Lên miền núi kết nối cung cầu việc làm ở Khánh Hòa

Tỉnh Khánh Hòa đang trong giai đoạn khôi phục kinh tế, vì thế, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tăng cao. Các cơ quan chức năng đang cùng doanh nghiệp lên miền núi, vùng sâu để tuyển dụng người lao động.

“Chưa thành thạo nghề may thì bên tôi vẫn hỗ trợ tiền trong quá trình đào tạo để biết làm việc”.

Xuống đó làm việc thì bên tôi hỗ trợ tiền nhà trọ ở lại làm việc. Muốn đi về thì vẫn hỗ trợ xe đưa đón tụi em đi làm. Một số bạn đang học, muốn làm kỹ thuật may thì chúng tôi vẫn nhận, đào tạo lên cho các em”.

Đây là cuộc trao đổi giữa nhân viên bộ phận nhân lực của một doanh nghiệp dệt may tại thành phố Nha Trang với học viên của Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.

Người lao động huyện miền núi Khánh Vĩnh xem thông tin tuyển dụng

Người lao động huyện miền núi Khánh Vĩnh xem thông tin tuyển dụng

Thay vì phải xuống Trung tâm Dịch vụ việc làm ở thành phố Nha Trang hoặc đến các doanh nghiệp để tìm việc, các học viên, người lao động ở huyện miền núi Khánh Vĩnh giờ đây có cơ hội tìm được công việc thông qua các phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại địa phương. Tại các phiên giao dịch này, các doanh nghiệp và người lao động gặp gỡ, tuyển dụng.

Chị Nông Thị Ánh Hòa, dân tộc Tày, ở thôn Suối Cá, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Trước đây em học bên trường Cao đẳng Y tế chưa xin được việc làm nên về học lại Thú y. Mong muốn có công việc phù hợp, đủ kinh tế, lại gần nhà để phát triển kinh tế gia đình. Còn đi xa thì có con nhỏ, khó gửi con, phụ việc ông bà làm vườn”.

Khánh Vĩnh là một trong hai huyện miền núi ở tỉnh Khánh Hòa điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Toàn huyện có hơn 40.000 dân thì có đến 45% số hộ nghèo, đa số là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm đang là giải pháp giúp người dân thoát nghèo.

Hướng dẫn lao động người dân tộc kê khai hồ sơ.

Hướng dẫn lao động người dân tộc kê khai hồ sơ.

Bà Ka Tông Thị Mến, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, tại phiên giao dịch việc làm, các doanh nghiệp thông qua già làng, trưởng thôn để tuyển dụng: “Đồng bào dân tộc thiểu số miền núi huyện Khánh Vĩnh, tạo công ăn việc làm trên địa bàn của huyện rất là cần, vì đó là một trong những mục tiêu để thoát nghèo, thay đổi được phong tục, tập quán của người đồng bào dân tộc thiểu số đi làm ăn xa, theo dây chuyền công nghiệp thì rất cần tuyên truyền và tập huấn trước. Khi tìm được việc làm phù hợp với khả năng, năng lực của họ thì các em sẽ tham gia tốt hơn”.

Hiện nay, khoảng 6.000 lao động ở tỉnh Khánh Hòa có nhu cầu tìm việc làm. Các lĩnh vực như dệt - may, chế biến thủy sản, du lịch… đang rất cần lực lượng lao động để sản xuất, kinh doanh.

Tư vấn lao động miền núi đi xuất khẩu lao động.

Tư vấn lao động miền núi đi xuất khẩu lao động.

Ông Văn Đình Tri, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết, để đạt mục tiêu tạo thêm 9.000 việc làm mới, ngành sẽ thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các địa bàn, theo các nhóm ngành; đồng thời, tận dụng mạng xã hội để truyền thông, kết nối giữa cung và cầu lao động.

“Kết nối phải thường xuyên, liên tục. Trước hết, người lao động phải được thông tin rộng rãi, cụ thể, chi tiết về mức lương, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc. Các doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến hỗ trợ, thu hút người lao động vào làm việc tại doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được gặp trực tiếp người lao động, có thể hôm nay tuyển được, hôm sau tiếp tục tuyển bổ sung. Việc tuyển dụng cứ liên tục như thế, kết nối với nhau”./.

Thái Bình/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/len-mien-nui-ket-noi-cung-cau-viec-lam-o-khanh-hoa-post931334.vov