Lệnh cấm dầu Nga của Mỹ, châu Âu phản tác dụng, Moscow không dễ bị 'kìm chân'?
Châu Âu và Mỹ đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga để cắt nguồn thu quan trọng của Điện Kremlin, trong một nỗ lực khiến Moscow không thể cung cấp tiền cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nhưng trước mắt, kế hoạch này đã không thành công.
Nga đang kiếm được nhiều tiền hơn từ xuất khẩu năng lượng như trước khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2/2022. Trong khi đó, lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu, gây thêm áp lực chính trị lên các nhà lãnh đạo như Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Các nhà lãnh đạo từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang tập trung tại Đức để dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và cố gắng đạt được sự đồng thuận về những lệnh cấm tiếp theo với Nga. Nhưng thật không may, về dầu, rất ít lựa chọn.
Robert Johnston, một học giả nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm chính sách năng lượng toàn cầu Columbia cho biết: “Có những 'công cụ' có sẵn làm khó Nga, nhưng chúng đi kèm với chi phí tăng đáng kể cho người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu”.
Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia tiếp tục khai thác lượng lớn dầu thô của Nga - bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ tàn phá thị trường dầu mỏ toàn cầu, vốn đang trong trạng thái căng thẳng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gần đây cho biết, quốc gia này muốn thảo luận về giới hạn giá dầu của Nga. Tuy nhiên, vấn đề phức tạp như vậy có thể không phải là giải pháp mà phương Tây đang tìm kiếm.
Nga vẫn nhận được ''hàng tấn tiền''
Cuối tháng 5/2022, Mỹ, Anh và Canada đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Đáng chú ý hơn, châu Âu cho biết, lệnh cấm sẽ áp dụng đối với 90% lượng dầu nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay.
Theo số liệu từ Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), trong tháng 5, xuất khẩu dầu của Nga sang châu Âu đã giảm xuống 3,3 triệu thùng/ngày.
Nhưng sự gia tăng xuất khẩu sang châu Á đã giúp Moscow bù đắp một phần lớn những thiệt hại đó. Trung Quốc đã tận dụng mua dầu Nga giá rẻ và lần đầu tiên chứng kiến lượng nhập khẩu dầu từ Moscow đạt 2 triệu thùng/ngày. Nhập khẩu của Ấn Độ cũng tăng đột biến, dao động gần 900.000 thùng/ngày trong tháng 5/2022.
Nga đang bán các thùng dầu thô Urals với giá rẻ hơn khoảng 35 USD so với mức chuẩn toàn cầu của Brent, mức giao dịch gần đây nhất gần 113 USD/thùng. Nhưng vì giá cả tăng mạnh trong năm nay do dư chấn của đại dịch Covid-19 và chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Moscow vẫn kiếm được ''hàng tấn tiền''.
Theo IEA, doanh thu xuất khẩu dầu của Nga đã tăng 1,7 tỷ USD trong tháng 5/2022 lên khoảng 20 tỷ USD. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình năm 2021 là khoảng 15 tỷ USD.
Ông Johnston nói: “Người Nga vẫn đang bán dầu ở một mức giá khá tốt".
Các quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ cho biết, đối phó với vấn đề này sẽ là một ưu tiên tại cuộc họp G7. Theo quan chức Mỹ, điều cần làm nhất hiện tại là nỗ lực gây thiệt hại với kinh tế Nga nhưng đồng thời giảm thiểu tác động lan tỏa với phần còn lại của thế giới.
Những lựa chọn của châu Âu
Để gây khó khăn hơn cho Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác trong việc tiếp tục nhập khẩu dầu của Nga, châu Âu dự định bỏ lệnh cấm bảo hiểm đối với các tàu chở dầu thô của Moscow. Anh dự kiến cũng sẽ bắt tay với EU tham gia điều khoản này. Trong nhiều thế kỷ, Lloyd's - một thị trường bảo hiểm và tái bảo hiểm nằm ở London (Anh) - đã là trung tâm của thị trường bảo hiểm hàng hải toàn cầu.
Nếu Anh tham gia vào lệnh cấm này như dự kiến, hệ thống vận chuyển nhiên liệu toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính quyền Tổng thống Biden lo lắng, lệnh cấm này sẽ khiến giá cả tăng cao.
Tuy nhiên, ông Mai Rosner, thuộc tổ chức phi lợi nhuận Global Witness cho rằng, các nước phương Tây cần phải tiến xa hơn nữa để đưa dầu của Nga ra khỏi thị trường một cách nhanh chóng và tránh tình trạng lách luật.
Ông Rosner nói: “Những biện pháp trừng phạt từng phần này đang để lại kẽ hở cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch".
Mỹ, với sự hậu thuẫn của châu Âu, có thể ban hành các biện pháp trừng phạt thứ cấp nhắm vào các nước bên thứ ba tiếp tục làm ăn với Nga, như đã từng làm với Iran và Venezuela. Nhưng một động thái như vậy sẽ tạo ra nhiều xáo trộn đến mức các chuyên gia cho rằng, điều đó khó có thể xảy ra.
Theo Darwei Kung, Giám đốc danh mục hàng hóa tại DWS Group, nếu Trung Quốc và Ấn Độ phải tìm các thùng thay thế, giá dầu có thể dễ dàng lên tới 200 USD/thùng.
Nhưng ông Johnston nhận thấy: “Mỹ không thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, Venezuela và Nga cùng một lúc".
Thời vừa gian qua, Tổng thống Biden nhấn mạnh, "cuộc chiến" chống lạm phát đang ở mức cao trong 40 năm là ưu tiên hàng đầu trước cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11/2022. Trong khi đó, Tổng thống Emmanuel Macron gần đây cũng đã cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng tăng tại Pháp.
Đặt giới hạn giá dầu thô của Nga là một trong những giải pháp được đưa ra. Điều đó có nghĩa là Nga không bị cắt đứt hoàn toàn khỏi thị trường, nhưng sẽ bị buộc phải bán dầu với giá rẻ đến mức không thể thu được lợi nhuận.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen nhận định, mức giá trần sẽ kéo giá dầu của Nga xuống và giảm doanh thu của Điện Kremlin nhưng vẫn cho phép nguồn cung tiếp cận thị trường toàn cầu.
Các một số quốc gia như Đức sẵn sàng xem xét giải pháp này. Tuy nhiên, chính sách này có thể hứng chịu sự phản đối của các nước hưởng lợi từ dầu của Nga, như Trung Quốc hay Ấn Độ.
Bên cạnh đó, các quốc gia phương Tây cũng có thể giảm bớt khó khăn bằng cách thúc đẩy nguồn cung hoặc để giá tăng cao đến mức nhu cầu buộc phải giảm xuống.
Một số quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu Mỏ (OPEC) có thể đẩy mạnh sản lượng, đặc biệt khi Tổng thống Mỹ có chuyến thăm Saudi Arabia vào tháng tới. Tuy nhiên, phần lớn công suất của tổ chức này đã hoạt động hết cỡ.
Trong trường hợp kinh tế toàn cầu suy thoái, nhu cầu sử dụng năng lượng có thể giảm, từ đó hạ nhiệt giá thị trường. Song điều này có thể gây nhiều thiệt hại đáng kể đến đời sống người dân như mất việc làm, nhất là với các gia đình thu nhập thấp.