LHQ huy động vốn cộng đồng để ngăn chặn thảm họa tràn dầu ngoài khơi Yemen

Liên hợp quốc (LHQ) ngày 13/6 đã phát động chiến dịch huy động vốn cộng đồng cho nỗ lực ngăn chặn sự cố tràn dầu từ tàu FSO Safer - bị bỏ lại ngoài khơi thành phố Hodeidah của Yemen từ năm 2015.

Tàu FSO Safer mắc kẹt ngoài khơi cảng Ras Isa, Yemen, ngày 19/7/2020. Ảnh (chụp từ vệ tinh bởi Maxar Technologies): AFP/TTXVN

Tàu FSO Safer mắc kẹt ngoài khơi cảng Ras Isa, Yemen, ngày 19/7/2020. Ảnh (chụp từ vệ tinh bởi Maxar Technologies): AFP/TTXVN

Phát biểu tại buổi họp báo online, ông David Gressly, Điều phối viên nhân đạo của LHQ tại Yemen, hy vọng có thể huy động 5 triệu USD vào cuối tháng 6, đồng thời coi đây là mục tiêu "đầy tham vọng". Ông nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của việc có vốn để bắt đầu kế hoạch khẩn cấp ngăn chặn thảm họa tràn dầu trước khi quá muộn.

LHQ cảnh báo con tàu chở dầu có tuổi thọ 45 năm này đang bị rỉ sét, có nguy cơ bị vỡ. Trước đây, FSO Safer được sử dụng làm bể chứa nổi nhưng đã bị bỏ hoang ở ngoài khơi bờ biển thành phố cảng Hodeidah. Hiện trên tàu đang có 1,1 triệu thùng dầu thô.

Chiến dịch huy động vốn để chuyển 1,1 triệu thùng dầu thô từ FSO Safer sang một tàu khác sẽ bắt đầu nhận tài trợ từ ngày 14/6. Việc vận chuyển dầu có thể bắt đầu vào tháng tới.

Tháng trước, LHQ cũng tổ chức một hội nghị nhằm huy động nguồn tài trợ để ngăn chặn thảm họa tràn dầu, song hội nghị này chỉ huy động được 33 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 80 triệu USD. Ngày 12/6, Saudi Arabia cũng cam kết đóng góp 10 triệu USD cho nỗ lực này.

Trong khi đó, các nhà bảo vệ môi trường cảnh báo chi phí của hoạt động này là rất lớn, ước tính lên tới 20 tỷ USD.

LHQ ước tính FSO Safer chứa lượng dầu lớn gấp 4 lần so với lượng dầu tràn trong thảm họa 1989 Exxon Valdez - một trong những thảm họa sinh thái tồi tệ nhất thế giới. Tổ chức quốc tế này cảnh báo việc tràn dầu có thể phá hủy các hệ sinh thái, khiến ngành đánh bắt cá và cảng Hodeida phải dừng hoạt động trong 6 tháng.

Tàu FSO Safer bị mắc kẹt ngoài khơi cảng Ras Isa của Yemen từ năm 2015, khi lực lượng Houthi kiểm soát khu vực. Từ thời điểm này, con tàu trở thành đối tượng tranh chấp quyền sở hữu giữa Houthi và Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận. Sau 5 năm neo đậu và không được bảo dưỡng, con tàu này dần xuống cấp nghiêm trọng. Theo ông Gressly, nếu tàu FSO Safer bị vỡ thì tác động của vụ tràn dầu này "sẽ rất thảm khốc", ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Các quan chức LHQ ước tính cần chi tổng cộng 144 triệu USD cho toàn bộ hoạt động làm sạch, trong đó dành 79,6 triệu USD cho giai đoạn khẩn cấp ban đầu để bơm dầu độc hại sang một tàu thay thế tạm thời khác.

Ngọc Hà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/lhq-huy-dong-von-cong-dong-de-ngan-chan-tham-hoa-tran-dau-ngoai-khoi-yemen-20220614132625819.htm