Lễ Vu Lan báo hiếu: Lan tỏa truyền thống hiếu hạnh, uống nước nhớ nguồn

Ngày rằm tháng Bảy còn được gọi là ngày lễ Vu Lan báo hiếu, mang ý nghĩa thiêng liêng, giúp cho con cái ghi nhớ công ơn sinh thành của cha mẹ.

Lễ Vu Lan còn thể hiện tinh thần nhân văn cao cả của người Việt Nam, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, nhớ về tổ tiên, cội nguồn.

Người dân cầu an tại chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm), ngày 16-8. Ảnh: Hoàng Quyên

Người dân cầu an tại chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm), ngày 16-8. Ảnh: Hoàng Quyên

Ý nghĩa thiêng liêng

Lễ Vu lan bắt nguồn từ sự tích tấm gương hiếu hạnh của Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ. Từ tấm gương hiếu hạnh của Bồ tát Mục Kiền Liên, lễ Vu Lan ra đời và trở thành ngày lễ lớn của Phật giáo ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực châu Á.

Diễn ra vào ngày Rằm tháng Bảy (15 tháng Bảy âm lịch), lễ Vu Lan mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhắc nhở mỗi người về bổn phận làm con, giữ đạo nghĩa hiếu thảo với bậc sinh thành, nhớ về tổ tiên, ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

Vào ngày này, mỗi người dân Việt Nam đều có những cách khác nhau để bày tỏ tấm lòng hiếu kính với cha mẹ, ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục và nhớ về ông bà, tổ tiên. Người Việt thường hay đến chùa cầu an cho cha mẹ còn đang sống và sửa soạn mâm cúng cỗ gia tiên để nhớ về tổ tiên, cội nguồn.

Mâm cúng cho ngày lễ Vu Lan - Rằm tháng Bảy tùy vào điều kiện, nhu cầu của từng gia đình. Có nhà làm cơm cúng mặn với đầy đủ các món truyền thống như mâm cỗ Tết; có gia đình làm mâm cơm chay đơn giản. Dù cầu kỳ hay thanh đạm, đơn giản thì việc sắp xếp, bày biện mâm cúng gia tiên đều chỉn chu, tươm tất thể hiện tấm lòng thành của những người con hướng về tổ tiên, dòng họ.

Nhiều người sống, làm việc ở nước ngoài rất nhiều năm cũng không quên lễ Vu Lan, vào ngày này hướng về Tổ quốc bày tỏ sự kính yêu, hiếu thảo với cha mẹ.

Chị Nguyễn Thanh Loan (sinh sống tại Cộng hòa Liên bang Đức) chia sẻ, bổn phận làm con luôn phải giữ đạo hiếu với cha mẹ. Khi cuộc sống ngày càng gấp gáp thì ngày rằm đặc biệt này là khoảng lặng để mỗi người nhớ về gia đình, thăm hỏi cha mẹ, tỏ lòng mong mỏi những điều tốt đẹp đến với đấng sinh thành.

“Dù xa quê hương nhưng gia đình tôi vẫn làm mâm cơm cúng gia tiên, coi đây là dịp để nhắc nhở con cái trong nhà nhớ về tổ tiên, nguồn cội. Chúng tôi cùng cầu mong cha mẹ ở quê hương luôn mạnh khỏe, an vui”, chị Loan bày tỏ.

Còn với anh Trần Tuấn Nghĩa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), vào ngày Rằm tháng Bảy, gia đình anh thường cùng nhau tới chùa cầu an rồi đưa các con về thăm cha mẹ ở quê, sum họp gia đình. Năm nay, gia đình anh cũng không đốt vàng mã khi cúng Rằm tháng Bảy.

Lan tỏa tinh thần nhân văn

Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với truyền thống hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, ngày lễ Vu Lan của Đạo Phật đã hòa quyện với triết lý, tục thờ cúng ngày Rằm tháng Bảy, hình thành lễ Vu Lan báo hiếu. Đây là thời gian để mỗi người thể hiện tình cảm thương yêu, lòng thành kính, hiếu hạnh với cha mẹ, ông bà, đồng thời tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, các Anh hùng liệt sĩ của dân tộc.

Năm nay, để lan tỏa tinh thần và ý nghĩa của lễ Vu Lan báo hiếu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản gửi Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố, khuyến khích tập trung tham gia vào các hoạt động thiết thực như “Đền ơn đáp nghĩa”; thăm và tặng quà người có công với đất nước, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ trên địa bàn; tổ chức đại lễ cầu siêu, thắp nến tưởng niệm, tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang. Các nghi thức cầu an tại chùa tập trung thuyết giảng ý nghĩa của lễ Vu Lan báo hiếu, kinh cầu siêu cho anh linh Anh hùng liệt sĩ.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trương tuyên truyền, hướng dẫn các Phật tử, người dân không đốt vàng mã tại chùa mà nên làm việc thiện, thiết thực giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới, những ngày này, các chùa ở Hà Nội đều chuẩn bị không gian trang nghiêm, sạch, đẹp cho các Phật tử, người dân đến cầu an, lễ bái trong ngày lễ Vu Lan. Lượng khách đến chùa cầu an rải rác từ đầu tháng Bảy, nên cận ngày Rằm khách đến chùa không quá đông. Cảnh đi lễ cầu an tại các chùa Quán Sứ, Bà Đá, Phúc Khánh… khá trật tự.

Tại phố Hàng Mã - nơi trước kia buôn bán nhộn nhịp các mặt hàng thờ cúng, nay trở nên vắng vẻ. Chủ cửa hàng Hà Bé cho biết, nhiều năm nay người dân hạn chế đốt vàng mã nên lượng người mua những mặt hàng này không nhiều.

Có thể thấy, ngày lễ Vu Lan đang dần được hiểu với ý nghĩa rộng lớn hơn, là dịp nhân lên ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa, khuyến khích con người tri ân và đền ơn cha mẹ sinh thành, thầy, cô giáo, các bậc tiền bối, các Anh hùng liệt sĩ đã có công dựng nước...

Khi nhịp sống có xu hướng ngày một gấp gáp, không ít người coi nhẹ văn hóa truyền thống, hiểu không đầy đủ về giá trị của gia đình và tình thân, truyền thống uống nước nhớ nguồn thì nhận thức về đạo hiếu càng cần được đề cao, nhắc nhở thường xuyên để mỗi người tìm về với giá trị văn hóa tốt đẹp. Đó là ý nghĩa quan trọng khi hướng về ngày lễ Vu Lan.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/le-vu-lan-bao-hieu-lan-toa-truyen-thong-hieu-hanh-uong-nuoc-nho-nguon-675025.html