Lên phương án phòng chống dịch châu chấu tre lưng vàng
Thời gian gần đây tình trạng châu chấu tre lưng vàng xuất hiện tại một số địa phương như Cao Bằng, Điện Biên, Sơn La gây hại nghiêm trọng đến cây trồng. Trước thực tế đó, ngành nông nghiệp đã lên phương án phòng chống dịch hại này.
Dịch châu chấu tre lưng vàng là dịch bệnh phát sinh hằng năm
Châu chấu tre lưng vàng thuộc nhóm châu chấu đàn. Trong những năm gần đây đã phát sinh và gây hại nghiêm trọng cho cả cây trồng nông lâm nghiệp ở Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Đây là loài sinh vật có khả năng di chuyển nhanh, sức phá hại lớn, khó kiểm soát. Khi tuổi lớn, chúng có thể tập hợp thành đàn với số lượng lớn và di cư đi tìm nguồn thức ăn và nơi đẻ trứng.
Châu chấu tre lưng vàng được ghi nhận gây hại đầu tiên trên rừng tre, luồng vào năm 2008 tại 4 tỉnh Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ. Đến năm 2016, châu chấu tre lưng vàng đã bùng phát, gây hại thành dịch, gây hại trên 3.700ha diện tích cây trồng nông lâm nghiệp.
Đến ngày 30/5/2024, tổng diện tích các ổ dịch châu chấu tre lưng vàng là 642ha, trong đó Cao Bằng 517ha (Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An, Hà Quảng), Điện Biên 0,5ha, Sơn La 10ha, Bắc Kạn 63ha, Thanh Hóa 20ha và Nghệ An 20ha.
Tại Cao Bằng, châu chấu non tuổi 2-4 đang phân tán ra diện rộng hơn, theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng, diện tích các ổ dịch châu chấu hiện nay là trên 517ha gồm 315,2ha trên rừng vầu, 165,2ha trên cỏ dại, ngoài ra còn 26,8ha trên ngô, 6,4ha trên lúa và 3,5ha trên cây thuốc lá. Các diện tích có châu chấu phân bố ở các huyện Hòa An (các xã Bạch Đằng, Hồng Việt, Lê Chung, Thị trấn Nước Hai); huyện Nguyên Bình (các xã Vũ Minh, Triệu Nguyên, Thể Dục, Thịnh Vượng); huyện Thạch An (xã Minh Khai, Canh Tân, Quang Trọng, Kim Đồng); huyện Hà Quảng (các xã Thanh Long, Lương Can, thị trấn Thông Nông); Thành phố cao Bằng (Phường Đề Thám, xã Hưng Đạo, xã Chu Trinh) và vài ổ ở huyện Bảo Lâm (xã Thái Sơn).
Trên cây trồng mật độ châu chấu phổ biến 80-150 con/m2, cao 200-400 con/m2; trên rừng vầu mật độ phổ biến 500-1.000 con/m2, cao 2.500-3.000 con/m2, cục bộ 7.000-8.000 con/m2; trên cỏ dại mật độ châu chấu phổ biến 200-400 con/m2, cao 600-800 con/m2. Châu chấu tre lưng vàng không chỉ xuất hiện ở Cao Bằng, tại xã Văn Vũ, huyện Na Rì tỉnh Bắc Kạn có 63ha rừng tre, luồng, vầu nhiễm châu chấu tre lưng vàng. Cũng trên tre, luồng, vầu tại tỉnh Điện Biên có 0,5ha nhiễm (xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé); tại Sơn La có 10ha nhiễm châu chấu tre lưng vàng ở xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ. Tại Lạng Sơn cũng xuất hiện các ổ châu chấu tre lưng vàng với diện tích 11,6ha ở xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia và xã Đại Đồng, Khánh Long huyện Tràng Định.
Tình hình châu chấu tre lưng vàng đang bùng phát vẫn là quy luật phát sinh gây hại hằng năm. So cùng kỳ các năm trước, diện tích nhiễm châu chấu tre hiện nay cao hơn năm 2023 và năm 2022 nhưng thấp hơn năm 2021 (trên 1.000ha, phân bố chủ yếu tại các tỉnh Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An) và thấp hơn nhiều so năm 2016 (3.700ha).
Ngành nông nghiệp đồng hành cùng địa phương tập trung dập dịch
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Đàn châu chấu tre lưng vàng xuất hiện ở Lạng Sơn những ngày qua thực tế quy mô đàn nhỏ, địa phương đang chịu nhiều thiệt hại bởi dịch châu chấu tre lưng vàng chính là tỉnh Cao Bằng.
"Theo thống kê của chúng tôi, diện tích tre vầu và cây trồng bị ảnh hưởng do đàn châu chấu tre lưng vàng tấn công ở Lạng Sơn khoảng 10ha, trong khi ở Cao Bằng diện tích cây trồng bị thiệt hại (chủ yếu là cây vầu) do nạn châu chấu tre lưng vàng đã lên đến 450ha", ông Dương thông tin.
Cũng theo ông Dương, Cục Bảo vệ thực vật vẫn đang chủ động phối hợp các địa phương giám sát thật chặt chẽ các ổ dịch châu chấu tre lưng vàng để có các biện pháp phòng chống phù hợp.
"Ngay trong chiều nay (30/5), một đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật sẽ lên Cao Bằng phối hợp với tỉnh lên phương án phòng chống dịch châu chấu tre lưng vàng. Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng cũng đã có báo cáo và khả năng tỉnh này sẽ công bố dịch. Đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật sẽ đánh giá quy mô ổ dịch châu chấu tre lưng vàng có đủ điều kiện để công bố dịch hay không", Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thông tin thêm.
Về biện pháp phòng trừ châu chấu tre lưng vàng, ông Dương cho biết, chỉ có cách phun thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ.
"Thời điểm này, châu chấu mới ở tuổi 2, 3 nên hiệu quả phun phòng trừ rất tốt do bộ cánh chưa phát triển hoàn thiện, nếu sang tháng 7, bộ cánh châu chấu hoàn thiện, tốc độ di chuyển của chúng nhanh hơn thì thiệt hại càng lớn, quá trình phun thuốc bảo vệ thực vật không những giảm tác dụng mà còn ảnh hưởng nhiều đến môi trường", ông Dương nhấn mạnh.
Về nguồn gốc đàn châu chấu tre lưng vàng có phải từ Trung Quốc bay sang không, ông Dương cho biết, đàn châu chấu tre là loài sinh vật gây hại vẫn xuất hiện hàng năm trong nội địa, là nhóm gây hại chủ yếu trên tre, nứa, vầu.
Ông Dương cho biết, để giảm thiểu những tác động lên môi trường, Cục Bảo vệ thực vật đã và đang khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học phòng trừ loài dịch hại này.