Leo thang cuộc chiến Tổng thống Trump - WHO

Cuộc chiến giữa Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xung quanh đại dịch Covid-19 lại tiếp tục bùng lên khi Tổng thống Donald Trump ngày 18-5 (giờ địa phương) lại cảnh báo Washington tạm thời đóng băng quỹ tài trợ cho WHO và xem xét rút khỏi tổ chức này.

Cuộc chiến giữa Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xung quanh đại dịch Covid-19 lại tiếp tục bùng lên khi Tổng thống Donald Trump ngày 18-5 (giờ địa phương) lại cảnh báo Washington tạm thời đóng băng quỹ tài trợ cho WHO và xem xét rút khỏi tổ chức này.

Covid-19 đã giết chết hơn 315.000 người trên toàn thế giới và gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Covid-19 đã giết chết hơn 315.000 người trên toàn thế giới và gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Tối hậu thư 30 ngày

Trong bức thư gửi Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, được đăng tải trên Twitter, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Nếu WHO không cam kết có những cải thiện thực chất đáng kể trong vòng 30 ngày tới, tôi sẽ tạm thời đóng băng quỹ viện trợ trong thời gian dài và xem xét lại tư cách thành viên của chúng tôi tại tổ chức này”.

Từ giữa tháng 4, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ tạm ngừng tài trợ cho WHO, với lý do rằng, cách thức giải quyết đại dịch Covid-19 của tổ chức này chưa phù hợp và “quá nghe lời Trung Quốc”. Ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố sẽ sớm đưa ra quyết định về việc tài trợ cho WHO và nhà lãnh đạo này đã xem xét giảm mức tài trợ của Mỹ cho WHO xuống còn 40 triệu USD thay vì là nhà tài trợ lớn nhất như hiện tại với khoản tiền lên đến 450 triệu USD/năm (chiếm khoảng 15% ngân sách của WHO). Tổng thống Mỹ tiếp tục tố cáo “WHO là con rối của Trung Quốc”, “lấy Trung Quốc là trung tâm” và tổ chức này "đã đưa ra nhiều khuyến cáo chưa tốt, thậm chí là kinh khủng" mặc dù bên sai lầm nhiều nhất và chủ yếu là Trung Quốc.

Quyết định của ông Trump gây ra những phản ứng trái chiều ở Mỹ, và vấp phải sự phản đối của phe Dân chủ. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho rằng, việc Mỹ chấm dứt tài trợ trong khi WHO đang dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch là việc làm vô nghĩa. Trong khi đó, Phòng Thương mại Mỹ nhận định, quyết định của Tổng thống Trump không phục vụ lợi ích cao nhất của đất nước. Hiệp hội Y khoa Mỹ cũng đánh giá đây là bước đi nguy hiểm, đồng thời, hối thúc nhà lãnh đạo Mỹ xem xét lại vấn đề này.

Động thái của ông Trump được đưa ra vài giờ sau khi Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar chỉ trích thất bại của WHO trước cuộc họp Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA). Tại cuộc họp, ông Azar cho rằng, sai lầm của WHO làm chết nhiều người và đòi hỏi trách nhiệm đối với tổ chức này. Theo ông Azar, các nước đang tập trung đối phó với đại dịch và cần một WHO hiệu quả hơn ngay bây giờ để thắng cuộc chiến.

WHO phản ứng như thế nào?

WHO cho biết sẽ đưa ra một đánh giá độc lập về phản ứng đối với đại dịch Covid-19. Theo BBC, Tổng giám đốc WHO trước đó đã đồng ý sẽ thúc đẩy tiến trình đánh giá độc lập về quy trình ứng phó với đại dịch của cơ quan này vào “thời điểm thích hợp sớm nhất”.

“Tôi sẽ bắt đầu đánh giá độc lập vào thời điểm thích hợp sớm nhất để xem xét bài học kinh nghiệm, đồng thời đưa ra các khuyến nghị để cải thiện sự chuẩn bị và ứng phó với đại dịch toàn cầu”, ông nói. Tuy nhiên, theo ông, có một điều rất rõ ràng là “Thế giới không bao giờ giống nhau”. “Chúng tôi không cần đánh giá để nói rằng tất cả chúng ta phải làm mọi thứ trong khả năng để đảm bảo điều này không bao giờ xảy ra nữa”, Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh thêm.

Theo giới phân tích, việc Tổng thống Trump mở lại cuộc tấn công vào tổ chức toàn cầu này, đặc biệt với cáo buộc coi họ là “con rối của Trung Quốc” đang đẩy vấn đề đi xa hơn. Washington cũng đang bị nhốt trong một cuộc khẩu chiến ngày càng gay gắt với Bắc Kinh về đại dịch. Trong khi đó, một nghị quyết mà Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra đã kêu gọi “đánh giá khách quan, độc lập và toàn diện” về phản ứng quốc tế đối với đại dịch, đến nay đã lây nhiễm gần 4,8 triệu người và giết chết hơn 317.000 người.

Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres, nói tại hội nghị rằng, cuộc khủng hoảng Covid-19 là một “hồi chuông cảnh tỉnh”. “Các mối đe dọa chết người toàn cầu đòi hỏi một sự thống nhất và đoàn kết mới. Nhưng các quốc gia khác nhau đã theo các chiến lược khác nhau, đôi khi mâu thuẫn và tất cả chúng ta đều phải trả giá đắt”, ông Guterres tuyên bố. Người đứng đầu LHQ cho biết, nhiều quốc gia đã bỏ qua các khuyến nghị của WHO. “Do đó, virus đã lan rộng khắp thế giới và hiện đang di chuyển đến phía Nam toàn cầu, nơi mà tác động của nó có thể còn tàn khốc hơn”, Guterres cảnh báo.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_225058_leo-thang-cuoc-chien-tong-thong-trump-who.aspx