Lễ trưởng thành và tri ân sao cho ý nghĩa?
Cuộc đời mỗi người đều được đánh dấu vào những thời điểm quan trọng như: Sinh ra, lớn lên, trưởng thành…
Từng giai đoạn qua đi là từng khoảnh khắc in sâu theo dòng cảm xúc. Đặc biệt, theo văn hóa truyền thống của người phương Đông, lễ trưởng thành gắn liền với truyền thống tôn sư trọng đạo. Đây cũng là lúc các em thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đồng thời thắp lên lòng nhiệt huyết, tình yêu, lẽ sống và ước mơ trong tâm hồn, để sau này đi đâu về đâu các em luôn hướng về nơi đã sinh ra và nơi đã tạo mình nên người.
Kinh tế - xã hội ngày càng đi lên, đời sống người dân được nâng cao đã giúp những nghi lễ này có thêm điều kiện tổ chức, phát triển. Khi các em học xong một lớp, đặc biệt kết thúc một cấp học lễ tri ân và trưởng thành thường được chú trọng, không chỉ diễn ra trong phạm vi nhà trường, mà còn có sự tham gia của thầy cô, bạn bè và phụ huynh.
Hiện nay, tại nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… lễ trưởng thành vẫn được duy trì tổ chức hàng năm để chúc mừng cũng như động viên những học sinh đã thực sự hoàn thành một năm học, chuẩn bị cho một giai đoạn cao hơn trong cuộc đời. Tuy nhiên, việc tổ chức như thế nào trong bối cảnh hiện nay vẫn đang có nhiều trăn trở, băn khoăn.
Thiết nghĩ, việc tổ chức lễ tri ân và trưởng thành từ nhiều đời nay là một hoạt động rất có ý nghĩa. Nó vẫn luôn là khoảnh khắc đáng nhớ, lưu giữ những kí ức vẹn nguyên của tuổi hoa niên trong tâm hồn mỗi cô cậu học trò. Các em được gặp gỡ nhau, sẻ chia với nhau thêm những nỗi niềm trong một thời gian dài gắn bó.
Có thể là một buổi lễ đầy xúc động, thiêng liêng với đông đảo học sinh, thầy cô giáo, cha mẹ học sinh nơi sân trường quen thuộc – một không gian vô cùng gắn bó. Đó có thể là những dòng lưu bút được viết đầy trân trọng, một chữ ký nắn nót trên trang vở, những tấm hình đong đầy yêu thương nơi hành lang bé xinh hay giữa sân trường quen thuộc, những tiết mục văn nghệ trẻ trung, bất ngờ của thầy cô giáo, của các bạn học sinh...
Cũng có thể là một bữa liên hoan, chia tay đầy thân mật. Tuy nhiên, mọi hình thức tổ chức cần phù hợp với điều kiện thực tiễn của lớp, của trường, của cha mẹ học sinh, để nó vừa phải ấm áp, thân tình, vừa ý nghĩa, đúng mực, phù hợp với văn hóa người Việt.
Ở Trường THCS Lê Văn Thiêm – TP Hà Tĩnh, thay vì đóng góp để tổ chức tiệc liên hoan tổng kết cuối năm cho các con, một số lớp học sinh đề xuất với BCH Hội phụ huynh, bố mẹ các con tổ chức cho các con một ngày dã ngoại làm những điều thiết thực, giúp các con nâng cao ý thức với cộng đồng, cảm nhận những nét đẹp của cuộc sống. Đó có thể là những chuyến hành trình khám phá miền sơn cước huyện Hương Khê, Hương Sơn hoặc về miền biển Lộc Hà, Thạch Hà…
Trong chuyến hành trình ngược hướng thượng ngàn này, các con đã được trải nghiệm, tìm hiểu 500 nông cụ sản xuất nông nghiệp truyền thống của người Việt tại Trung tâm Phát triển Hương Bình; dâng hương, dâng hoa cho 33 anh chị học sinh bị bom Mỹ giết hại tại Di tích Chứng tích tội ác chiến tranh trường cấp 2 Hương Phúc (xã Hương Trạch) năm 1966;
Khám phá vẻ đẹp thiên nhiên của Khu du lịch sinh thái Đông Trà, nơi có những cánh rừng cao su lộng gió, những đồi chè xanh mướt xa tít tận chân trời, nơi có những khu check in đang hút giới trẻ và thưởng thức bữa cơm trưa với những món ăn đậm đà hương vị của quê hương dưới tán cây rừng râm mát; tham quan, tìm hiểu bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Chứt tại xã Hương Liên - một trong những dân tộc rất ít người độc đáo của Việt Nam. Chương trình thêm ý nghĩa khi các em có cơ hội giao lưu văn hóa, văn nghệ với bà con, tặng hàng chục suất quà cho các em nhỏ, các hộ gia đình khó khăn.
Những chuyến đi thực sự thành công ngoài mong đợi, mang lại cho học sinh và phụ huynh những khám phá mới tuyệt vời về đất và người ở những vùng đất mới, giúp các em có những trải nghiệm thật thú vị. Đây là hoạt động thật bổ ích, giúp các em đoàn kết nhau hơn, thực sự thoải mái sau thời gian dài học tập.
Các em được nhìn nhận thực tế đời sống của bà con, được hiểu thêm về những nét văn hóa cộng đồng, cơ hội không nhiều trong bối cảnh các em đang phải lo lắng nhiều cho việc học tập. Chi phí không lớn, ít hơn nhiều so với những bữa tiệc liên hoan ở thành phố, nhưng chuyến dã ngoại khám phá văn hóa cộng đồng, thiện nguyện đem lại những điều tích cực cho các em, nhiều niềm vui, nhiều nụ cười. Một hoạt động giáo dục các con rất nhân văn, rất thực tế.
Tri ân và trưởng thành – theo đúng ý nghĩa cốt lõi của nó là để chứng tỏ rằng chúng ta đã lớn, đã va vấp, đã thấm thía và đã cảm nhận được nhiều điều đáng quý, đáng trân trọng trong cuộc đời. Theo tôi, việc tổ chức ở đâu, với ai, như thế nào để mỗi học sinh hiểu được những điều như thế mới là hoạt động có ý nghĩa.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/le-truong-thanh-va-tri-an-sao-cho-y-nghia-post644431.html