Lebanon đối mặt khủng hoảng 'kép'
Vụ nổ kinh hoàng tại thủ đô Beirut, Lebanon hồi tuần trước đã khoét sâu thêm những bất ổn về chính trị và kinh tế, đẩy quốc gia Trung Đông vào cuộc khủng hoảng 'kép'.
Ngày 10-8, Bộ trưởng Tài chính Lebanon Ghazi Wazni đã quyết định từ chức. Đây là thành viên thứ tư trong nội các Lebanon từ chức. Trước đó, Bộ trưởng Tư pháp Marie Claude Najm, Bộ trưởng Thông tin Manal Abdel Samad cùng Bộ trưởng Môi trường và Phát triển hành chính Damianos Kattar đều đã đưa ra quyết định tương tự. Ngoài ra, một số nghị sĩ nước này cũng đã đệ đơn từ chức.
Theo giới quan sát, nội các Lebanon đang đối mặt sức ép vô cùng lớn trước làn sóng biểu tình của người dân sau khi xảy ra thảm kịch trên. Thậm chí có ý kiến cho rằng chính phủ của Thủ tướng Hassan Diab khó có thể chống đỡ cơn giận dữ của người biểu tình vốn đang ngày càng dâng cao.
Trước khi xảy ra vụ nổ, Lebanon đang bị khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, chính trị bất ổn khi nội các có nhiều người từ chức, cùng với đó là nhiều cuộc biểu tình nổ ra. Chính vì thế, vụ nổ kinh hoàng hôm 4-8 vừa qua khiến Lebanon rơi vào khủng hoảng kép về chính trị và nhân đạo.
Mặc dù chính phủ đã ngay lập tức thành lập cơ quan điều tra vụ việc, đồng thời cơ quan tư pháp Lebanon đã bắt giữ hàng chục quan chức liên quan đến vụ nổ, nhưng dường như người dân Lebanon vẫn cho rằng chính phủ phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra thảm họa khiến hơn 150 người thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương và khoảng 300.000 người mất nhà cửa. Chính điều này đã dẫn tới một cuộc biểu tình quy mô lớn ở thủ đô Beirut hôm 8-8. Hàng nghìn người dân thủ đô tập trung tại quảng trường Martyrs, bày tỏ phản đối giới chức nước này đã tắc trách, gián tiếp gây ra vụ nổ kinh hoàng. Cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo loạn và đụng độ khiến hàng trăm người bị thương, trong đó có khoảng 100 nhân viên an ninh.
Những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước ngày 8-8 đã buộc Thủ tướng Lebanon Hassan Diab phải kêu gọi bầu cử quốc hội sớm để xoa dịu tình hình. Tuy nhiên, sự việc chưa dừng lại ở đó. Ngày 9-8, người biểu tình tiếp tục xông vào các tòa nhà của Bộ Các vấn đề người tị nạn và Bộ Lao động Lebanon ở trung tâm thủ đô Beirut. Khu vực lối vào trụ sở Quốc hội Lebanon ở Beirut xuất hiện lửa cháy khi hàng trăm người biểu tình phản đối chính phủ cố tìm cách vượt qua hàng rào an ninh để xông vào khu vực này.
Hãng Thông tấn quốc gia Lebanon (NNAL) cho biết nhiều cuộc đụng độ đã xảy ra giữa những người biểu tình phản đối chính phủ với lực lượng cảnh sát vào tối cùng ngày. Cảnh sát đã buộc phải sử dụng đạn hơi cay để giải tán các đám đông biểu tình trên đường phố, đặc biệt là tại trụ sở các cơ quan công quyền. Các cuộc đụng độ bạo lực nhất giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát chống bạo động được ghi nhận ở khu vực xung quanh trụ sở Quốc hội Lebanon ở trung tâm Beirut.
Trong bối cảnh tình hình Lebanon rối như canh hẹ, nhiều quốc gia đã lên tiếng kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguyên nhân gây ra vụ nổ kinh hoàng tại thủ đô Beirut. Ngày 9-8, phát biểu tại hội nghị trực tuyến nhằm huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ Lebanon khắc phục hậu quả và tái thiết sau vụ nổ, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng điều cần thiết nhất vào lúc này là niềm tin và sự thật. Chủ tịch EU nhấn mạnh người dân Lebanon muốn được biết rõ nguyên nhân vụ việc, sự minh bạch và công lý, vì vậy việc tiến hành một cuộc điều tra độc lập và đáng tin cậy về nguyên nhân của thảm họa là đặc biệt quan trọng. Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế đối với vụ nổ tại thủ đô Beirut trong chuyến thăm tới Lebanon.
Lebanon trong nhiều năm qua nổi lên là trung tâm của những bất ổn chính trị với những mâu thuẫn nội bộ, xung đột đảng phái và sự can thiệp mạnh mẽ từ bên ngoài. Những bất ổn này cùng với những tác động của khu vực như người tị nạn Syria, đại dịch Covid-19 khiến cho Lebanon rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Thảm kịch kinh hoàng tại thủ đô Beirut ngày 4-8 đã đẩy quốc gia Trung Đông vào một vòng xoáy bất ổn mới về cả chính trị và an ninh, trong bối cảnh vô vàn khó khăn vẫn đang chực chờ quốc gia này, từ đại dịch Covid-19 cho tới suy thoái kinh tế và hệ lụy từ cuộc nội chiến. Giới chuyên gia cho rằng Lebanon sẽ khó có thể phục hồi nếu chính phủ không thể giải quyết tận gốc những vấn đề tồn đọng lâu nay tại quốc gia này.