Dabaco bị cưỡng chế nợ thuế 22 triệu đồng: Không phải số tiền lớn hay nhỏ mà vì thượng tôn pháp luật

Tập đoàn Dabaco Việt Nam bị cưỡng chế tài sản vì khoản nợ thuế 22 triệu đồng đang làm dấy lên nhiều ý kiến tranh luận trong cộng đồng.

Chi cục Thuế TP. Bắc Ninh mới đây đã ban hành quyết định cưỡng chế để thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản với Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Tập đoàn Dabaco Việt Nam, mã chứng khoán DBC) với lý do doanh nghiệp nợ tiền thuế quá 90 ngày kể từ ngày đến hạn nộp. Đáng chú ý, tổng số tiền bị cưỡng chế chỉ khoảng 22 triệu đồng, rất nhỏ nếu so với quy mô tài sản cũng như doanh thu, lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp này.

Mọi việc có thể sẽ không trở nên ầm ĩ nếu ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dabaco, không lên tiếng trên truyền thông giải thích rằng số tiền 22 triệu đồng chậm trễ này không phải do doanh nghiệp cố tình chây ì, mà vì đơn vị rà soát bị sót. Ông cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi cơ quan thuế gửi văn bản cưỡng chế chỉ vì số tiền quá nhỏ, “không đúng bản chất của doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch Hội đồng quản trị Dabaco Việt Nam. Ảnh: Dabaco

Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch Hội đồng quản trị Dabaco Việt Nam. Ảnh: Dabaco

Trần tình của ông Nguyễn Như So ngay lập tức nhận được sự quan tâm lớn của công luận và cộng đồng lãnh đạo doanh nghiệp. Đa số cho rằng thay vì tập trung vào số tiền nhỏ hay lớn, Tập đoàn Dabaco Việt Nam cần nhìn nhận rõ ràng rằng thượng tôn pháp luật và nghĩa vụ nộp thuế đối với ngân sách nhà nước là điều bất di bất dịch.

Rõ ràng việc cưỡng chế tài sản của Dabaco không phải vì số tiền 22 triệu đồng quá lớn, mà vì Dabaco đã vi phạm quy định về thời hạn nộp thuế. Theo quy định, nếu nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày đến hạn nộp, doanh nghiệp sẽ bị xử lý cưỡng chế. Đây là quy định công khai, minh bạch và bắt buộc tuân thủ nghiêm ngặt.

Một doanh nghiệp lớn như Dabaco, với tổng tài sản lên tới 12.511 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hơn 4.700 tỷ đồng, không thể viện cớ rằng số tiền 22 triệu đồng là quá nhỏ để bỏ qua. Chính sự chậm trễ và thái độ xem nhẹ quy định pháp luật này mới là điều đáng lo ngại. Việc một doanh nghiệp lớn không tuân thủ quy định về nộp thuế có thể tạo ra tiền lệ xấu, gây ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật.

Nộp thuế là nghĩa vụ của mỗi công dân và mỗi doanh nghiệp đối với đất nước. Thuế là nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước, dùng để duy trì và phát triển các dịch vụ công cộng, hạ tầng cơ sở và an sinh xã hội. Việc chậm trễ nộp thuế, dù chỉ là 1 triệu đồng, cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang thiếu trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Không thể biện minh rằng số tiền nợ thuế nhỏ nên có thể bỏ qua. Nếu chúng ta cho phép điều này, sẽ có nhiều doanh nghiệp khác cũng lấy cớ tương tự để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước mà còn làm suy giảm niềm tin của người dân vào tính nghiêm minh của pháp luật.

Chi cục Thuế thành phố Bắc Ninh quyết định cưỡng chế tài sản của Dabaco là một biện pháp cần thiết và hợp lý. Khi quy định đã rõ ràng, việc thực thi phải nghiêm túc, không có ngoại lệ. Cưỡng chế không chỉ là biện pháp nhắm vào số tiền, mà nhắm vào hành vi vi phạm pháp luật và đảm bảo rằng tất cả mọi người, mọi doanh nghiệp đều phải tuân thủ pháp luật một cách bình đẳng. Trong một xã hội pháp quyền, không ai được đứng trên pháp luật. Mọi hành vi vi phạm, dù lớn hay nhỏ, đều phải bị xử lý nghiêm minh. Đó là cách duy nhất để duy trì trật tự và công bằng xã hội.

Bên cạnh đó, việc cơ quan thuế thực hiện cưỡng chế dù số tiền nhỏ cũng gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về tính nghiêm minh của pháp luật: mọi khoản nợ thuế, dù lớn hay nhỏ, đều phải được xử lý kịp thời và đúng quy định.

Xã hội văn minh, đất nước hội nhập thì doanh nghiệp doanh nhân càng phải tuân thủ kỷ cương phép nước!

Hòa Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dabaco-bi-cuong-che-no-thue-22-trieu-dong-khong-phai-so-tien-lon-hay-nho-ma-vi-thuong-ton-phap-luat-332481.html