Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải "đứng bên bờ vực sống còn "nếu Moskva đưa ra phản ứng cứng rắn nhằm đáp trả lệnh cấm vận dầu mỏ Nga mà phương Tây dự kiến sớm triển khai.
Các nước EU đang chuẩn bị đưa ra gói trừng phạt thứ 5 nhằm vào Nga, đồng thời họ đang xem xét khả năng cấm nhập khẩu dầu của Nga. Theo Reuters, Brussels đang cân nhắc bước đi này vì "Nga không thay đổi hướng đi đối với Ukraine".
Giới truyền thông cũng biết về việc các nước Baltic nhất quyết áp dụng lệnh cấm vận dầu mỏ Nga. Trong khi đó, Đức cảnh báo về những bước đi vội vàng nhất là khi giá năng lượng ở châu Âu đã quá cao.
Theo ông Igor Yushkov - chuyên gia hàng đầu của Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia, ngay cả khi các nước EU không ngại từ bỏ dầu mỏ của Nga, họ sẽ không thể làm điều đó nhanh chóng như Mỹ.
Thực tế là khối lượng dầu Nga cung cấp cho châu Âu và nguồn từ Mỹ là khác xa nhau và Brussels sẽ phải tìm kiếm một loại dầu thay thế tương đương trong một thời gian dài. Ngoài ra, lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ ngay lập tức khiến giá nhiên liệu tăng mạnh, khiến người tiêu dùng EU phải hứng chịu.
“Lệnh cấm vận sẽ đi kèm với sự gián đoạn nguồn cung. Đối với người dân châu Âu, điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu và tăng giá trên phạm vi toàn cầu".
"Chúng ta có thể thấy giá ở mức 150 USD một thùng. Người dân châu Âu sẽ bắt đầu phản đối nhiên liệu đắt đỏ". Ông Igor Yushkov dự báo điều này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng đang nóng bỏng tại châu Âu.
Theo vị chuyên gia kinh tế, Nga cũng có những rủi ro nhất định trong trường hợp bị cấm vận dầu mỏ. Moskva sẽ cần tìm kiếm các thị trường thay thế và đưa ra chương trình giảm giá cho những người mua mới.
Tuy nhiên những chi phí như vậy sẽ giúp Liên bang Nga có quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt trả đũa, có thể khiến châu Âu không chỉ thiếu hụt dầu, mà còn cả than, và quan trọng hơn là khí đốt.
“Nga có thể nói: Vì bạn không muốn mua dầu của chúng tôi, nên chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt cho bạn. Đây là biện pháp trừng phạt trả đũa. Sau đó, sẽ có một sự sụp đổ lớn hơn nhiều của nền kinh tế châu Âu và thế giới”, nhà kinh tế học này lập luận.
Như ông Yushkov giải thích, nếu việc thay thế các nhà cung cấp dầu cho châu Âu chỉ là gánh nặng về thời gian và giá cả tăng lên, thì trong trường hợp khí đốt, mọi thứ phức tạp hơn nhiều. Thực tế là EU - như chuyên gia lưu ý, không thể tìm ra giải pháp thay thế.
Do đó, trong trường hợp Liên bang Nga áp dụng các biện pháp trả đũa khắc nghiệt như trên, Liên minh châu Âu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.
Trong điều kiện như vậy, điện ở châu Âu sẽ phải được "phân phối thủ công" , thậm chí người dân châu Âu còn phải làm quen với tình trạng cắt điện luân phiên như ở các nước kém phát triển.
"Đúng như vậy, thiếu điện không phải là điều tồi tệ nhất mà người dân châu Âu có thể gặp trong trường hợp xuất hiện lệnh cấm vận dầu mỏ và các lệnh trừng phạt trả đũa của Nga", ông Yushkov nhấn mạnh.
Thực tế là các nước EU sẽ không thể chuẩn bị cho mùa đông nếu họ mất nhà cung cấp khí đốt và than đá chính, trong khi nguồn thay thế từ Mỹ hay Trung Đông thiếu dồi dào và giá cao hơn nhiều so với Nga.
Giờ đây, châu Âu đang bước ra khỏi mùa nóng với lượng khí đốt dự trữ thậm chí còn nhỏ hơn một năm trước. Đồng thời, các quốc gia có kế hoạch bơm thêm nhiên liệu trong thời gian ngắn hơn so với năm ngoái.
“Nếu vào năm 2021, các nước EU lấp đầy 74% kho dự trữ vào tháng 11, thì bây giờ họ muốn 90% vào tháng 10. Làm thế nào để thực hiện điều này trong trường hợp không có nhà cung cấp chính"?
"Nếu không có khí đốt thì chỉ cấp nhiệt cho trường học, bệnh viện, nhà trẻ và dân cư, sau đó cần giảm nhiệt độ trong nhà từ 22 độ xuống 15 độ. Đây không phải là một tình huống sinh tồn bình thường”, ông Yushkov nói.
Theo chuyên gia này, ngày nay người dân châu Âu chưa sẵn sàng cho một kịch bản khủng khiếp như vậy, cho nên vấn đề đưa ra lệnh cấm vận dầu mỏ Nga nhiều khả năng vẫn chỉ ở mức thảo luận.
Hơn nữa, Nga sẽ có thể tìm thấy các thị trường thay thế cho dầu xuất sang châu Âu, chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.
Bạch Dương