Lệnh trừng phạt của phương Tây tạo ra 'cơ hội mới' cho Nga

Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Năm cho biết Nga đã chống chọi lại áp lực của phương Tây nhằm làm tê liệt tăng trưởng kinh tế của nước này, thậm chí Moscow giờ đây đã trở nên mạnh mẽ hơn.

Mỹ và các đồng minh lần đầu tiên đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại nước này vào năm 2014 để đáp trả các sự kiện ở Crimea. Bán đảo này trở thành một phần của Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý, sau khi khu vực này từ chối ủng hộ cuộc đảo chính lật đổ Chính phủ dân cử của Ukraine.

Sau đó, các nước phương Tây đã gia tăng áp lực đáng kể kể từ tháng 2/2022, áp đặt những hạn chế khắc nghiệt sau hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.

 Ảnh: Getty Images.

Ảnh: Getty Images.

“Những gói trừng phạt - cả sau năm 2014 và hiện tại - được áp đặt lên chúng tôi từ bên ngoài đã kích thích sự phát triển. Đúng, trong một số trường hợp, họ đã khiến chúng tôi hạn chế, tuy nhiên trong những trường hợp khác, những cơ hội mới vẫn xuất hiện với đất nước Nga”, ông Putin nhấn mạnh.

Hồi đầu tuần này, Tổng thống Putin cũng tiết lộ GDP của nước này đã hồi phục về mức trước khi bị áp dụng các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine. Đồng thời ông nhấn mạnh điều quan trọng là phải tạo điều kiện để phát triển ổn định và lâu dài hơn nữa cho đất nước.

Chính phủ Nga duy trì triển vọng tích cực cho nền kinh tế. Thủ tướng Mikhail Mishustin dự đoán rằng đến năm 2024, Nga sẽ có khả năng vượt qua các nước phát triển khác về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Theo nhiều nguồn tin, các lệnh trừng phạt đến nay chưa thể hạ gục kinh tế Nga, khi xứ bạch dương duy trì nguồn thu lớn từ xuất khẩu, còn chính sách phương Tây vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Ngày 18/9, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố nền kinh tế Nga đã phục hồi hoàn toàn sau thời gian chống chịu áp lực trừng phạt chưa từng có từ phương Tây.

"Có thể nói rằng giai đoạn phục hồi nền kinh tế Nga đã hoàn thành. Chúng ta đã trụ vững trước áp lực bên ngoài, với những lệnh cấm vận không ngừng nghỉ từ giới lãnh đạo phương Tây và một số quốc gia không thân thiện", ông nói khi dự cuộc họp về dự thảo ngân sách liên bang giai đoạn 2024-2025.

Trong khi đó, cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) từng dự báo GDP Nga sẽ suy giảm trong năm nay. Tuy nhiên, trong báo cáo công bố hồi tháng 8, hai tổ chức này đã cùng nâng dự báo về nền kinh tế Nga, cho hay GDP nước này tăng trưởng 1,2% và có thể đạt mức 2,5-2,8% vào cuối năm.

Bất chấp các lệnh trừng phạt, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của Moscow cũng ghi nhận đà tăng trưởng tốt, chủ yếu được củng cố bởi thương mại và sản xuất công nghiệp mạnh mẽ, cũng như doanh thu năng lượng cao hơn dự kiến.

Báo cáo Tài sản Toàn cầu hồi tháng 8 của Ngân hàng Liên minh Thụy Sĩ (UBS) cũng nhận định, trong năm 2022, người Nga đã tăng thêm 600 tỷ USD tài sản, trong khi Mỹ và các đồng minh châu Âu mất hàng nghìn tỷ USD.

Số lượng triệu phú Nga cũng tăng thêm khoảng 56.000 người, lên 408.000 trong giai đoạn này. Lượng người siêu giàu hoặc những người có tài sản ròng hơn 50 triệu USD của Nga tăng hơn 4.500.

Trong khi đó, khoảng một triệu người đã không còn là triệu phú tại Mỹ vào cuối năm 2022, báo cáo cho biết. Trong giai đoạn này, nền kinh tế Mỹ thiệt hại 5,9 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chiếm tới 50% tổng số triệu phú toàn cầu.

Thông tin này có thể khiến các nhà hoạch định chính sách phương Tây thất vọng, những người từng tin rằng loạt biện pháp trừng phạt quyết liệt chưa từng có của họ sẽ làm tê liệt nền kinh tế Nga, giáng một đòn mạnh vào các tài phiệt giàu nhất nước này, cũng như giảm nguồn thu của Moskva cho chiến dịch tại Ukraine.

Trong báo cáo, UBS cho biết Nga nằm trong số ít quốc gia có xu hướng gia tăng tạo ra của cải trong năm 2022, dù đây là thời kỳ Nga phải dốc nguồn lực cho chiến sự tại Ukraine.

Điệp Nguyễn (Theo RT, Bloomberg, FT)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lenh-trung-phat-cua-phuong-tay-tao-ra-co-hoi-moi-cho-nga-post265784.html