Lên non cao săn ếch tiến vua

Vào dịp Tết đến xuân về, người Dao ở Mẫu Sơn huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn lại săn tìm những con ếch hương - sản vật quý hiếm nơi thâm sơn cùng cốc mang về đãi khách mừng năm mới.

Sản vật quý ở Mẫu Sơn

Chúng tôi nối gót sau A Múi, một sơn nữ người dân tộc Dao sống ở bản Khuổi Tẳng, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đi miết theo vệt đường nhỏ xuyên qua rừng núi rậm rạp. A Múi bảo, khu vực này cao trên 1.500 mét so với mực nước biển nên mùa đông rất lạnh, áp Tết Nguyên đán thường xuất hiện băng tuyết.

Người Dao hướng dẫn cách bắt ếch trên núi Ảnh: Minh Đức

Người Dao hướng dẫn cách bắt ếch trên núi Ảnh: Minh Đức

Hướng về phía núi Cha sừng sững trước mắt, vậy mà đi hết gần nửa ngày đường chúng tôi mới đến “thánh địa” của sản vật quý ở Mẫu Sơn. A Múi cẩn trọng đặt chiếc gùi bên tảng đá to ven lạch nước chảy uốn lượn theo thớ đá bóng nhẫy rồi bảo chúng tôi nghỉ ngơi để cô đi dò “hàng”. Sau khi thám thính, A Múi cười tươi, nói: “Cứ chờ nhé. Đến khuya thì sẽ thấy ếch hương ra chơi”.

Dưới ánh trăng mờ tỏ, chúng tôi được nghe A Múi kể về chuyện xưa. Cách đây hàng nghìn năm, khi trời và đất còn gần nhau, các nàng tiên trên Thiên Đình thấy cảnh đẹp của Mẫu Sơn thì rủ nhau xuống vui chơi, tắm ở những lạch nước trong vắt, uốn lượn như dải lụa. Các nàng trêu đùa theo dòng nước cùng thú cưng nhỏ mà Ngọc Hoàng ban tặng. Mải nô đùa nên trễ giờ, khi Thiên Lôi ới gọi, các nàng tiên vội vã thu hồi xiêm áo, bay về trời, nhưng lại quên mất loài thú quý hiếm. Đó chính là loài ếch hương, thơm ngon nức tiếng còn lưu truyền cho đến ngày nay. Người dân địa phương gọi chúng bằng cái tên trìu mến: “ếch công nương”, "ếch đại gia", hay “Tồng keng” (ếch lớn). Thời phong kiến, mỗi năm ba lần người dân phải lên núi săn bắt con vật quý mang về cho quan phủ để cống nạp lên bề trên, nên bây giờ xuất hiện thêm cái tên mới: Ếch tiến vua.

“Ếch hương báo hiệu thời tiết cho người dân. Khi vào rừng thấy ếch hương đột ngột chuyển màu đen phải nhanh về nhà, bởi sẽ mưa to nước lớn, có thể lũ quét xảy ra. Nhờ vậy, người Dao Mẫu Sơn đã tránh được rủi ro, nguy hiểm”.

Anh Triệu Văn Lý

Vừa kể chuyện, A Múi dẫn chúng tôi đến những tảng đá rồi cô chỉ cho thấy những con ếch to nằm phơi bụng đón trăng. Đêm khuya, nhất vào độ trăng tròn, ếch hương thường ra khỏi hang đi kiếm ăn. Thi thoảng hứng thú chúng kêu ộp oạp vang trời. Dưới ánh đèn pin của A Múi, chúng tôi thấy 3 con khá to ôm nhau nằm ngủ. Khi bị đánh thức, mắt ếch màu đỏ au. Chúng tôi cùng A Múi nhặt từng con cho vào bao tải rồi tiếp tục men theo dòng suối truy vết ếch.

“Loài ếch hương này rất hiền, chúng thấy người không chạy nên chỉ cần nhẹ nhàng túm lấy. Ban ngày, ếch ngủ trong những hang đá hoặc núp trong những đống lá rừng mục. Chúng chỉ sống được ở những nơi có địa hình cao, khí hậu lạnh như Mẫu Sơn, nếu đưa ếch ra trời nắng ở nhiệt độ 30 độ C sẽ không sống nổi”, A Múi chia sẻ.

Chạng vạng sáng, chúng tôi hạ sơn, vừa đến nhà A Múi hú lên một tiếng, một số trai tráng và thiếu nữ người Dao xuất hiện. Họ đón bao tải nặng rồi nhanh nhẹn lấy ra những chú ếch hương căng tròn. Ếch có màu da nâu đen pha trộn giữa màu của núi và cánh gián nên sẫm hơn các loại ếch khác. Con đực có gai ở cổ dưới, trọng lượng chừng 3-4 lạng/ con.

Ếch tiến vua Mẫu Sơn Ảnh: Minh Đức

Ếch tiến vua Mẫu Sơn Ảnh: Minh Đức

Nghe có tiếng cười nói lớn ngoài sân. Thì ra, đó là anh Triệu Văn Lý, người Dao ở bản Khuẩy Đeng kề cạnh đến góp vui một túi ếch hương. Trên tay anh cầm chiếc thuổng nhỏ và bảo vừa đi bắt ếch về. Anh kể, săn ếch buổi ngày thì vất vả hơn ban đêm. Vào trời mưa phùn, anh lên núi tìm trong mấy khe đá, khi phát hiện dấu hiệu có ếch thì đào. Tìm loài vật này rất khó vì chúng có thể đổi màu sắc nhằm trốn kẻ thù và biến hóa theo biến đổi của thời tiết, môi trường sống. Ngoài kinh nghiệm nhìn hang ếch thì phải tinh mắt, nhanh tay, không thì cả ngày trời không kiếm được con nào.

A Múi gọi tôi đến rồi bảo, hôm nay sẽ đãi tôi món ếch hầm gia truyền. Cô vớ lấy chai rượu men lá đổ vào cái bát to cùng gừng núi, sau đó tẩm ướp khoảng 30 phút để gia vị ngấm vào thịt ếch rồi đem hầm cách thủy khoảng 2 tiếng. Hầm xong vớt ếch ra để nguội, sau đó rải một lớp măng chua lên trên và tiếp tục đun nấu cho đến khi lớp măng không còn vị chua nữa thì thôi. Ngoài hiên, nhóm sơn nữ thôn Khuổi Tẳng cầm những con ếch vừa sơ chế, cho vào chảo mỡ rán vàng. Mùi hương món ăn tỏa ra bên nhánh hoa mận nở trắng.

“Thịt ếch hương có màu trắng, chắc hơn thịt gà chọi, vị ngọt nhẹ thanh, bùi, thơm, không có mùi tanh, đặc biệt là không bao giờ có giun, sán như ếch đồng. Sản vật này có tác dụng chữa bệnh sốt rét, mất ngủ, thần kinh căng thẳng và cải thiện quan hệ vợ chồng rất tốt", anh Triệu Văn Lý tiết lộ.

Bảo tồn

Là người lính Biên phòng công tác lâu năm ở miền biên giới xứ Lạng, Trung tá Nguyễn Ngọc Liêm, cán bộ Biên phòng Lạng Sơn biết chúng tôi yêu thích ẩm thực liền chỉ cho thấy hang ếch hương dưới chân núi Mẫu Sơn, nơi anh đã nuôi thành công. Anh Liêm tâm sự, khoảng đầu năm 2020, anh được đơn vị điều lên khu vực non cao cùng đồng đội lập lán kiểm soát phòng chống xuất nhập cảnh trái phép và dịch COVID-19. Tại đây, anh được đồng bào Dao cho đi cùng săn bắt ếch và mách cho “bí quyết” nuôi sản vật quý này. Thế là, anh mang khoảng 30 con ếch từ đỉnh núi Mẹ về một góc núi sát đơn vị, nơi có nhiều hang hốc, lạch nước sạch để nuôi. Trung tá Liêm mày mò học hỏi, nghiên cứu đặc điểm sinh học, điều kiện sinh trưởng, phát triển của con vật, từ đó xây dựng quy trình nuôi ếch hương sinh sản và ếch hương thương phẩm.

“Ếch hương thích ăn các loài côn trùng còn sống trong tự nhiên, ăn cả loài giun quế. May là số lượng ếch nuôi thử nghiệm đều phát triển ổn định, thích nghi với môi trường nuôi nhốt. Từ chỗ vài chục con, sau hai tháng, ếch hương đã đẻ hàng ngàn trứng, ếch con ra đời rất nhanh”, anh Liêm chia sẻ bí quyết.

Kỹ sư Hoàng Lê Minh, một chuyên gia nông-lâm nghiệp ở tỉnh Lạng Sơn cho biết: Ếch hương là một trong những loài động vật lưỡng cư quý hiếm. Trước đây, trên đỉnh núi Mẫu Sơn đã có một số hộ dân bắt ếch ngoài tự nhiên về nuôi thử nhưng không thành công. Theo ông Minh, mùa sinh sản của ếch vào tháng 5 - 6 hàng năm. Tới khoảng tháng 10-11 là thời điểm ếch đạt trọng lượng và chất lượng cao nhất. Trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu và một phần bị săn bắt nhiều nên số lượng ếch hương Mẫu Sơn đã giảm đáng kể.

“Việc một số cá nhân, tổ chức tham gia nuôi ếch hương sinh sản vừa góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm của địa phương, vừa có thể phát triển với số lượng lớn cung cấp ếch thương phẩm cho thị trường. Với giá ếch hương hiện đang bán ở thị trường từ khoảng 600- 800 nghìn đồng/kg, nếu nghiên cứu thành công phương pháp chăn nuôi trong môi trường nhân tạo thì đây có thể là hướng phát triển kinh tế, làm giàu cho người dân địa phương”, Kỹ sư Hoàng Lê Minh nói.

Mẫu Sơn khi trời chạng vạng tối mới thấy hết được sự mênh mang, huyền ảo. Đêm nay, bên rừng đào đỏ thắm, chúng tôi cùng say men tình với những câu chuyện về loài ếch hương- tiến vua độc, lạ miền biên ải.

Xứ Lạng, cuối năm Nhâm Dần

Nguyễn Duy Chiến

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/len-non-cao-san-ech-tien-vua-post1501377.tpo