, bón phân định kỳ khi dâu bắt đầu lên chồi. Đối với con tằm, việc vệ sinh khử khuẩn nhà tằm cũng được chị chú trọng thực hiện kỹ lưỡng hơn, đúng quy trình. Chị cũng tìm hiểu về các bệnh thường gặp trên con tằm về dấu hiệu, cách phòng và điều trị.

Sau 3 vụ tằm (khoảng một năm rưỡi) vừa làm vừa rút kinh nghiệm, các kỹ thuật nuôi tằm đã được chị Tuyết nắm vững, năng suất bắt đầu đi vào ổn định. Đến năm 2019, diện tích dâu đã được nâng lên gần 1 ha, chị Tuyết cũng đầu tư xây dựng nhà tằm lớn diện tích 130 m2 để nuôi 2 lứa tằm/tháng, mỗi lứa 5 nong. Sau đó một thời gian, dịch Covid-19 xuất hiện, giá kén chịu ảnh hưởng, có lúc giảm chỉ còn 60.000 đồng/kg nhưng chị Tuyết vẫn kiên trì bám trụ.

Chị chia sẻ: "Lúc ấy, nhiều người khuyên tôi bỏ nghề trồng dâu nuôi tằm vì gần 1 ha đất mà mỗi tháng chỉ thu được có 6 - 7 triệu đồng thì chặt đi mà trồng cây khác. Nhưng tôi nghĩ, mất bao nhiêu tâm huyết, thời gian, tiền bạc mà bỏ thì phí. Cũng ít có sản phẩm nào mà từ con giống đến thị trường tiêu thụ có sẵn và rộng mở như con tằm. Hơn nữa, tôi thấy giá trị như thế vẫn không quá thấp vì tôi vẫn có thời gian để có thể chăn nuôi, trồng rừng, tăng thêm thu nhập và so với trồng lúa thì trồng dâu nuôi tằm vẫn nhỉnh hơn, đỡ vất vả hơn”.

Chị Tuyết cũng đã tiếp tục đầu tư mua 70 bộ né gỗ cùng bàn dập để áp dụng kỹ thuật đưa tằm lên né ô vuông thay cho né tre truyền thống. Sản lượng, chất lượng kén tằm được nâng lên đáng kể, tằm lên tơ đều, đẹp, đáp ứng được trong sản xuất tơ công nghiệp; nhờ đó, giá bán và thu nhập đều tăng lên. Hiện nay, gia đình chị Tuyết nuôi 2 vụ tằm, khoảng 8 tháng trong năm, mỗi tháng thu về gần 100 kg kén, giá bán 175.000 đồng/kg, thu về 130 triệu đồng/năm và trừ chi phí còn cho lãi 110 triệu đồng.

Xã An Bình hiện nay mặc dù là xã nằm trong vùng quy hoạch trồng dâu, nuôi tằm của huyện Văn Yên, nhưng chỉ có duy nhất mô hình của gia đình chị Lê Thị Tuyết. Bởi vậy, sự thành công của chị Tuyết không chỉ là động lực để người dân An Bình mạnh dạn phát triển mà còn là điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm ngay tại địa phương. Được biết, năm 2024, người dân xã An Bình đã đăng ký trồng 14 ha dâu, dự kiến sẽ bắt đầu trồng trong tháng 8 - 10 năm nay.

Hoài Anh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/210/323498/le-thi-tuyet---kien-tri-tao-thanh-cong.aspx