Kể từ khi ra đời vào năm 1920 cho tới nay, Lebanon liên tiếp trải qua các cuộc chiến tranh. Nhưng tình trạng khủng hoảng hiện nay được mô tả là 'chạm đáy, không thể tồi tệ hơn'.
Cách đây một thế kỷ, vào ngày 1/9/1920, tướng Pháp Henri Gouraud (trái) tuyên bố thành lập Nhà nước Lebanon - tiền thân của Lebanon hiện đại. Sau sự sụp đổ của Đế chế Ottoman và Thế chiến I, Lebanon nằm dưới quyền cai trị của Pháp từ năm 1920. Pháp cai trị trong 23 năm cho đến khi quốc gia này giành được độc lập với tên gọi Cộng hòa Lebanon. Trong ảnh (phải), tướng Gouraud (ngồi giữa) trong lễ tuyên bố thành lập nhà nước Lebanon năm 1920. Ảnh: AP, Wikiwand.
Trong những năm 1950, dưới thời Tổng thống thân phương Tây Camille Chamoun, nền kinh tế Lebanon phát triển mạnh mẽ cho tới khi cuộc nội chiến đầu tiên bùng nổ vào năm 1958, kéo dài vài tháng và khiến quân đội Mỹ đổ bộ ủng hộ ông Chamoun. Thời hoàng kim của Lebanon kéo dài từ những năm 1960 đến đầu những năm 1970, nhưng sau đó rơi vào thảm họa khi cuộc nội chiến lần hai nổ ra năm 1975 và kéo dài 15 năm. Trong ảnh, nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat thị sát thiệt hại vụ đánh bom tại Đại học Arab ở Beirut, Lebanon, do Israel gây ra vào ngày 2/8/1982. Ảnh: AP.
Xe tăng Israel đi trên đường phố ở khu vực Tây Beirut vào ngày 28/9/1982. Cuộc nội chiến 1975-1990 khiến gần 150.000 người thiệt mạng và các giáo phái của Lebanon đối đầu nhau. Thủ đô Beirut thời kỳ đó rơi vào tình trạng hỗn loạn và thường xuyên xảy ra các vụ đánh bom ôtô. Ảnh: AP.
Lực lượng cứu hộ thăm dò đống đổ nát của doanh trại Thủy quân Lục chiến Mỹ một ngày sau vụ đánh bom liều chết bằng xe tải gần sân bay Beirut, Lebanon, ngày 24/10/1983. Cuộc tấn công khiến 241 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và là vụ tấn công đẫm máu nhất đối với Thủy quân Lục chiến Mỹ kể từ năm 1945. Sự kiện này cùng cuộc xâm lược năm 1982 của Israel đã đánh dấu sự trỗi dậy của nhóm chiến binh về sau có tên là Hezbollah. Ảnh: AP.
Các phương tiện bốc cháy sau cuộc tấn công bằng bom lớn xé nát đoàn xe của Thủ tướng Rafik Hariri ở Beirut, Lebanon ngày 14/2/2005. Vụ tấn công khiến Thủ tướng Rafik Hariri thiệt mạng. Sau khi Israel rút khỏi miền Nam Lebanon vào năm 2000, Hezbollah vẫn duy trì lực lượng chiến đấu hùng mạnh, tự cho mình là người bảo vệ của Lebanon. Đến năm 2006, Israel và Hezbollah tham gia vào cuộc chiến kéo dài một tháng. Hai phía giằng co và hòa nhau vào năm 2006, nhưng căng thẳng vẫn ở mức cao dọc biên giới. Ảnh: AP.
Ngày nay, Hezbollah và các đồng minh, do Tổng thống Michel Aoun dẫn đầu, thống trị nền chính trị Lebanon và kiểm soát phe đa số trong quốc hội. Trong ảnh, những người lính Lebanon ngồi trên xe, đi qua biểu ngữ chống Mỹ có chữ ký của nhóm chiến binh Hồi giáo Hezbollah với nội dung: "Không để (Mỹ) can thiệp", ở thành phố Tyre, Lebanon ngày 7/4/2005. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, Hezbollah cũng gây chia rẽ cộng đồng người dân Lebanon. Trong khi nhiều người Hồi dòng Shiite trung thành với Hezbollah và ủng hộ lập trường chống Israel của nhóm này, số còn lại coi Hezbollah đang áp đặt tư tưởng của Iran lên Lebanon. Trong ảnh, Shafiaa Shalhoub ngồi đọc kinh Qur'an trong nghĩa trang ở làng phía nam Qana, Lebanon. Bà đã mất 13 thành viên trong gia đình vì cuộc chiến tháng 7/2006 giữa Israel và Hezbollah. Ảnh: AP.
Là nơi sinh sống của 18 giáo phái tôn giáo khác nhau, Lebanon được ca ngợi là đất nước với hình mẫu đa nguyên, nơi các tôn giáo sắc tộc cùng tồn tại. Để dàn xếp được mâu thuẫn giáo phái, Lebanon tuân theo thỏa thuận bất thành văn: tổng thống sẽ luôn theo đạo Cơ Đốc, thủ tướng là người Hồi giáo dòng Sunni và chủ tịch quốc hội là người Hồi giáo dòng Shiite, trong khi các chức vụ khác cũng được phân bổ tương tự. Ảnh: AP.
Sự bảo trợ dựa trên giáo phái này cùng với nạn tham nhũng gia tăng trong hai thập kỷ qua đã khiến Lebanon trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ cao nhất thế giới, ở mức 170% GDP. Covid-19 cũng khiến nền kinh tế nước này rơi vào khủng hoảng. “Lebanon đang ở trong thời kỳ tồi tệ nhất trong hơn 100 năm qua. Chúng ta đang ở trong giai đoạn tồi tệ nhất, về kinh tế, chính trị và ngay cả khi nói đến sự đoàn kết quốc gia”, nhà lập pháp Marwan Hamadeh nhận định. Trong ảnh, diva Fairouz của Lebanon biểu diễn ca khúc trong album Eh Fi Amal (Có hy vọng) ở Beirut ngày 7/10/2010. Ảnh: AP.
Hai ngày sau vụ nổ thảm khốc ở cảng Beirut chiều 4/8 khiến ít nhất 190 người thiệt mạng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm khu vực bị thiệt hại. Trong chuyến thăm tiếp theo ngày 31/8, ông Macron dự kiến trồng một cái cây ở Beirut để kỷ niệm 100 năm ngày tướng Gouraud tuyên bố thành lập Nhà nước Lebanon. "Rõ ràng là chúng tôi đã mong đợi lễ kỷ niệm 100 năm sẽ khác thế này. Chúng tôi không hề mong năm nay lại đến mức thê thảm như vậy. Nhưng vẫn có hy vọng. Chúng tôi đã chạm đáy rồi và mọi thứ không thể tồi tệ hơn được nữa", Alexandre Najjar, nhà văn người Lebanon, nói với AP. Ảnh: AP.
Khoảnh khắc vụ nổ hất tung sảnh bệnh viện ở Beirut Bệnh viện bị ảnh hưởng bởi sóng xung kích từ vụ nổ thảm khốc tại Beirut gây ra. Cửa kính và một số đồ vật xung quanh bị hất tung, khiến các nhân viên y tế phải tìm chỗ ẩn náu.