Lễ vinh danh doanh nghiệp Việt Nam điển hình sáng tạo
Tối 18/1, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Thương hiệu Việt phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ vinh danh doanh nghiệp Việt Nam điển hình sáng tạo.
Tại sự kiện, nhiều ý kiến của các đại biểu nhấn mạnh, ứng dụng khoa học công nghệ và không ngừng đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng để xây dựng và nâng tầm thương hiệu cho doanh nghiệp trong thời hội nhập.
Ông Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: Trình độ khoa học công nghệ của một quốc gia luôn tương xứng với sự phát triển kinh tế của quốc gia đó. Không có đất nước nào có nền kinh tế phát triển mà khoa học công nghệ lại lạc hậu và ngược lại.
Tại Việt Nam, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhờ đó đã đạt được những thành tựu nhất định. Mặc dù vậy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn thách thức trước yêu cầu của thời đại hội nhập quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp đang loay hoay không biết đổi mới như thế nào, lựa chọn công nghệ gì, ứng dụng phương thức sản xuất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của mình. Cũng không ít doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư thay đổi máy móc, thiết bị nhưng năng lực vận hành của lao động hạn chế dẫn đến hiệu quả không đạt như kỳ vọng.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tiếp tục khẳng định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực để tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn tới. Công nghệ thay đổi sẽ tạo ra thị trường mới, minh chứng là các thị trường tín chỉ carbon, thị trường sản phẩm sản xuất xanh… do đó, doanh nghiệp phải xác định được phân khúc thị trường và khách hàng mục tiêu để lựa chọn phương án phù hợp.
Đáng lưu ý, đổi mới khoa học công nghệ không chỉ là thay đổi máy móc mà còn phải thay đổi tư duy, nhận thức của đội ngũ nhân sự. Song song với cập nhật các thành tựu khoa học, kỹ thuật mới, doanh nghiệp cần chủ động hợp tác, liên kết chia sẻ mô hình, kinh nghiệm lẫn nhau. Muốn tối ưu hóa hiệu quả đổi mới công nghệ, doanh nghiệp cũng phải nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị công nghệ đồng bộ từ đội ngũ quản lý đến công nhân sản xuất.
Bà Phan Thị Mỹ Yến, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Thương hiệu Việt nhấn mạnh: Xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam là hành trình dài nhiều khó khăn, thách thức khi hầu hết doanh nghiệp có quy mô nhỏ va siêu nhỏ. Hạn chế về thông tin, xu hướng thị trường cũng như năng lực tài chính là rào cản khiến các doanh nghiệp chỉ tập trung vào sản xuất mà chưa chú trọng khâu xây dựng và phát triển thương hiệu.
Trong khi đó, điều kiện đầu tiên tạo nên một thương hiệu trước hết doanh nghiệp phải có sản phẩm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn cho người sử dụng. Muốn có sản phẩm chất lượng doanh nghiệp phải liên tục cập nhật khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Từ năm 2027 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Thương hiệu Việt phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ tổ chức xét chọn và vinh danh các doanh nghiệp có những sáng kiến, sáng chế và tích cực đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm, dịch vụ chất lượng. Qua đó tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, sản phẩm, hướng đến sự phát triển bền vững.
Hội đồng xét duyệt đã lựa chọn ra 50 doanh nghiệp từ gần 100 đề cử của hơn 30 tỉnh thành trên cả nước để vinh danh Top 50 Doanh nghiệp Việt Nam điển hình sáng tạo năm 2024 và Top 10 Doanh nghiệp sáng tạo xuất sắc năm 2024, tiêu biểu như Công ty Yến Sào Khánh Hòa; Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn; Công ty Minh Long 1; Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông; Công ty Tân Cảng Cái Mép…
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/le-vinh-danh-doanh-nghiep-viet-nam-dien-hinh-sang-tao-301442.html