Lệnh ngừng bắn 24 giờ ở Sudan: Không nghe thấy tiếng súng, một ngày 'hoàn toàn khác'
Cư dân thủ đô Khartoum của Sudan cho biết giao tranh tại đây đã tạm lắng trong ngày 10/6 sau khi quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự nhất trí với lệnh ngừng bắn trong vòng 24 giờ.
Thủ đô Khartoum của Sudan trở nên yên ắng sau khi bắt đầu lệnh ngừng bắn kéo dài 24 giờ. Hamed Ibrahim, một người dân sống ở phía Đông Khartoum cho biết, kể từ khi xung đột nổ ra, đây là "lần đầu tiên nhiều giờ trôi qua mà chúng tôi không nghe thấy tiếng súng. Hôm nay hoàn toàn khác".
Tại một khu chợ ở Khartoum, người dân khẩn trương mua trái cây và những hàng hóa cơ bản khác.
Mohamad Radwan, một trong những người mua sắm, chia sẻ: “Thỏa thuận ngừng bắn là cơ hội để chúng tôi có được một số nguồn cung thực phẩm sau khi chúng tôi chỉ sống với số lượng hạn chế trong những ngày gần đây".
Trong khi đó, nhân viên xe buýt Ali Issa cho biết nhiều người đang tận dụng thời điểm này để rời khỏi thủ đô trước khi lệnh ngừng bắn mới nhất hết hiệu lực vào 6h sáng 11/6, giờ địa phương (13h chiều cùng ngày, giờ Việt Nam).
Tại Tây Darfur, một trong những khu vực nổ ra xung đột, chưa ghi nhận thông tin về việc tuân thủ lệnh ngừng bắn.
Giao tranh đã nổ ra ở Sudan kể từ giữa tháng Tư, khi chỉ huy quân đội Tướng Abdel Fattah al-Burhan và cựu cấp phó của ông là Tướng Mohamed Hamdan Daglo - chỉ huy RSF quay lưng lại với nhau.
Từ đó đến nay, nhiều thỏa thuận ngừng bắn đã được thống nhất, song cũng sớm bị phá vỡ. Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cả hai nhân vật trên sau khi thỏa thuận ngừng bắn gần nhất đổ vỡ vào cuối tháng trước.
Theo thống kê của tổ chức phi lợi nhuận Armed Conflict Location and Event Data Project, kể từ khi bùng phát giao tranh đến nay, khoảng 1.800 người đã thiệt mạng. Trong khi đó, Liên hợp quốc cho biết gần 2 triệu người phải sơ tán, trong đó 476.000 người đã tìm nơi nương náu tại các quốc gia láng giềng.
Giao tranh đã khiến dự trữ lương thực, tiền và các nhu yếu phẩm khác nhanh chóng cạn kiệt. Các vụ cướp phá xảy ra tại các ngân hàng, đại sứ quán, cơ quan hỗ trợ và cả các nhà thờ.
Các tổ chức cứu trợ cho biết không thể cung cấp hỗ trợ tại Khartoum, do không có sự đảm bảo an ninh và sự di chuyển an toàn cho nhân viên.