Theo những người sống tại bản Sin Suối Hồ, trước đây trên địa bàn xã Sin Suối Hồ không có chợ. Muốn đi chợ phiên, bà con phải ngược về chợ trung tâm xã Mường So (huyện Phong Thổ) hoặc chợ San Thàng (thành phố Lai Châu) cách khoảng 20-30km.
Người dân trong bản đã tự họp với nhau, bàn bạc việc xây dựng chợ để là nơi trao đổi, mua bán, sinh hoạt của bà con sở tại. Trưởng bản Vàng A Chỉnh là người tiên phong hiến 1.000 m2 đất để làm chợ. Các hộ được huy động để trồng cây xanh, kê đá, đóng cọc dựng các gian hàng trong chợ.
Chợ Sin Suối Hồ được họp phiên vào thứ 7 hằng tuần. Sản phẩm được bày bán chủ yếu là các nông sản do bà con nuôi, trồng hoặc thu hái từ rừng; những trang phục truyền thống do các bà, các mẹ thêu thùa, may dệt mà ra.
Chợ vẫn giữ được nét hoang sơ mộc mạc, nguyên bản đặc trưng của đồng bào vùng cao. Lối đi vào chợ xếp đá. Mỗi ki ốt lợp mái gianh với nền xếp đá cuội có lát xi măng.
Chợ phiên hiện cũng là một điểm tham quan hấp dẫn du khách khi đến Sin Suối Hồ. Đặc biệt, những gian hàng váy áo của đồng bào Mông luôn cuốn hút du khách.
Đến chợ phiên Sin Suối Hồ, du khách dễ dàng bắt gặp những thiếu nữ xúng xính váy Mông...
... hay những đứa trẻ được địu trên lưng mẹ.
Phụ nữ Mông ở Sin Suối Hồ tự may vá, trồng trọt tạo ra những sản phẩm mang bản sắc riêng để trao đổi mua bán.
Trẻ em vui sướng khi được mẹ mua cho tấm áo mới.
Các thiếu nữ duyên dáng trong trang phục váy áo mông.
Chợ Sin Suối Hồ vẫn gữi được, những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Lê Phú/ Báo Tin tức