Lên núi đá trồng loại cây 'khắc tinh' với khô hạn
Những khu đồi núi đá ở Ninh Thuận đang dần được 'hồi sinh' nhờ vào loại cây xanh được xem là 'khắc tinh' vùng đất khô hạn, đó là cây thanh thất (còn có tên gọi khác là cây bút thuộc họ thanh thất).
Loại cây xanh đặc biệt
Trồng cây xanh trên đá - điều tưởng như rất khó này lại thực hiện thành công các tại vùng núi đá Ninh Thuận, tăng độ che phủ rừng cho vùng đất đầy nắng và gió. Việc trồng loại cây đặc biệt này được Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam (Ban QLRPHVB Thuận Nam, Ninh Thuận) đảm nhiệm.
Theo chân các nhân viên Ban QLRPHVB Thuận Nam đến Tiểu khu 200C thuộc xã Phước Minh (huyện Thuận Nam), chúng tôi được tận mắt thấy cây bút.
Từ dưới chân đồi, phóng tầm mắt lên một khoảng núi lởm chởm với những tảng đá to, nhỏ được phủ xanh bởi cây bút. Giữa những tảng đá, loại cây bút mạnh mẽ vươn mầm xanh, trổ nhánh tỏa bóng mát rượi.
Chỉ tay về các cây bút đang phát triển tươi tốt, anh Lê Văn Hiệp, Phó Trưởng ban Ban QLRPHVB Thuận Nam cho biết, khu vực ven biển Thuận Nam đất đai nghèo chất dinh dưỡng, đồi toàn đá nên việc trồng rừng tại đây khó khăn gấp bội.
"Để phủ xanh núi đá, chúng tôi đã tìm nhiều loại cây có khả năng chịu hạn như trôm, keo lai, phi lao, bạch đàn… nhưng kết quả đều thất bại. Mặt khác, một số loại cây sống sót được thì bị cừu, dê, bò của người dân chăn thả cắn phá hư hại hết. Trong quá trình nghiên cứu thực tế tại nhiều khu rừng tự nhiên, thấy cây bút có ưu điểm chịu được khí hậu khô hạn nên chúng tôi đã đem hạt cây về ươm trồng, kết quả cây sinh trưởng tốt. Đặc biệt cừu, dê, bò không cắn phá nên chúng tôi đã đề xuất trồng loại cây bút để phủ xanh đồi đá. Từ đó giảm sự khắc nghiệt của thời tiết, chống được sự xói mòn. Đây được xem là một kỳ tích khi cây bút đã phủ xanh núi đá tỷ lệ đạt trên 90%...", anh Lê Văn Hiệp cho biết.
"Cõng" cây bút lên núi
Để đưa cây bút ở vườn ươm lên các vị trí trồng, Ban QLRPHVB Thuận Nam, Ninh Thuận phải huy động hàng trăm nhân công cả nam và nữ mang theo cuốc, dùng gùi hoặc bao vải "cõng" trên lưng rồi đi bộ hàng chục cây số đường rừng để trồng.
Anh Lê Văn Hiệp, chia sẻ: "Công đoạn vận chuyển cây từ vườn ươm lên các điểm trồng rất vất vả và gian nan. Mỗi ngày chỉ di chuyển được vài trăm cây, chưa kể là gặp thời tiết nắng nóng mọi công đoạn cũng chậm lại. Chúng tôi hay nói vui rằng "cõng" loại cây bút đi trồng là công việc của những con "ong" chăm chỉ đi tìm "mật ngọt".
Theo anh Hiệp, đối với loại cây đặc biệt này, công đoạn lấy hạt để ươm cây con là khó nhất, đòi hỏi mọi người phải rất tỉ mỉ, vì hạt của loại cây bút có lớp vỏ bên ngoài mỏng như lá lúa và kích thước của hạt nhỏ hơn hạt dưa nên chỉ cần một cái chạm nhẹ hay không chú ý quan sát khi tháo lớp vỏ bên ngoài thì "tim" của hạt sẽ rụng và không thể ươm được.
Khó là vậy nhưng với khát vọng ươm xanh núi đá, đến nay ở huyện Thuận Nam đã trồng được 568ha cây bút trên địa bàn xã Phước Nam, Phước Minh và Phước Dinh. Loại cây này không chỉ cải thiện tốt môi trường mà còn góp phần tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương, giúp đời sống người dân tốt hơn.