Lên phương án một số tình huống có thể xảy ra tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

Ngày 18-7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đoàn công tác có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, toàn tỉnh có 12.576 thí sinh dự thi được bố trí tại 35 điểm thi.

Hiện các nội dung, công tác chuẩn bị, tổ chức thực hiện đều được tỉnh triển khai kịp thời, đáp ứng yêu cầu, tiến độ tổ chức kỳ thi. Lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra thực tế cơ sở vật chất tại các điểm thi, nơi nhân sao đề thi, bảo quản bài thi, chấm thi...Chuẩn bị đầy đủ tất cả các phương án dự phòng; đảm bảo các điều kiện an toàn tuyệt đối, với tinh thần quyết tâm cao nhất không để xảy ra sự cố bất thường mà không có phương án xử lý.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị tỉnh Thừa Thiên – Huế cần dành nhiều quan tâm cho công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp đến, thực hiện tốt việc phân công trách nhiệm trong công tác tổ chức, bám sát các chỉ đạo của Bộ, trong trường hợp có vướng mắc gì thì phải kịp thời báo cáo Bộ chỉ đạo xử lý, tránh để sai sót xảy ra.

Trong đó, lưu ý Thừa Thiên – Huế cần tiếp tục rà soát công tác chuẩn bị, lên phương án cho một số tình huống có thể xảy ra. Chỉ đạo việc vận chuyển đề thi, bài thi cần tính đến điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp. Đối với công tác coi thi, cần quy trách nhiệm đến người thực hiện, trong đó có vai trò của Trưởng điểm thi, từng giám thị.

Công tác thanh tra, cần phòng ngừa chứ không phải để xử lý, vì vậy, tập huấn thanh tra phải được làm thật kỹ, ai nắm chắc mới đưa vào đoàn thanh tra, nếu không chắc không đưa vào. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, công tác chấm thi phải tuyệt đối bảo mật và an toàn; việc phân tích phổ điểm, xử lý thông tin trong và sau kỳ thi phải nhịp nhàng, trôi chảy.

Về việc thực hiện nhiệm vụ năm học và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lưu ý, nhà trường cần tập trung để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, trong đó ưu tiên ôn tập thiết thực cho học sinh, đặc biệt là nhóm học sinh khó khăn. Còn hơn 1 năm nữa sẽ bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6, đội ngũ giáo viên nhà trường cần chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng cũng như tâm thế để sẵn sàng bước vào lần đổi mới này.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên – Huế cần tiếp tục quan tâm rà soát về quy hoạch sắp xếp mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất; đội ngũ cán bộ, giáo viên; quan tâm phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ Đại học Huế xây dựng và phát triển; quan tâm đổi mới giáo dục; nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của Trường Quốc học Huế - không chỉ dành cho học sinh của Thừa Thiên - Huế mà của miền Trung.

Ông Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GD-ĐT

Ông Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GD-ĐT

Ông Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và khẳng định sẽ làm tốt các công việc mà Bộ đã giao. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại buổi làm việc. Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đội ngũ giáo viên và chất lượng học sinh. Cùng với đó, cam kết sẽ chỉ đạo tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, đảm bảo kỳ thì diễn ra nghiêm túc, đạt kết quả tốt, không để xảy ra tiêu cực.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng mong muốn Bộ GD-ĐT tiếp tục quan tâm đến Đại học Huế và các nội dung liên quan đến việc đầu tư, phát triển giáo dục tại địa phương. Tỉnh mong Bộ hỗ trợ “cách đi, cách làm” để phát triển lĩnh vực GD-ĐT của tỉnh cũng như thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

VĂN THẮNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/len-phuong-an-mot-so-tinh-huong-co-the-xay-ra-tai-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2020-673805.html