LHQ kêu gọi tập hợp 'bằng chứng tội ác' của quân đội Myanmar
Cơ chế Điều tra độc lập về Myanmar mong muốn tập hợp bằng chứng về việc sử dụng vũ lực gây chết người, bắt giữ người trái pháp luật, tra tấn và cưỡng bức mất tích.
Ngày 17-3, một nhóm điều tra của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Myanmar mang tên Cơ chế Điều tra độc lập về Myanmar đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thu thập và lưu giữ bằng chứng về những hành vi bị coi là tội ác mà quân đội nước này đã thực hiện từ sau cuộc chính biến hôm 1-2 tới nay, hãng Reuters đưa tin.
Mục đích mà nhóm này nêu ra là tập hợp các bằng chứng trên để xây dựng hồ sơ vụ án, chuẩn bị cho trường hợp các phiên tòa xét xử các lãnh đạo quân đội Myanmar sẽ được mở trong tương lai.
Theo ông Nicholas Koumjian, người đứng đầu nhóm điều tra, mục tiêu truy tố là các lãnh đạo cấp cao của quân đội Myanmar, những người mà ông Koumjian cho là "chịu trách nhiệm chính" cho các tội ác nghiêm trọng ở quốc gia Đông Nam Á này.
"Họ (tức các lãnh đạo cấp cao của quân đội Myanmar - PV) không phải người (trực tiếp) thực hiện tội ác và thậm chí, thường không có mặt tại các địa điểm xảy ra tội ác. Để chứng minh trách nhiệm của họ, cần có bằng chứng về các báo cáo mà họ nhận được, các mệnh lệnh do họ ban hành và cách các chính sách được họ thiết lập" - ông Koumjian lưu ý.
Hướng điều tra là thu thập bằng chứng về việc sử dụng vũ lực gây chết người, bắt giữ người trái pháp luật, tra tấn và cưỡng bức mất tích - tình trạng người thân của người bị giam giữ không được cung cấp thông tin về địa điểm giam giữ.
Ông Koumjian kêu gọi bất kỳ ai có được những bằng chứng như trên hãy liên hệ với các nhà điều tra thông qua các kênh liên lạc an toàn như nền tảng nhắn tin Signal hay thư điện tử ProtonMail.
Cơ chế Điều tra độc lập về Myanmar được Hội đồng Nhân quyền LHQ thành lập vào tháng 9-2018 nhằm điều tra và thu thập bằng chứng về các hành vi bị cho là tội ác nghiêm trọng và vi phạm luật pháp quốc tế xảy ra ở Myanmar từ năm 2011 tới nay.
Ông Koumjian là chuyên gia từng làm việc trong các phiên tòa truy tố cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor và một số nhân vật khét tiếng của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ như cựu Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Campuchia Dân chủ Khieu Samphan và chiến lược gia của chế độ này - ông Nuon Chea.
Ngày 1-2, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và hàng loạt lãnh đạo cấp cao của chính quyền dân sự Myanmar đã bị quân đội bắt giữ, làm bùng lên phong trào biểu tình trong cả nước chống lại chính quyền quân sự.
Theo một nhóm điều tra độc lập không thuộc LHQ theo dõi vấn đề Myanmar trong suốt 20 năm qua, hơn 180 người đã bị giết kể từ khi làn sóng biểu tình bùng phát sau khi quân đội Myanmar tiến hành chính biến.
Mới đây nhất, một bé gái 16 tuổi ở thị trấn Wundwin, vùng Mandalay đã bị trúng một viên đạn cao su hôm 16-3 mặc dù cô bé chỉ định đi mua rau và không liên quan gì tới đoàn người biểu tình. Lực lượng an ninh bị cho là bên đã nổ súng.
Người nhà đã nỗ lực đưa bé gái đến phòng khám từ thiện để xử lý vết thương. Lo ngại vết thương nghiêm trọng, bé gái được chuyển đến bệnh viện của thị trấn nhưng các bác sĩ ở đó nói rằng hệ thống y tế đang gặp khó khăn và hướng dẫn gia đình bệnh nhân tới bệnh viện quân sự gần nhất cách đó ba giờ di chuyển.
Hãng tin AFP cho biết tổng thời gian đưa bé gái nhập viện là sáu giờ và người nhà cô bé đã bất chấp lệnh giới nghiêm do chính quyền quân sự áp đặt.
Hôm 16-3, Văn phòng Cao ủy LHQ về Nhân quyền đã lên án việc các lực lượng an ninh Myanmar sử dụng đạn thật chống lại người biểu tình, kêu gọi chính quyền quân sự nước này "ngừng giết hại và bắt bớ người biểu tình".