Lên núi thưởng trà…
Mỗi người chọn một cách riêng trên nẻo đường du xuân, riêng tôi chọn cách trải nghiệm thưởng trà xuân trên mảnh đất vùng cao xứ Mường. Chị chủ nhà, dân tộc Nùng ở xã Nấm Lư (huyện Mường Khương) tên là Vàng Thị Xuân dẫn chúng tôi ra vườn hái trà. Những cây trà của gia đình chị trồng đã trên 30 năm với búp non mơn mởn được hái trong tiết trời mưa xuân lây phây, trong cái rét ngọt dưới 10 độ C, được sao trong chảo gang theo đúng kiểu sao tay truyền thống. Mẻ trà đầu tiên trong năm mới thơm hương, ngọt hậu.
Ngồi bên bếp lửa rực hồng ấm áp, nghe kể về những cây trà trồng trên mảnh đất vùng cao, cách chế biến trà của họ, vừa nhấp chén trà sau mấy tiếng đồng hồ trải nghiệm các công đoạn sao tay trà truyền thống mới thấy cách thưởng trà xuân của người Nùng ở nơi đây thật thú vị. Những búp trà được hái về, cho vào chảo gang sao, sao đó đem ra vắt bằng tay cho bớt vị chát, rồi lại cho vào chảo gang sao tiếp, cứ thế đảo đều tay trong vòng một tiếng đồng hồ, khi nào trà săn lại, lên hương, lúc ấy mới được trà.
Người vùng cao là thế, trà cứ trồng quanh nhà, tự sao tự uống, thậm chí, họ còn tự lam trà để cất trên gác bếp, dùng dần trong cả năm. Theo họ, trà xuân được nước, đượm vị và ngon hơn cả, dường như trong khí tiết của trời xuân, búp trà đã ướp đủ cả bốn mùa trong đó. Chị Vàng Thị Xuân bảo: Chúng tôi thường hái trà vào lúc núi rừng còn chưa tan sương, bởi theo các cụ đây là thời điểm giao hòa đủ để hứng trọn tinh túy của đất trời. Có nhà lấy lá tươi đun nước uống, còn đa số mọi người hái búp non để sao khô, bảo quản uống quanh năm.
Thật bõ công lặn lội đường xa đến bản người Nùng để tận hưởng cái thanh hương, hậu vị của những búp trà xuân non mỡn qua bàn tay sao vò mà nên, để xuýt xoa, mê mẩn, để ngồi bên bếp lửa ấm của người già, truyền tay nhau chén trà nóng. Đưa một vòng chén trà trước mũi để tận hương, rồi kề môi nhấp một ngụm để thưởng vị… Nước trà có màu vàng như mật ong, hương vị đậm đà. Câu chuyện bên ấm trà cứ thế trải lòng về sự hiện diện của những cây trà quý nơi miền đất này.
Giống chè Shan Tuyết ở Nấm Lư có từ lâu đời, người già trong bản kể, họ lớn lên đã có cây chè mọc ở đây rồi. Người Nùng quý cây chè, bởi họ tâm niệm, trà cho sức khỏe cho tiền bạc, là thức uống không thể thiếu hằng ngày sau cơm ăn. Những cây trà bám trụ nơi đại ngàn, uống sương rơi, hong nắng trời, chắt chiu nguồn dinh dưỡng từ đất núi, mạch nước lần trong khe để cho ra những búp trà ngon có một không hai, vị ngọt đậm và có hương thơm đặc trưng không lẫn vào đâu được, tạo thành thức uống hảo hạng nơi rẻo cao biên giới.
Thú thật, giữa tiết trời se lạnh, được thưởng thức chén trà xuân, khiến tôi dọc đường về nhà nhớ mãi không quên những phút giây được thả lỏng tâm hồn mình thư thái bên ấm trà Shan Tuyết sao tay truyền thống ở Nấm Lư…
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/353788-len-nui-thuong-tra