Lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công nhận Lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè (Trà Vinh) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong khuôn khổ Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè, tối 27/8, tại huyện Cầu Kè, UBND tỉnh Trà Vinh đã long trọng tổ chức lễ khai mạc Lễ Vu lan Thắng hội năm 2024. Sự kiện đặc biệt này còn đánh dấu cột mốc quan trọng khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố quyết định công nhận Lễ Vu lan Thắng hội là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 Lãnh đạo UBND huyện Cầu Kè và Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Trà Vinh đón nhận quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Vu lan thắng hội huyện Cầu Kè là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh: TTXVN

Lãnh đạo UBND huyện Cầu Kè và Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Trà Vinh đón nhận quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Vu lan thắng hội huyện Cầu Kè là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh: TTXVN

Lễ Vu lan Thắng hội là một sự kiện văn hóa tín ngưỡng độc đáo, kết hợp giữa lễ Vu Lan của Phật giáo và lễ vía ông Bổn của người Hoa. Đây là lễ hội truyền thống đặc sắc của người Hoa tại huyện Cầu Kè, Trà Vinh, nơi mà cộng đồng người Hoa và các dân tộc Kinh, Khmer cùng hòa mình trong các nghi thức, biểu diễn và hoạt động văn hóa. Lễ hội không chỉ thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn tổ tiên mà còn phản ánh sự gắn kết bền chặt giữa các cộng đồng dân tộc trong vùng.

Với dân số hơn 103.500 người, trong đó người Hoa chiếm 0,3%, người Khmer chiếm 32,2%, huyện Cầu Kè đã biến lễ hội này trở thành biểu tượng của sự đoàn kết, hòa hợp giữa các dân tộc. Người Kinh tham gia cúng tế với dàn nhạc lễ truyền thống, người Hoa biểu diễn nhạc bát âm và múa lân, cùng sự góp mặt của người Khmer trong các hoạt động văn hóa, tạo nên một không gian lễ hội sôi động và đậm chất nhân văn.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, ông Nguyễn Quỳnh Thiện, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông cũng đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương để giữ gìn, quảng bá, và giáo dục thế hệ trẻ về trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa.

Nhân dịp này, Ban tổ chức đã trao tặng 82 căn nhà cho các hộ khó khăn, cùng với thẻ bảo hiểm y tế và học bổng cho học sinh nghèo, với tổng giá trị hơn 4,3 tỷ đồng.

 Mâm cúng ông Bổn tại Lễ hội Vu lan thắng hội. Ảnh: Sở VHTT&DL Trà Vinh

Mâm cúng ông Bổn tại Lễ hội Vu lan thắng hội. Ảnh: Sở VHTT&DL Trà Vinh

Cùng ngày, tại huyện Cầu Kè, Hội thi ẩm thực với hơn 100 món ngon chế biến từ dừa sáp đã thu hút sự quan tâm lớn. Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) đã giành giải Nhất, và đặc biệt, UBND huyện Cầu Kè đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục với số lượng món ăn và sản phẩm từ trái dừa sáp Cầu Kè lớn nhất Việt Nam.

Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè kéo dài từ ngày 25 - 31/8 với nhiều hoạt động văn hóa, thương mại, và du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh Trà Vinh đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Trọng Nhân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/le-vu-lan-thang-hoi-huyen-cau-ke-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post309555.html