LHQ cùng lúc đối mặt 2 câu hỏi khó về ghế đại sứ của Myanmar, Afghanistan

Cả Myanmar và Afghanistan đều trải qua biến động chính trị, dẫn tới sự thay đổi chính quyền, ảnh hưởng tới ghế đại sứ của mỗi nước tại Liên Hợp Quốc.

Liên Hợp Quốc (LHQ) đang đứng trước áp lực phải xác định đâu là đại diện hợp pháp của Myanmar và Afghanistan tại tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh, hãng tin Reuters cho hay.

Myanmar: Chính quyền dân sự và quân sự cùng đòi quyền đại diện

Ngày 14-9, kỳ họp thứ 76 của Đại hội đồng LHQ sẽ bắt đầu. Phó Phát ngôn viên của Tổng Thư ký LHQ, ông Farhan Haq xác nhận rằng tổ chức này “đã nhận được hai bộ thông báo khác nhau” liên quan tới đại diện của Myanmar trong kỳ họp này.

Chính quyền quân sự Myanmar đã bổ nhiệm ông Aung Thurein, một cựu lãnh đạo quân đội, vào vị trí Đại sứ Myanmar tại LHQ. Trong khi đó, đại sứ do chính quyền dân sự (đã bị quân đội giải tán hồi tháng 2) là ông Kyaw Moe Tun đã yêu cầu LHQ gia hạn sự công nhận đối với mình.

Ông U Kyaw Tint Swe phát biểu tại kỳ họp thứ 75 của Đại hội đồng LHQ (năm 2020) với tư cách Bộ trưởng Văn phòng Cố vấn Nhà nước Myanmar. Ảnh: LHQ

Ông U Kyaw Tint Swe phát biểu tại kỳ họp thứ 75 của Đại hội đồng LHQ (năm 2020) với tư cách Bộ trưởng Văn phòng Cố vấn Nhà nước Myanmar. Ảnh: LHQ

Theo Reuters, quyết định sẽ không thể được đưa ra trong thời gian ngắn. Việc thẩm tra tư cách đại diện quốc gia các đại sứ sẽ được thực hiện theo các kỳ họp hàng năm, nhưng thường phải đến tháng 10 hoặc tháng 11 thì ủy ban thẩm tra - thường gồm đại diện của Mỹ, Trung Quốc và Nga, cùng 6 thành viên LHQ khác - mới nhóm họp.

Ủy ban này sẽ xem xét ủy nhiệm thư của 193 đại sứ của tất cả các nước thành viên LHQ và trình báo cáo đề xuất Đại hội đồng phê chuẩn trước khi kết thúc năm. Ủy ban thẩm tra và Đại hội đồng đều hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận.

Theo quy định của Đại hội đồng, cho tới khi có quyết định của LHQ về việc công nhận đâu là chính quyền hợp pháp của Myanmar, ông Kyaw Moe Tun vẫn là Đại sứ Myanmar tại LHQ.

Dù chính quyền quân sự Myanmar đề nghị LHQ cho phép Bộ trưởng Ngoại giao của chính quyền này, ông Wunna Maung Lwin dẫn đầu phái đoàn cấp cao Myanmar dự kỳ họp sắp tới, một số nguồn tin ngoại giao tại LHQ cho biết nhiều khả năng ông Kyaw Moe Tun vẫn là người đại diện Myanmar trình bày bài phát biểu trước Đại hội đồng vào cuối tháng này.

Bài toán về Afghanistan và Taliban 25 năm trước lặp lại

Vấn đề với ghế đại sứ của Afghanistan liên quan tới thực tế là chính quyền Kabul đã hoàn toàn sụp đổ, trong khi Taliban - lực lượng lãnh đạo trong chính quyền mới được công bố hôm 7-9 - bị LHQ coi là tổ chức khủng bố.

Khác với tình huống của Myanmar, cả Taliban và ông Ghulam Isaczai - đại diện thường trực của chính quyền Kabul (đã bị sụp đổ) tại LHQ - đều chưa động thái khẳng định tính đại diện hợp pháp cho đất nước Afghanistan tại LHQ.

Hôm 9-9, Đại sứ Nga tại LHQ, ông Vassily Nebenzia cho rằng vấn đề liên quan ghế đại sứ của Afghanistan và Myanmar “theo cách nào đó, có thể so sánh với nhau”. Ông Nebenzia cũng nhấn mạnh rằng ủy ban thẩm tra sẽ thảo luận về hai vấn đề này.

Tình huống tương tự đã xảy ra khi Taliban nắm quyền tại Afghanistan trong giai đoạn 1996-2001. Khi đó, LHQ đã trì hoãn ra quyết định liên quan các đòi hỏi của Taliban và đại diện của chính quyền đã bị Taliban lật đổ vẫn được coi là đại sứ Afghanistan tại LHQ.

HOÀN ĐỨC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/lhq-cung-luc-doi-mat-2-cau-hoi-kho-ve-ghe-dai-su-cua-myanmar-afghanistan-1015228.html