Leo thang căng thẳng quan hệ Mỹ-Triều Tiên
Nhiều chuyên gia nhận định ngay những ngày đầu năm mới 2020, quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với Triều Tiên có thể sẽ biến chuyển rất quan trọng. Ngày càng nhiều lo ngại về nguy cơ căng thẳng bắt đầu bùng phát trở lại bởi hàng loạt dấu hiệu từ cả CHDCND Triều Tiên và Mỹ.
Căng thẳng rồi dẫn tới đối đầu là điều được dự báo. Song, không ai đoán được mức độ sẽ đi tới đâu mà thôi.
Quan hệ bị phá vỡ
Các chuyên gia nhận định, Bán đảo Triều Tiên một lần nữa xuất hiện xu thế căng thẳng. Biểu hiện cụ thể là gần đây vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đang “nóng dần”, cùng với đó là sự thay đối thái độ khó hiểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến tình hình bán đảo Triều Tiên xấu đi nhanh chóng.
Ngay sau khi có thông tin cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy CHDCND Triều Tiên đang khởi động lại chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8-12 cảnh cáo nhà lãnh đạo Kim Jong-un không nên áp dụng hành vi thù địch, nếu không sẽ mất tất cả. Sau đó, ngày 9-12, máy bay trinh sát của Mỹ áp sát Bán đảo Triều Tiên nhằm theo dõi mọi động thái quân sự của CHDCND Triều Tiên.
Cố vấn an ninh Nhà Trắng Robert O'brien nêu rõ, nếu như CHDCND Triều Tiên đi ngược lại cam kết phi hạt nhân hóa, Mỹ sẽ có rất nhiều phương thức đáp trả. Trong khi đó CHDCND Triều Tiên tuyên bố đã không còn gì để mất, kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump không nên tiếp tục có những hành động và phát ngôn khiêu khích.
Trên tài khoản cá nhân Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: “Kim Jong-un rất tỉnh táo, nếu như ông ấy có hành vi thù địch, ông ấy sẽ mất đi rất nhiều thứ, trên thực tế ông ấy sẽ mất tất cả”. Tuy nhiên, ông Trump cũng bày tỏ, dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un, CHDCND Triều Tiên có tiềm năng kinh tế rất lớn nhưng trước hết cần thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa và nhấn mạnh đây là nhận thức chung của NATO, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, thậm chí là toàn cầu.
Ông Trump còn nêu rõ, năm 2018 tại Singapore đã ký kết với ông Kim Jong-un một bản thỏa thuận mạnh mẽ về phi hạt nhân hóa, đồng thời cảnh báo nhà lãnh đạo Kim Jong-un không được phá vỡ quan hệ đặc biệt giữa hai bên hoặc can dự vào bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11-2020.
Mạng xã hội Aircraft Sports, chuyên theo dõi động thái máy bay quân sự của Mỹ, cho biết ngày 9-12 một máy bay trinh sát RC135W của Không quân Mỹ đã bay qua không phận Hàn Quốc. Trên thực tế từ cuối tháng 11, Mỹ đã nhiều lần điều động các loại máy bay trinh sát khác nhau bay trên không phận Bán đảo Triều Tiên.
Cùng ngày 9-12, lực lượng quân sự Mỹ tại Nhật Bản đã cùng với Lực lượng Tự vệ trên đất liền (lục quân) của Nhật Bản tổ chức diễn tập tác chiến sở chỉ huy liên hợp trên sa bàn máy tính với sự tham gia của hơn 6.600 binh sĩ, mô phỏng tác chiến đối phó với các cuộc tấn công phức hợp như tấn công du kích thành phố, tấn công mạng và tấn công sóng điện từ. Trong khi đó CHDCND Triều Tiên tuyên bố đã tiến hành thử nghiệm “vô cùng quan trọng” tại căn cứ phóng vệ tinh Sohae, một căn cứ gắn liền với chương trình nghiên cứu phát triển tên lửa vượt đại châu của CHDCND Triều Tiên.
Những bức ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy, tại căn cứ phóng vệ tinh Sohae có dấu tích của một cuộc thử nghiệm tên lửa, Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành hợp tác để phân tích. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, nước này đang theo dõi mọi động thái tại các căn cứ quân sự chủ yếu của Triều Tiên.
Hạn chót cận kề
Trong động thái mới nhất, Hãng thông tấn Trung ương CHDCND Triều Tiên KCNA ngày 22-12 đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã triệu tập một cuộc họp mở rộng của Quân ủy Trung ương đảng Lao động Triều Tiên trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là đến hạn chót Bình Nhưỡng đặt ra cho Washington về hồ sơ hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương đã trao đổi với các tướng lĩnh quân đội về các biện pháp, phương tiện tăng cường sức mạnh quân sự và hướng đi của CHDCND Triều Tiên. Ông Kim Jong-un đặc biệt đề cập đến phòng thủ quốc gia và khả năng quân sự để tự vệ. Theo hãng tin Kyodo, cuộc họp mở rộng này diễn ra trước thềm một cuộc họp Quân ủy Trung ương rất quan trọng mà Bình Nhưỡng đã lên kế hoạch tổ chức vào cuối tháng này, nhằm quyết định "những vấn đề quan trọng" phù hợp với "tình hình thay đổi trong và ngoài nước".
Theo suy đoán của Hãng tin AP, cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh xuất hiện những đồn đoán rằng CHDCND Triều Tiên có thể sẽ từ bỏ các hoạt động ngoại giao với phía Mỹ và tiến hành một vụ thử tên lửa tầm xa hoặc một vụ phóng tên lửa mang vệ tinh, nếu Washington không chấp nhận yêu cầu của Bình Nhưỡng về việc Mỹ cần tạo ra những động cơ mới để cứu vãn các cuộc đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ với hạn chót là cuối năm nay.
Hãng tin AP trích lại tin của KCNA cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng cuộc gặp này sẽ quyết định "những biện pháp chính trị quan trọng và các bước đi quân sự để tăng cường sức mạnh tổng thể của các lực lượng vũ trang...".
Tại Washington, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donlad Trump đã thảo luận về "những tuyên bố gần đây" của CHDCND Triều Tiên trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Một bước tiến mới khó lường hơn của Mỹ với CHDCND Triều Tiên dường như sắp diễn ra khi nhìn lại cả quá trình. Có thể thấy rõ, dù vô tình hay cố ý, Tổng thống Mỹ Donald Trump - người đã áp dụng một chiến lược có vẻ thiết thực với CHDCND Triều Tiên hồi đầu năm 2018 bằng cách tập trung vào phát triển mối quan hệ cá nhân giữa bản thân ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Ông Trump đã xoa dịu những căng thẳng leo thang từng bao trùm mối quan hệ Mỹ-Triều trong suốt năm 2017. Cho đến gần đây, chiến lược của ông Trump có vẻ cũng tiến triển tốt. Những căng thẳng Mỹ-Triều đã được xoa dịu và ông Kim tạm thời đã hạn chế việc phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, sự việc đang hứa hẹn "vượt" khỏi tầm kiểm soát khi ông Kim từng hứa hẹn sẽ trao một món quà Giáng Sinh cho Mỹ để cảnh báo về sự thất vọng ngày càng lớn của ông và báo hiệu rằng ông sẽ không chấp nhận những điều vô nghĩa thay vì những sự nới lỏng trừng phạt nữa. Và rõ ràng, khi khi năm mới đến, ông Trump sẽ cần tìm ra và theo đuổi một chiến lược hoàn toàn mới với vấn đề Triều Tiên.
Bầu trời đang sụp đổ
Trong câu chuyện cổ dân gian Đan Mạnh "Chú gà nhỏ", có một câu nói hàm ý tương tự là “Bầu trời đang sụp đổ”, một lời ẩn dụ cho việc thảm họa đang ập xuống. Và sự sụp đổ của các cuộc đối thoại giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên thực sự cũng đang mang lại cảm giác này. Các chuyên gia nhận định, nếu thực sự có một vụ trời sập thì chính là do Mỹ gây ra.
Hầu hết các ý tưởng đang nổi lên thời gian gần đây đều cho thấy những đề xuất mới lớn hơn, tốt hơn cho CHDCND Triều Tiên. Tại Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc và Nga đã đề nghị dỡ bỏ một lệnh cấm vận áp dụng với các mặt hàng xuất khẩu hải sản và vải dệt của CHDCND Triều Tiên, đồng thời nới lỏng những hạn chế đối với các dự án cơ sở hạ tầng và với người lao động Triều Tiên ở nước ngoài.
Chuyên gia Jessica Lee thuộc Viện Quincy gợi ý rằng “Mỹ nên đề xuất sự nới lỏng trừng phạt một phần, tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên và đề nghị mở một văn phòng liên lạc tại Bình Nhưỡng để trao đổi những bước đi cụ thể mà CHDCND Triều Tiên sẽ thực hiện để đình chỉ mọi hoạt động liên quan đến vũ khí hạt nhân trong một giai đoạn kéo dài 12 tháng”. Trước thực tế rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đã gạt bỏ đề xuất của Trung Quốc và Nga, những ý kiến của chuyên gia Lee khó có thể nhận được nhiều ủng hộ.
Mặt khác, chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể nhận ra rằng một thỏa thuận hạt nhân với CHDCND Triều Tiên sẽ là bất khả thi. Không chỉ bởi nước này mới đây đã yêu cầu Đặc sứ Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun về nước, từ chối đối thoại với ông mà còn vì những vụ thử tên lửa gần đây và các hoạt động xây dựng xung quanh các khu vực nhạy cảm ở trong nước này đã khiến Nhà Trắng nhận ra rằng CHDCND Triều Tiên đang gấp rút theo đuổi cả các chương trình hạt nhân lẫn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của họ. Căng thẳng gia tăng đến mức nguy hiểm trong quan hệ ngoại giao Mỹ-Triều.
Theo hãng tin Yonhap, căng thẳng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên đang leo thang tới mức nguy hiểm khi CHDCND Triều Tiên tiến hành thêm các vụ thử đáng lo ngại, còn Tổng thống Mỹ cảnh báo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể mất "mọi thứ" khi có các hành động thù địch. Vụ thử mới nhất hồi đầu tháng 12 (có thể là một động cơ tên lửa) khiến người ta lo ngại rằng CHDCND Triều Tiên sẽ phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nếu Mỹ bỏ lỡ thời hạn cuối năm nay mà ông Kim Jong-un đã đặt ra cho Washington khi Mỹ không đưa ra được một đề xuất mới. Một vụ phóng ICBM, hành động gây ra mối đe dọa trực tiếp tới Mỹ, có thể làm hỏng các nỗ lực ngoại giao cá nhân giữa ông Trump và Kim Jong-un trước khi diễn ra chiến dịch tái tranh cử chính thức của ông Trump.
Ông Park Won-gon, giáo sư chính trị quốc tế của trường Đại học Toàn cầu Handong, bình luận: CHDCND Triều Tiên rõ ràng báo hiệu rằng vụ thử mới nhất tại trạm phóng vệ tinh Sohae có thể là một khúc dạo đầu cho một vụ thử ICBM. Vụ thử ICBM mới có thể làm cho các hoạt động ngoại giao hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng trở về con số 0.
Các chuyên gia bày tỏ lo ngại về sự leo thang căng thẳng gần đây giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Vipin Narang, giáo sư chính trị học tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), phát biểu: "Sự việc là rất đáng ngại, tôi khá lo ngại rằng căng thẳng giữa hai bên trong năm tới có thể lên đến đỉnh điểm như năm 2017... không có hoạt động ngoại giao nào".
"Mối tơ vò" Đông Bắc Á
Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn hy vọng CHDCND Triều Tiên sẽ không chọn cách phá vỡ tiến trình đối thoại. Chính vì lý do này, ngày 22-12, các nguồn tin ngoại giao Mỹ cho biết trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ đình trệ cũng như CHDCND Triều Tiên có nhiều động thái mới, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến sẽ sớm tổ chức cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cuộc gặp có thể diễn ra tại San Francisco vào trung tuần tháng 1-2020, là nhằm đảm bảo các nước này có thể phản ứng nhanh với những hành động bất ngờ của CHDCND Triều Tiên.