Lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Trung Âu tác động lên Ukraine như thế nào?

Ukraine đã trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào các tuyến đường thay thế của Liên minh châu Âu để xuất khẩu ngũ cốc, kể từ khi Nga tháng trước đã kết thúc thỏa thuận một năm cho phép Ukraine vận chuyển ngũ cốc qua các cảng Biển Đen.

Nông dân chặn một tuyến đường vận chuyển ngũ cốc của Ukraine, tại Hrubieszow (Ba Lan)

Nông dân chặn một tuyến đường vận chuyển ngũ cốc của Ukraine, tại Hrubieszow (Ba Lan)

Tình hình này đã làm trầm trọng thêm nỗ lực của Brussels nhằm cân bằng viện trợ cho Ukraine cùng yêu cầu của 5 nước thành viên phía đông EU, nhằm bảo vệ thị trường của chính họ bằng cách kéo dài lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine ít nhất cho đến cuối năm 2023.

Thỏa thuận hiện tại để bảo vệ quyền lợi nông dân ở 5 quốc gia gần Ukraine: Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia - sẽ hết hạn vào ngày 15/9/2023.

Các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng cảng nội địa của Ukraine trên sông Danube - tuyến xuất khẩu đường thủy cuối cùng của nước này - những tuần sau thất bại của thỏa thuận Biển Đen đã gia tăng áp lực lên EU về việc cho phép bán lại ngũ cốc tại khu vực gần đó.

Đây là cách lệnh cấm tạm thời ở năm quốc gia Trung và Đông Âu ảnh hưởng đến việc bán và vận chuyển ngũ cốc của Ukraine đến các điểm đến khác.

Tại sao đầu vào ngũ cốc Ukraine tăng ở các nước Trung và Đông Âu (CEEC)?

Ngũ cốc Ukraine được miễn thuế hải quan ở EU, khiến chúng rẻ hơn so với sản xuất trong nước.

Vị trí gần Ukraine và chi phí hậu cần cao dẫn đến xuất khẩu ngũ cốc của nước này sang 5 quốc gia thành viên tăng chưa từng thấy vào năm 2022 và đầu năm 2023, làm ảnh hưởng việc buôn bán, lấn át các giống cây trồng địa phương trong thị trường nội địa và cả thị trường xuất khẩu, khiến giá giảm và dấy lên làn sóng phản đối của nông dân.

Nhập khẩu ngũ cốc của Ba Lan tăng gần gấp ba lần vào năm 2022 lên 3,27 triệu tấn, 75% trong số đó là ngũ cốc của Ukraine, chủ yếu là ngô và lúa mì. Nhập khẩu tiếp tục tăng cho đến tháng 3/2023.

Romania, một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu của EU, đã chứng kiến 3,2 triệu tấn ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraine vẫn nằm trong biên giới của mình trong tháng 5, theo Bộ Nông nghiệp. Lượng nhập khẩu của mặt hàng này trước khi bắt đầu chiến tranh là không đáng kể.

Theo Cezar Gheorghe của công ty tư vấn thị trường ngũ cốc Romania AGRIColumn, xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine vào khoảng 4,7 triệu tấn, ông cũng cho biết việc nhập khẩu sẽ vẫn tiếp tục ngay cả khi lệnh cấm có hiệu lực, dưới vỏ bọc của các hợp đồng hiện có.

Trước chiến tranh, Hungary nhập khẩu tới 50.000 tấn ngũ cốc và hạt có dầu từ Ukraine mỗi năm. Lưu lượng tăng lên 2,5 triệu tấn vào năm 2022. Năm 2023 đạt 300.000 tấn cho đến khi lệnh cấm nhập khẩu được đưa ra.

Tại Slovakia, nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine đạt 339.000 tấn trong nửa cuối năm 2022, gấp 10 lần so với nửa đầu năm, theo dữ liệu chính thức.

Điều gì sẽ xảy ra sau lệnh cấm nhập khẩu?

Vào tháng 4/2023, Ba Lan và Hungary đã đơn phương đóng cửa biên giới đối với việc nhập khẩu ngũ cốc và các loại thực phẩm khác của Ukraine. Romania, tuyến đường trung chuyển thay thế chính của Ukraine, không áp dụng lệnh cấm nhưng bắt đầu phong tỏa các phương tiện vận chuyển.

Tháng 5/2023, Liên minh châu Âu đã cho phép 5 quốc gia - Ba Lan, Romania, Hungary và Slovakia, tất cả đều giáp Ukraine và Bulgaria, nằm ở phía nam sông Danube –thực hiện các biện pháp hạn chế lúa mì, ngô và hạt có dầu của Ukraine cho đến ngày 5/6/2023, sau đó kéo dài đến ngày 15/9, đồng thời cho phép ngũ cốc Ukraineđược quá cảnh và tiếp tục xuất khẩu sang nước thứ ba.

Sau lệnh cấm, việc quá cảnh trở nên bùng nổ. Quá cảnh lúa mì Ukraine qua Ba Lan đã tăng hơn 90.000 tấn trong tháng 6/2023, từ 43.000 lên 51.000 tấn mỗi tháng trong quý đầu tiên của năm nay. Theo Bộ Nông nghiệp Ba Lan, lượng ngô vận chuyển đã tăng lên 170.000 tấn trong tháng 6 từ khoảng 50.000 đến 70.000 tấn mỗi tháng trong quý đầu tiên của năm nay.

Romania đã vận chuyển khoảng 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến tranh thông qua cảng Constanta ở Biển Đen - 8,6 triệu tấn vào năm 2022 và 7,5 triệu tấn trong quý đầu tiên của năm nay.

Khối lượng tăng trong tháng 5 và tháng 6 năm nay, thông qua sà lan trên sông Danube từ các cảng sông Ukraine.

Brussels sẽ xử lý yêu cầu gia hạn như thế nào?

Vào ngày 19/7/2023, năm quốc gia đã kêu gọi kéo dài lệnh cấm ít nhất cho đến cuối năm nay. Brussels sẽ xem xét lệnh cấm vào đầu tháng 9 năm nay, có tính đến kết quả thu hoạch, khả năng lưu trữ và tình hình của các nước thứ ba về khả năng tiếp cận ngũ cốc.

Ba Lan, quốc gia có lịch bầu cử vào tháng 10 hoặc tháng 11, đã tuyên bố sẽ không mở cửa biên giới vào ngày 15/9, làm gia tăng áp lực lên Brussels để gia hạn các biện pháp bảo vệ.

Trong khi đó, Litva đã yêu cầu Ủy ban châu Âu phát triển một tuyến đường vận chuyển ngũ cốc Ukraine qua các cảng Baltic. Năm cảng của Litva, Latvia và Estonia có tổng năng lực xuất khẩu ngũ cốc là 25 triệu tấn.

Nhưng câu hỏi chính được đặt ra là khả năng kinh tế của các tuyến đường bộ thay thế, được gọi là "hành lang đoàn kết".

Ukraine ước tính chi phí bổ sung của tuyến đường quá cảnh EU là 30-40 USD/tấn. Theo Viorel Panait, giám đốc điều hành cảng Comvex, quá cảnh bằng đường bộ qua Ba Lan đắt hơn 37 euro/tấn so với quá cảnh qua cảng Constanta của Romania.

Anh Thư

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/lenh-cam-nhap-khau-ngu-coc-cua-trung-au-tac-dong-len-ukraine-nhu-the-nao-691288.html