Lệnh trừng phạt của Mỹ có gây ra khủng hoảng hàng không Iran?
Các lệnh trừng phạt của Mỹ sau hàng chục năm đã tác động lớn đến ngành hàng không Iran, ngăn chặn quốc gia Hồi giáo này được mua các máy bay mới hay tiếp cận các linh kiện, phụ tùng để bảo trì phi đội bay có xuất xứ Mỹ.
Ngày 19/5, chiếc trực thăng Bell 212 do Mỹ sản xuất và có tuổi đời lên tới hàng chục năm đã gặp nạn khi chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian và 7 người khác. Vụ việc khiến toàn bộ hành khách trên chuyến bay thiệt mạng. Cho đến nay, Iran vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời chính thức nào về nguyên nhân vụ tai nạn trực thăng. Quân đội Iran đã ra lệnh điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Đây là vụ tai nạn mới nhất trong danh sách hàng loạt sự cố hàng không xảy ra tại Iran.
Những tai nạn hàng không lớn nhất của Iran
Theo cơ quan lưu trữ thông tin các vụ tai nạn máy bay (B3A) có trụ sở tại Geneve (Thụy Sĩ), từ năm 1979 đến năm 2023, Iran đã chứng kiến 253 vụ tai nạn máy bay, khiến 3.335 người thiệt mạng.
Ngày 21/1/1980, một chiếc Boeing 727-100 của hãng hàng không Iran Air vận hành đã đâm vào một ngọn núi ở dãy Alborz, Tehran, khiến toàn bộ 128 người thiệt mạng. Nguyên nhân của vụ tai nạn được xác định là do hệ thống hạ cánh bằng thiết bị (ILS) không hoạt động và tầm nhìn hạn chế vào ban đêm và thời tiết. Vụ việc xảy ra ngay sau khi các nhân viên kiểm soát không lưu Iran kết thúc một cuộc đình công.
Ngày 3/11/1986, một chiếc máy bay Lockheed C-130 Hercules do Lực lượng Không quân Iran vận hành đã lao vào sườn núi ở tỉnh Sistan và Baluchistan, khiến 103 người thiệt mạng, bao gồm 96 quân nhân. Theo các chuyên gia, lỗi trong máy đo độ cao máy bay có thể là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.
Ngày 13/6/1988, một chiếc Airbus 300 của hãng Iran Air đã bị trúng tên lửa do tàu tuần dương Hải quân Mỹ USS Vincennes bắn tại Đảo Qeshm. Con tàu này đã nhầm chiếc máy bay dân sự là máy bay quân sự. Đây là vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất trong lịch sử Iran khi tất cả 290 người trên máy bay đều thiệt mạng.
Ngày 12/2/2004, một chiếc Tupolev TU-154 của hãng Iran Airtour đã đâm vào sườn núi ở huyện Khorramabad, tỉnh Lorestan. Vụ tai nạn xảy ra khi phi hành đoàn không nhận ra rằng máy bay đã đi chệch hướng, khiến toàn bộ 119 người trên máy bay thiệt mạng, bao gồm 4 công dân Tây Ban Nha. Việc thiếu tầm nhìn do thời tiết được cho là yếu tố gây ra vụ việc.
Ngày 19/2/2003, một chiếc Ilyushin II-76 do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vận hành đã đâm vào một ngọn núi ở gần sân bay Kerman khi hạ cánh, khiến 168 người thiệt mạng. Nguyên nhân vụ tai nạn được cho là do máy bay gặp một số lỗi kỹ thuật như bộ phận động cơ bị hỏng, đường ống thủy lực và nhiên liệu bị đứt.
Ngày 8/1/2020, một chiếc Boeing 737-800 do hãng hàng không Ukraine International Airlines vận hành đã bị hai tên lửa bắn hạ chỉ vài phút sau khi cất cánh ở Sabashahr, thủ đô Tehran. Vụ việc khiến 176 người trên máy bay thiệt mạng. Chính phủ Iran cho biết vụ tai nạn là “lỗi của con người”, vì chiếc máy bay bị nhầm là “mục tiêu thù địch”.
Ngành hàng không Iran chịu tác động như thế nào bởi các lệnh trừng phạt?
Theo Al Jazeera, đã 45 năm trôi qua kể từ khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đầu tiên đối với Iran, nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này đã chịu ảnh hưởng sâu rộng, đặc biệt các hãng hàng không là bên hứng chịu tác động lớn nhất.
Hàng loạt các biện pháp trừng phạt khác từ bên ngoài đối với Iran kể từ sau Cách mạng Hồi giáo 1979, cũng như chương trình hạt nhân, đã khiến quốc gia này gặp khó khăn trong việc nhập khẩu các máy bay mới, cũng như tiếp cận các bộ phận, linh kiện máy bay.
Trọng tâm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành hàng không Iran đó là lệnh cấm Tehran nhập khẩu bất kỳ máy bay hoặc thiết bị máy bay nào được sản xuất với hơn 10% linh kiện của Mỹ. Điều này đã loại trừ một cách hiệu quả khả năng Iran mua máy bay hoặc trực thăng mới của phương Tây, cũng như khiến quốc gia Hồi giáo gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các bộ phận cần thiết để bảo trì các đội bay cũ kỹ của mình.
Trong những năm 1980, 1990 và đầu những năm 2000, số vụ tai nạn máy bay chết người tại Iran tăng vọt. Theo Viện Washington về Chính sách Cận Đông, tính đến tháng 4/2019, 23 hãng hàng không Iran đang vận hành 156 máy bay trong tổng số 300 chiếc. Điều này cho thấy gần một nửa số máy bay của quốc gia này không thể bay vì phải chờ thay thế phụ tùng.
Nhu cầu sửa chữa máy bay thường xuyên cũng đã làm tăng giá vé máy bay ở Iran và gây căng thẳng kinh tế cho các công ty sản xuất máy bay nhỏ hơn. Ông Mohammad Mohammadi-Bakhsh - người đứng đầu Tổ chức Hàng không Dân dụng Iran (CAO), nói với hãng tin Fars vào năm 2022 rằng, máy bay tại nước này không thể gửi ra nước ngoài để sửa chữa, trong khi nhân lực chuyên gia trong nước cũng hạn chế.
Năm 2015, Thỏa thuận hạt nhân Iran với tên chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) đã được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức). Trong đó, Tehran đã đồng ý ngừng sản xuất các vật liệu có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí hạt nhân. Đổi lại, các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực hàng không của Iran được nới lỏng, cho phép nước này mua máy bay từ các nhà sản xuất nước ngoài như Airbus và Boeing.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt này đã được tái áp đặt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2018, sau khi Washington rời bỏ thỏa thuận hạt nhân.
Theo Viện Washington về Chính sách Cận Đông, khoảng thời gian ngắn ngủi được dỡ bỏ lệnh trừng phạt không đủ để giúp ích cho Iran. Mặc dù Tehran đã đặt mua hơn 200 máy bay từ các nhà sản xuất phương Tây, nhưng nước này mới chỉ nhận được 3 máy bay phản lực Airbus và 13 động cơ phản lực cánh quạt ATR trước khi bị ông Trump trừng phạt trở lại.