LHQ cảnh báo về dòng người di cư trong những tháng tới
Theo Phó Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Kelly Clements, Liên hợp quốc đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là có khoảng 500.000 người di cư từ Afghanistan sang các nước như Iran, Pakistan.
Ngày 27/8, Liên hợp quốc (LHQ) ước tính dòng người di cư từ Afghanistan có thể lên đến hơn 500.000 người vào cuối năm 2021 đồng thời kêu gọi các quốc gia láng giềng mở cửa biên giới đón nhận những người muốn đi lánh nạn.
Theo Phó Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Kelly Clements, Liên hợp quốc đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là có khoảng 500.000 người di cư từ Afghanistan sang các nước như Iran, Pakistan và các nước Trung Á trong 4 tháng tới.
Thời gian qua, cơ quan này chưa nhận thấy những đợt di cư lớn từ Afghanistan. Tuy nhiên tình hình tại Afghanistan đã diễn biến nhanh hơn dự kiến và dòng người di cư từ nước này sang Pakistan có dấu hiệu tăng nhẹ trong những ngày gần đây, trong khi có hàng nghìn người cũng đã chạy sang Iran những ngày qua.
Cùng ngày, các quan chức Liên hợp quốc cũng kêu gọi bổ sung 800 triệu USD cho nguồn quỹ hỗ trợ Afghanistan, trong đó một quan chức cảnh báo tình trạng tại quốc gia này đang rất “thảm hại” với ít nhất 1/3 dân số có thể sẽ rơi vào cảnh khốn cùng.
Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến, quan chức Wafaa Saeed Abdelatef từ Văn phòng LHQ về điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) cho biết Afghanistan đang rất cần hỗ trợ nhân đạo, trên quy mô lớn và ngày càng cấp bách.
Những nhu cầu hỗ trợ nhân đạo tại Afghanistan đã tồn tại trong suốt 2 thập kỷ xung đột và giờ trở nên cấp bách hơn do đại dịch COVID-19. Liên hợp quốc đã kêu gọi đóng góp 1,3 tỷ USD hỗ trợ nhân đạo cho 16 triệu người Afghanistan trong năm nay nhưng vẫn còn thiếu 800 triệu.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 27/8 cảnh báo các cơ sở chăm sóc y tế tại Afghanistan đang dần cạn kiệt nguồn lực và có thể sẽ sớm thiếu nhân viên y tế trong thời gian tới.
Các vụ đánh bom liều chết nhằm vào các đám đông bên ngoài sân bay Kabul ngày 26/8 đã khiến nhiều người thiệt mạng, càng chồng chất thêm khó khăn trong khâu hậu cần cho WHO để vận chuyển thiết bị y tế và thuốc thang đến Afghanistan.
Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO ở khu vực Trung Dông Rick Brennan cho biết cơ quan này chỉ còn nguồn cung đủ đáp ứng trong vài ngày và đang nghiên cứu mọi phương án để đưa thêm thuốc men tới quốc gia này. Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến, ông Brennan cho biết tình hình an ninh và hậu cần tại Afghanistan hiện đối mặt với rất nhiều áp lực, việc vận chuyển nguồn cung qua sân bay Kabul không thể thực hiện sau các vụ nổ.
Các vụ đánh bom, do tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, đã gây cảnh tượng kinh hoàng bên ngoài sân bay khi hàng nghìn người Afghanistan đang đổ về sân bay để tìm cách rời khỏi quốc gia này. Một đối tác của WHO vận hành một bệnh viện ở Kabul cho biết bệnh viện đã bị quá tải và gặp áp lực lớn về nguồn cung.
WHO đã cảnh báo về tình trạng thiếu nguồn cung y tế từ trước khi các vụ nổ xảy ra và chuẩn bị điều 3 máy bay vận chuyển hàng hóa tới nhưng các vụ nổ đã khiến kế hoạch này bị trì hoãn. Theo ông Brenan, hiện LHQ đang cân nhắc các phương án khác.
Hiện còn khoảng 2.200 cơ sở y tế tại Afghanistan mà WHO giám sát vẫn đang hoạt động. Tuy nhiên, nguy cơ thiếu nhân viên y tế lại gia tăng khi nhiều người đã tháo chạy khỏi đất nước. Bên cạnh đó, nhiều nhân viên y tế là phụ nữ giờ không dám đi làm vì lo sợ Taliban trừng phạt theo luật Hồi giáo khắt khe với nữ giới.
Ngày 27/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các vụ tấn công nhằm vào dân thường và những nhân viên hỗ trợ sơ tán./.