LHQ: Đầu tư cho thiên nhiên cần tăng gấp ba lần vào năm 2030
Đầu tư hàng năm vào thiên nhiên, không tính các khoản tiền cam kết nhưng chưa nhận được, đạt tổng cộng 133 tỷ USD trong năm 2020, trong đó quỹ công chiếm 86% và phần còn lại là tài chính tư nhân.
Một báo cáo của Liên hợp quốc công bố ngày 27/5 cho biết nguồn đầu tư để bảo vệ và phục hồi thiên nhiên trên thế giới cần tăng gấp ba lần trong thập niên này lên khoảng 350 tỷ USD vào năm 2030 và tăng lên 536 tỷ USD vào năm 2050, đồng thời kêu gọi các nhà tài chính, doanh nghiệp và chính phủ thay đổi tư duy.
Báo cáo State of Finance for Nature đã xem xét cách giải quyết các cuộc khủng hoảng về khí hậu, đa dạng sinh học và suy thoái đất của hành tinh, ước tính sẽ cần khoảng 8.000 tỷ USD đầu tư vào giữa thế kỷ này để bảo vệ các hệ thống tự nhiên.
Phát biểu tại buổi công bố báo cáo, Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), cho hay số tiền ước tính trên nghe có vẻ lớn, nhưng nó chỉ là con số nhỏ để bảo vệ hành tinh và tương lai của chính chúng ta.
Những vấn đề như sức khỏe, chất lượng cuộc sống, công việc, nhiệt độ, nhà ở, nước và thực phẩm ăn hàng ngày đều phụ thuộc vào các hệ thống tự nhiên có hoạt động tốt hay không.
Đầu tư hàng năm vào thiên nhiên, không tính các khoản tiền cam kết nhưng chưa nhận được, đạt tổng cộng 133 tỷ USD trong năm 2020, trong đó quỹ công chiếm 86% và phần còn lại là tài chính tư nhân.
Báo cáo của UNEP, Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Sáng kiến Kinh tế về Suy thoái Đất cho biết (ELD) cho hay chi tiêu của chính phủ chủ yếu dành cho bảo vệ đa dạng sinh học, phục hồi rừng và đất than bùn, nông nghiệp tái tạo và bảo tồn nước.
Đồng tác giả báo cáo Ivo Mulder, người đứng đầu đơn vị tài chính khí hậu của UNEP, cảnh báo nếu không tăng cường đầu tư vào tự nhiên sẽ đe dọa đến các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời nhiều loài động thực vật sẽ bị mất đi.
Bảo tồn và quản lý tốt hơn các khu vực tự nhiên, chẳng hạn như công viên, rừng và vùng hoang dã, được coi là công cụ chính để các quốc gia bảo vệ hệ sinh thái và đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải.
Chặt phá rừng có tác động lớn đến các mục tiêu hạn chế biến đổi khí hậu toàn cầu, vì cây cối hấp thụ khoảng 1/3 lượng khí thải carbon khiến Trái Đất nóng lên. Rừng cũng cung cấp thức ăn và sinh kế, là môi trường sống cho động vật hoang dã.
Ông Andersen cho biết việc bảo vệ các kho dự trữ carbon tự nhiên như rừng, đất than bùn và đại dương "không phải để thay thế cho quá trình khử carbon" của nền kinh tế toàn cầu mà là "một phần của giải pháp lâu dài" để bảo vệ Trái Đất và khí hậu.
Báo cáo kêu gọi các chính phủ đưa các biện pháp đa dạng sinh học và khí hậu vào các gói kích thích hỗ trợ đại dịch, đồng thời lưu ý rằng thiên nhiên chỉ chiếm 2,5% chi tiêu dự kiến phục hồi kinh tế COVID-19 trên toàn thế giới.
Báo cáo khuyến nghị cải cách thuế và chuyển hướng trợ cấp khỏi nhiên liệu hóa thạch và hóa chất nông nghiệp, lên tới hàng trăm tỷ USD mỗi năm, để khuyến khích canh tác xanh hơn và các hoạt động khác nuôi dưỡng thiên nhiên./.