LHQ kêu gọi hành động về nước biển dâng: Đồng bằng sông Mekong chịu nguy cơ lớn

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 14/2 cảnh báo rằng mực nước biển toàn cầu đã tăng nhanh hơn kể từ năm 1900 và đà nước dâng liên tục như vậy khiến nhiều quốc gia như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ và Hà Lan gặp rủi ro lớn, theo AP.

Trong một bài phát biểu gay gắt tại cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Bảo an LHQ về mối đe dọa từ mực nước biển dâng cao đối với hòa bình và an ninh quốc tế, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tuyên bố rằng mực nước biển sẽ tăng lên đáng kể ngay cả khi đà nóng lên toàn cầu được hạn chế "một cách thần kỳ" ở mức 1,5 độ C.

Nguy cơ hiện hữu từ nước biển dâng

Ông Guterres cảnh báo Trái đất đang nóng lên nhanh chóng và mang tới nguy cơ nghiêm trọng đối với các quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng, bao gồm nhiều quốc đảo nhỏ.

Nhưng không chỉ riêng các nước bị ảnh hưởng trực tiếp này, nhiều siêu đô thị trên mọi châu lục sẽ phải đối mặt với những nguy cơ nghiêm trọng, bao gồm Cairo, Lagos, Maputo, Bangkok, Dhaka, Jakarta, Mumbai, Thượng Hải, Copenhagen, London, Los Angeles, New York, Buenos Aires và Santiago, ông Guterres cho biết.

Vào ngày 14/2, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã công bố dữ liệu nêu rõ mối nguy hiểm nghiêm trọng của mực nước biển dâng cao.

Ngập lụt tại Timbulsloko, Trung Java, Indonesia tháng 7/2022. Ảnh: AP.

Ngập lụt tại Timbulsloko, Trung Java, Indonesia tháng 7/2022. Ảnh: AP.

Ông Guterres nói: "Mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng nhanh hơn kể từ năm 1900. Đại dương toàn cầu cũng đã nóng lên nhanh hơn trong thế kỷ qua, với tốc độ nóng lên vượt xa 11.000 năm qua."

Theo dữ liệu được ông Guterres nêu ra, mực nước biển trung bình toàn cầu sẽ tăng khoảng 2 - 3m trong 2.000 năm tới nếu đà nóng lên được giới hạn ở mức 1,5 độ C. Theo WMO, nếu nhiệt độ Trái đất tăng 2 độ C, nước biển có thể dâng cao tới 6m và với mức tăng 5 độ C, nước biển có thể dâng cao tới 22m.

Ông Guterres cũng cho biết với các chính sách hiện tại, con người có thể đẩy Trái đất nóng lên tới 2,8 độ C- tình cảnh sẽ kéo theo một hệ lụy lớn đối với các quốc gia dễ bị tổn thương".

Ông Guterres cho rằng hậu quả lúc đó là không thể tưởng tượng nổi. Các cộng đồng ở vùng trũng thấp và nhiều quốc gia có thể biến mất, thế giới sẽ chứng kiến một cuộc di cư ồ ạt và sự cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết đối với nước ngọt, đất đai và các nguồn tài nguyên khác.

Thế giới cần chung tay hành động nhanh chóng

Nhà lãnh đạo LHQ đang cố gắng kêu gọi sự chú ý của thế giới về những mối nguy hiểm do biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ra để thúc đẩy hành động. Ông Guterres cũng cho biết thế giới phải giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và Hội đồng Bảo an có vai trò quan trọng trong việc xây dựng ý chí chính trị cần thiết.

Cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ do Malta, quốc gia giữ chức Chủ tịch hội đồng trong tháng này, chủ trì, cũng đã nghe các diễn giả từ khoảng 75 quốc gia dễ bị tổn thương, cả lớn và nhỏ, bày tỏ lo ngại về tác động của mực nước biển dâng cao đối với tương lai của thế giới.

Đại sứ Samoa tại Liên hợp quốc, Fatumanava-o-Upolu III Pa'olelei Luteru, phát biểu thay mặt cho Liên minh các quốc đảo nhỏ do ông làm Chủ tịch: "Có nhiều minh chứng mới về tác động của biến đổi khí hậu đối với các hòn đảo nhỏ, từ thủy triều gia tăng, siêu bão cho đến mực nước biển dâng cao chưa từng có."

Tác động đối với người dân và nền kinh tế của các hòn đảo "sẽ còn rất nhiều" và tình hình này đặt ra các vấn đề về sự tồn tại với tư cách là các quốc gia, ông Luteru cho hay.

Ông Fatumanava-o-Upolu III Pa'olelei Luteru cũng nói rằng hợp tác để giải quyết vấn đề nước biển dâng là "nghĩa vụ pháp lý" đối với mọi quốc gia và các quốc gia cần thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và tài chính một cách cấp thiết.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nói rằng "nguy cơ nước biển dâng là có thật, nó là hậu quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng khí hậu và đó là vấn đề của hòa bình và an ninh quốc tế."

Bà Linda nhấn mạnh: "Hội đồng phải hành động" và chỉ ra mối đe dọa đối với hàng trăm triệu người ở các vùng ven biển trũng thấp khi họ mất nhà cửa và sinh kế. "Những tác động tồi tệ nhất là có thể tránh được nhưng chúng ta phải hành động ngay bây giờ và phải hành động cùng nhau", bà Linda nói.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Csaba Kőrösi cho biết: "Với tốc độ hiện tại, mực nước biển sẽ cao hơn từ 1 đến 1,6 mét vào năm 2100, theo Chương trình Nghiên cứu Khí hậu Thế giới. Ở đồng bằng sông Nile và sông Mekong, một vài vùng nông nghiệp trù phú nhất thế giới, 10-12% diện tích đất canh tác sẽ chìm dưới sóng biển"./.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/lhq-keu-goi-hanh-dong-ve-nuoc-bien-dang-dong-bang-song-mekong-chiu-nguy-co-lon-20230215110258817.htm