Lên phương án trục vớt sà lan bị vùi lấp trên bãi biển Nha Trang
Sau khi nhiều người dân, du khách bị thương do vướng phải vỏ thân sà lan bị vùi lấp trên bãi biển, UBND TP Nha Trang chỉ đạo trục vớt.
Sáng 12-4, trao đổi với PLO, một lãnh đạo UBND TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cho biết TP đã giao Ban Quản lý vịnh Nha Trang lập phương án để trục vớt chiếc sà lan bị vùi lấp trên bãi biển.
“UBND TP Nha Trang yêu cầu Ban quản lý vịnh Nha Trang đầu tuần tới trình phương án. Sau đó căn cứ vào phương án này, TP sẽ quyết định đơn vị chủ trì trong công tác trục vớt chiếc sà lan. Hiện, TP đã chỉ đạo đơn vị liên quan khoanh vùng cảnh báo, cử lực lượng trực nhắc nhở người dân và du khách không tắm biển khu vực này”- lãnh đạo UBND TP Nha Trang nói.

Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã cho giăng dây, cắm biển cảnh báo khu vực có xác sà lan bị vùi lấp dưới cát. Ảnh: XUÂN HOÁT
Trả lời câu hỏi của PV, vì sao TP không tiến hành trục vớt chiếc sà lan nói trên sớm hơn, lãnh đạo TP Nha Trang cho biết sẽ yêu cầu đơn vị có liên quan báo cáo, làm rõ vấn đề này.
Cùng ngày, ông Đàm Hải Vân, Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang xác nhận, đơn vị đang hoàn thiện phương án trục vớt chiếc sà lan bị vùi lấp để tuần tới trình UBND TP xem xét, phê duyệt.
Trước đó, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nhân viên đội cứu hộ thuộc Ban Quản lý vịnh Nha Trang phát hiện tại bãi tắm đối diện Vincom Plaza Trần Phú, TP Nha Trang, đang có chướng ngại vật bị chìm dưới lớp cát.
Vật chướng ngại dưới lớp cát là vỏ của chiếc sà lan bị hỏng máy, trôi dạt hồi tháng 12-2019.
Đến nay, khu vực sà lan mắc cạn có các đoạn sắt thuộc cấu trúc phần mũi của sà lan hiện đang nằm chìm dưới lớp cát nhô ra khi thủy triều rút. Các đoạn sắt này đã làm nhiều người dân, du khách khi tắm biển ở đây bị thương.

Chiếc sà lan trôi dạt rồi mắc kẹt trên bãi biển Nha Trang. Ảnh chụp tháng 12-2019. Ảnh: XUÂN HOÁT
Như PLO đã thông tin, đầu tháng 12-2019, chiếc sà lan mang số hiệu KH-98668TS, dài khoảng 30 m dạt vào khu vực bãi biển Nha Trang.
Thời điểm đó, trả lời PV, lãnh đạo Ban Quản lý vịnh Nha Trang cho biết sà lan mắc cạn là của một doanh nghiệp ở địa phương, chuyên cung cấp vật tư, nguyên liệu cho các bè nuôi thủy sản, khi đi ngang đây bị hỏng máy, sau đó trôi dạt lên bãi biển Nha Trang.
Chủ tàu sà lan lúc đó đã cố gắng cho phương tiện kéo ra ngoài khơi nhưng không thành công do sóng lớn, sà lan mắc cạn quá sâu, tàu lai kéo không tiếp cận được. Sau đó, không hiểu vì sao chiếc sà lan này bị bỏ lại trên bãi biển đến nay.