Lê Việt Cường - Ghép những mảnh vụn diệu kỳ từ đôi bàn tay người khuyết tật
Các mảnh lụa thừa tưởng chừng như bỏ đi trong quá trình sản xuất thương hiệu lụa Hà Đông lừng danh đã được những người khuyết tật sáng tạo thành vô số bức tranh, họa tiết đặc sắc.
Những người thợ thủ công tỉ mẩn, không chịu đầu hàng số phận ấy đến từ hợp tác xã Vụn Art, do anh Lê Việt Cường – Chủ tịch Hội người khuyết tật Hà Đông sáng lập.
Tấm gương sáng về ý chí và nghị lực
Căn bệnh bại liệt quái ác năm 1 tuổi đã khiến Lê Việt Cường trở thành một người khuyết tật. Tuy đôi chân tập tễnh làm cho cuộc sống có nhiều khó khăn, trở ngại nhưng anh chưa bao giờ chùn bước.
Nhờ sự nỗ lực, Lê Việt Cường cố gắng học hết phổ thông, thi đỗ cao đẳng rồi học liên thông Đại học Bách Khoa Hà Nội khoa Toán Tin. Sau khi tốt nghiệp, anh Cường gắn bó với Bệnh viện Châm cứu T.Ư được 14 năm sau đó làm việc ở một công ty tư nhân về phân phối thuốc và khẩu trang.
Phòng trưng bày sản phẩm của Hợp tác xã Vụn Art.
Từng tự xin việc làm, trải nghiệm qua nhiều vị trí và trải qua quá trình lăn lộn bươn trải ngoài cuộc sống, anh thấu hiểu những khó khăn, trở ngại đối với người khuyết tật. Sau một khoảng thời gian tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, Lê Việt Cường đã mở một xưởng sản xuất thú nhồi bông bằng cát có tên là Kym Việt và tạo được nhiều việc làm cho người khuyết tật xung quanh khu anh sống vào năm 2013. Tuy có những bước khởi đầu thành công nhưng anh Cường vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở.
Anh chia sẻ: “Tôi nhận ra rằng, mô hình này chỉ thay đổi tư duy của người khuyết tật và một chút cộng đồng khi tiếp cận vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật trên sản phẩm cạnh tranh chứ không phải mua bằng tình thương. Quan điểm của tôi ngay từ đầu là người khuyết tật, nhưng sản phẩm không được phép khuyết tật. Nhưng mô hình này không nhân rộng được và không tạo ra được nhiều giá trị về việc làm vì những sản phẩm này không phải sản phẩm tiêu hao như quần áo, đồ vải”.
Luôn luôn nghĩ tích cực và tư duy vượt khó đã thôi thúc Lê Việt Cường không ngừng sáng tạo nên những mô hình kinh doanh mới cho người khuyết tật có thêm nhiều cơ hội để sống một cuộc đời ý nghĩa hơn.
Biến “rác” thành sản phẩm nghệ thuật giá trị
Phía trong Trung tâm bảo tồn – phát triển lụa Vạn Phúc, có một căn phòng nhỏ đầy ắp tiếng cười bên những mảnh vải sinh động, đầy màu sắc. Với không khí sản xuất vui vẻ, ấm cúng, những người khuyết tật được học nghề, được thỏa sức sáng tạo cùng những đường kéo tỉ mỉ. Họ sử dụng những “chất keo hy vọng” để ghép từng mảnh lụa vụn thành những sản phẩm nghệ thuật đầy ý nghĩa mang thương hiệu của hợp tác xã Vụn Art.
Anh Lê Việt Cường - Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art.
Nhận ra việc làm đồ thủ công phù hợp với người khuyết tật, anh Cường đã tạo ra một số mô hình sản xuất. Sau khi tìm hiểu về kỹ thuật tranh ép và tìm được nguồn nguyên liệu từ những miếng vải vụn thừa trong quá trình sản xuất lụa ở làng Vạn Phúc, Lê Việt Cường đã bỏ nhiều công sức để đi khắp 17 phường của quận Hà Đông để vận động những người khuyết tật tham gia. Đến năm 2018, anh Cường đã thành lập hợp tác xã Vụn Art với sự cố vấn nghệ thuật của họa sĩ Đặng Thị Khuê.
Xác định đây là nghề dành cho người khuyết tật nên các công đoạn như tạo mẫu tranh, làm bìa, vẽ mẫu, ép vải, tạo hình, cắt dán được Bà Khuê cùng anh Cường dạy lại chi tiết cho học viên tùy theo năng lực phù hợp của từng người. Nhưng những ngày đầu tay nghề của học viên chưa hoàn thiện nên vẫn chưa có doanh thu. Khó nhưng không nản, anh Cường cùng các thành viên của Vụn Art lại tìm tòi, luyện tập không ngừng nghỉ. Và thế là mảnh lụa vụn, tưởng như không còn giá trị sử dụng, dưới bàn tay miệt mài, cố gắng của những người thợ đặc biệt lại tạo nên những bức tranh mang đậm tính nghệ thuật.
Tranh dân gian thủ công ghép nên từ lụa Hà Đông, mang đậm nét văn hóa truyền thống đã trở thành một sản phẩm lưu niệm nghệ thuật độc đáo của Vụn Art. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, họ sáng tạo thêm những sản phẩm có tính ứng dụng cao như túi vải, áo phông… để đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường. Đặc biệt, Vụn Art còn hoạt động với mô hình không gian sáng tạo, phát triển tour trải nghiệm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam.
Không gian xưởng sản xuất tranh ép của Hợp tác xã Vụn Art.
“Từ những mảnh vải vụn, chúng tôi tạo nên những bức tranh vải về văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam – mảnh đất quê hương của chúng tôi. Vụn Art được sáng lập bởi một người khuyết tật và những tác phẩm nghệ thuật của Vụn Art được hoàn thành thủ công bởi những nghệ sĩ khuyết tật. Chúng tôi dùng tranh vải ghép không chỉ để nói về tình yêu và vẻ đẹp, mà còn để chia sẻ với mọi người trên thế giới qua lăng kính của chúng tôi. Một mảnh vải vụn sẽ góp phần tạo nên một bức tranh nghệ thuật nếu được đặt đúng chỗ. Một người khuyết tật cũng có thể đóng góp những phẩm chất tuyệt vời độc nhất của mình để làm đẹp cho cuộc đời nếu tìm được đúng vị trí của mình. Đó là thông điệp của tranh vải ghép và cũng là sứ mệnh của Vụn Art” - anh Cường bộc bạch.
Năm 2019, Vụn Art được Unesco đánh giá là mô hình sáng tạo bền vững, vừa sáng tạo về văn hóa. Họ cũng đã đạt chứng chỉ OCOP 4 sao (chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng và ý tưởng, chỉ thiếu khâu đóng gói (packing) để đạt 5 sao. Sau 3 năm đi vào hoạt động, nơi đây đã trở thành mái nhà chung giúp những con người khiếm khuyết có thêm động lực vào cuộc sống. Hy vọng những mô hình sản xuất ý nghĩa như Vụn Art của anh Lê Việt Cường sẽ ngày càng phát triển hơn nữa thông qua sự chung tay, giúp đỡ của Chính phủ và cộng đồng.