Lên càng cao, té càng đau
Man.United vừa bị đá văng từ Champions League sang Europa League và ngay lập tức người ta ước tính rằng, thay vì sẽ kiếm được 19 triệu bảng Anh nếu vào được tứ kết Champions Leaggue thì nay chỉ có thể kiếm 2,81 triệu bảng Anh từ Europa League. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Man.United vừa bị đá văng từ Champions League sang Europa League và ngay lập tức người ta ước tính rằng, thay vì sẽ kiếm được 19 triệu bảng Anh nếu vào được tứ kết Champions Leaggue thì nay chỉ có thể kiếm 2,81 triệu bảng Anh từ Europa League.
Cứ nói về Man.United thì người ta lại đem tiền ra, bởi đơn giản đội bóng này vẫn là một trong những đội bóng giỏi kiếm tiền nhất thế giới, cho dù thành tích thi đấu trên sân của họ ngày càng đi xuống. Đó là vấn đề: tiền chính là thứ duy nhất còn có ý nghĩa để định lượng sức mạnh của Man.United so với thời hoàng kim của họ. Trong khi đó, ở các trận đấu của đội bóng thành Manchester hiện nay, họ chẳng còn dọa nạt được ai. Thống kê cho biết, có 10 trong số 16 trận mùa này trên mọi đấu trường thì Man.United bị đối thủ dẫn bàn. Thời HLV Alex Ferguson, các đối thủ của họ thậm chí đến khi trọng tài thổi còi hết giờ mới dám thả lỏng, còn nay thì ngay từ đầu đã xem Man.United không ra gì.
Chính vì thế, người ta mới thấy rằng, dù tiền vẫn kiếm nhiều thì Man.United chẳng mua được gì cả. Họ đã mất 100 triệu bảng Anh doanh thu kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra, và việc bị xuống Europa League thi đấu là một vết cắt đau đớn kế tiếp. Hãy thử hình dung, một đội bóng kiếm ít tiền sẽ ít bị tổn thương bởi đại dịch, đồng thời nếu thành tích trên sân tốt, họ thậm chí còn có lãi. Thế nên, có nhiều tiền như Man.United cũng chẳng lấy gì làm sung sướng. Lên càng cao thì té càng đau, mà té rồi thì lại lâu gượng dậy hơn người khác.
Nhân chuyện Man.United, ở Việt Nam cũng có phiên bản khác. Mùa giải sắp bắt đầu nhưng Than Quảng Ninh hiện không có cầu thủ lẫn HLV để tập luyện. Lý do là không có nhà tài trợ nên không có tiền. Các CĐV của Than Quảng Ninh ký thỉnh nguyện thư gửi chính quyền tỉnh để cứu đội bóng. Địa phương lắc đầu, cho rằng CLB bóng đá là doanh nghiệp, không thể dùng tiền ngân sách để cứu.
Câu hỏi được đặt ra: Thành tích thi đấu rất tốt trong 5 mùa giải gần đây của Than Quảng Ninh là nhờ đâu? Phải chăng vì có tiền tài trợ rủng rỉnh để mua sắm cầu thủ thì đá tốt, còn nếu do nội lực của CLB, thì tại sao chỉ vừa mới bị cắt tài trợ đã “tan đàn xẻ nghé”? Đội bóng thi đấu tốt như vậy, tại sao cả địa phương hay các CĐV không thể nuôi nổi? Thậm chí, tại sao không thể kiếm được một doanh nghiệp nào khác thay thế, để đến mức phải tính đến chuyện giải tán? Rốt cuộc đội bóng Than Quảng Ninh là của ai?
Cái đáng nói là ở Than Quảng Ninh, một đội bóng được đánh giá là rất ổn về tính chuyên nghiệp nhưng sự việc xảy ra rồi mới thấy kết cấu của các CLB Việt Nam quá mong manh. Doanh nghiệp bảo đội bóng của tỉnh, địa phương thì bảo không phải. Đội bóng thi đấu không tốt thì các CĐV sẽ gây sức ép, lên tiếng phê phán đủ kiểu, nhưng khi CLB không nuôi nổi, các CĐV cũng chỉ làm được mỗi một việc là… viết tâm thư./.