Lên phương án bay khi đóng 1 đường băng Tân Sơn Nhất

Tần suất cất, hạ cánh sẽ không nhanh như khi khai thác hai đường băng nhưng đảm bảo không ách tắc.

Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long vừa trình Bộ GTVT thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

Đường băng đã hư hỏng từ lâu

Hạng mục cải tạo, nâng cấp đường băng 25R/07L của sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng sáu tháng. Thời gian thi công theo kế hoạch là từ cuối tháng 6 đến tháng 12-2020. Đây là một trong hai đường băng tại sân bay có tần suất khai thác nhộn nhịp nhất cả nước. Trong đó, đường băng 25R/07L có chiều dài 3.048 m, rộng 45 m. Đường băng còn lại là 07R/25L dài 3.800 m, rộng 45 m.

Một số hạng mục khác trong dự án như làm hai đường lăn thoát nhanh gồm một đường lăn song song và một đường lăn nổi; các công trình phục vụ quản lý bay, đèn hiệu… sẽ mất khoảng 14 tháng thi công. Tổng mức đầu tư cho dự án là hơn 2.000 tỉ đồng.

Trong gần ba năm qua, các đơn vị chuyên môn đã cảnh báo đường băng 25R/07L xuất hiện các vết nứt, sụt, lún. Những vết lồi lõm này gây tình trạng đọng nước khi trời mưa, bê tông nhựa bị rạn nứt, không đảm bảo chịu lực.

Theo khảo sát của các đơn vị chuyên môn, với tình trạng trên đường băng này khó đảm bảo an toàn khi khai thác các chuyến bay. PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, cho rằng lẽ ra phải tiến hành sửa chữa đường băng này từ lâu. Việc sửa chữa lần này cần phải gấp rút thực hiện để phục vụ tốt hơn cho máy bay cất, hạ cánh.

Theo ông Tống, ngành hàng không đang dần phục hồi sau dịch COVID-19, cộng với cao điểm hè và cuối năm nên cần có phương án chi tiết để hạn chế thấp nhất tác động đến tần suất khai thác các chuyến bay.

Trên thực tế, việc nâng cấp, cải tạo đường băng và đường lăn là hoạt động bình thường của các sân bay. Thậm chí, ở một số quốc gia sân bay chỉ có một đường băng nên khi sửa chữa phải tính toán từng giai đoạn, từng hợp phần rất kỹ lưỡng, thời gian sửa đan xen ngày đêm để đảm bảo khai thác.

Tần suất cất, hạ cánh các chuyến bay khi đường băng sửa chữa sẽ chậm hơn nhưng vẫn đảm bảo khai thác. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Tần suất cất, hạ cánh các chuyến bay khi đường băng sửa chữa sẽ chậm hơn nhưng vẫn đảm bảo khai thác. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Lên nhiều phương án hạn chế ùn tắc

Trao đổi với PV, Tổng giám đốc Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Vũ Thế Phiệt cho biết Cục Hàng không Việt Nam đã có chỉ đạo cụ thể. Theo đó, ACV và Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam sẽ xây dựng phương án chi tiết để cục phê chuẩn trước khi triển khai dự án. Các phương án sẽ áp dụng tùy theo từng giai đoạn thi công cụ thể.

“Hiện ACV đã sẵn sàng các phương án ứng phó để phục vụ hoạt động cải tạo, nâng cấp đường băng” - ông Phiệt nói.

Theo một nguồn tin từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, các phương án triển khai trong thời gian thi công bao gồm an ninh, an toàn con người, phương tiện vào khu vực thi công, công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường sẽ do Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đảm trách. Trong đó bao gồm công tác thi kiểm tra lực lượng nhân công vào làm việc tại sân bay.

Ngoài ra, trong giai đoạn này còn tính toán đến phương án máy bay qua đêm tại sân bay. Hiện cảng đã sắp xếp 17 vị trí và đang tính toán phân bổ cho từng hãng hàng không.

Một điểm thuận lợi nữa là lần này đường băng được sửa chữa là đường băng ngắn, thường phục vụ máy bay thân hẹp nên sẽ ít gây ảnh hưởng hơn so với sửa đường băng dài. Đường băng dài (07R/25L) còn lại có thể đáp ứng cho nhiều dòng máy bay từ thân rộng đến thân hẹp. Thời điểm hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất chưa mở lại đường bay quốc tế nên phần nào cũng giảm được áp lực.

Về công tác điều hành bay, một chuyên gia lĩnh vực quản lý bay phân tích thời điểm này triển khai nâng cấp đường băng là hợp lý. Một phần vì lưu lượng khách đi lại chưa nhiều, tần suất khai thác các chuyến bay tại Tân Sơn Nhất hiện chỉ đạt khoảng 60% so với bình thường.

Ngoài ra, đường bay quốc tế chưa được mở nên lúc này công tác điều hành bay tại Tân Sơn Nhất chỉ nhằm phục vụ các chuyến bay nội địa. Dựa trên tần suất khai thác thời điểm này thì một đường băng cũng có thể gánh vác được.

Các đơn vị sẽ có sự điều chỉnh, tần suất cất, hạ cánh tất yếu sẽ không thể nhanh như khi khai thác song song hai đường băng. Tuy nhiên, về cơ bản sẽ vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách, không để xảy ra ách tắc nhiều.

“Nói chung, thời điểm này tương đối thích hợp để thực hiện cải tạo vì tần suất khai thác các chuyến bay vẫn chưa sôi động như bình thường” - vị này chia sẻ.

Tần suất bay nội địa phục hồi 60%

Theo ACV, hiện nay tần suất các chuyến bay nội địa trên toàn mạng bay đã dần được khôi phục lại. Trong tháng 5, sản lượng chuyến bay nội địa đạt 60% so với số lượng trung bình chuyến bay hoạt động khi chưa xảy ra dịch bệnh.

Trước khi bùng phát dịch COVID-19, số lượng trung bình chuyến bay nội địa là 1.500 lượt cất, hạ cánh/ngày. Riêng sân bay Tân Sơn Nhất lúc bình thường dao động 650-700 lượt cất, hạ cánh/ngày. Cá biệt, có ngày cao điểm tết 2020 gần 1.000 lượt cất hạ cánh/ngày.

Con số này trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội là 51 lượt/ngày; cá biệt lúc thấp điểm nhất có 34 lượt/ngày. Từ đầu tháng 5 đến nay, số chuyến bay trung bình mỗi ngày là 644 lượt cất, hạ cánh.

PHONG ĐIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/len-phuong-an-bay-khi-dong-1-duong-bang-tan-son-nhat-917876.html