LHQ lo ngại hàng trăm nghìn người sẽ rời khỏi Sudan
Các công dân Hàn Quốc sơ tán tránh chiến sự ở Sudan tới sân bay Jeddah, Ả-rập Xê-út ngày 24/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 29/4, phát ngôn viên của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho biết hàng trăm nghìn người dân dự kiến sẽ rời khỏi Sudan. Trong số đó, khoảng 14.000 người, chủ yếu là người Nam Sudan, đã về đến quê hương.
Đến nay, cuộc giao tranh đẫm máu nổ ra vào ngày 15/4 tại Sudan giữa quân đội chính quy và lực lượng bán quân sự đã khiến hàng chục nghìn người phải di tản trong nước cũng như chạy sang các nước khác trong khu vực.
Ở thời điểm trước cuộc giao tranh, Sudan đang tiếp nhận 1,13 triệu người tị nạn, khiến quốc gia này trở thành một trong những nước tiếp nhận người tị nạn chính ở châu Phi. Trong số đó có 800.000 người Nam Sudan, 126.000 người Eritrea và 58.000 người Ethiopia, những người này chủ yếu sống trong hai trại tị nạn ở miền Đông Sudan.
Đại diện UNHCR tại Sudan Axel Bisschop cho biết kể từ ngày 15/4, khoảng 30.000 người, chủ yếu là người tị nạn Nam Sudan, đã rời Khartoum để đến bang White Nile, gần Nam Sudan. Những người tị nạn Ethiopia và Eritrea cũng đã di chuyển đến những khu vực gần hơn với đất nước của họ.
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), trước cuộc xung đột, đã có 3,7 triệu người phải di tản trong nước ở Sudan, hầu hết là ở Tây Darfur. Sau khi cuộc giao tranh nổ ra, tổng cộng đã có hơn 75.000 người phải sơ tán trong đất nước Sudan và con số này dự kiến sẽ còn tăng lên trong những ngày tới.
Hiện tại, các cuộc di chuyển xuyên biên giới lớn nhất trong khu vực được ghi nhận là của những người Sudan chạy trốn sang Chad và những người tị nạn Nam Sudan quay trở về quê hương.
Theo UNHCR, ít nhất 20.000 người đã tìm nơi ẩn náu ở Chad. Trong khi đó, cơ quan nhân đạo CARE International cho biết rằng hơn 42.000 người đã đến Chad. Hơn 400.000 người tị nạn Sudan đã sống ở Chad trước ngày 15/4, trong 13 trại tị nạn và xen lẫn trong các cộng đồng địa phương ở phía đông của đất nước này.
Những người mới đến đang tạo ra thêm áp lực đối với các dịch vụ và tài nguyên công cộng vốn đã quá tải của Chad. Bên cạnh đó, mùa mưa sắp đến cũng được dự báo là sẽ gây khó khăn cho việc chuyển hàng viện trợ tới các khu vực biên giới.
Hôm 27/4, Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết hơn 14.000 người Sudan và 2.000 công dân từ các quốc gia khác đã đến Ai Cập. Về phần mình, đại diện của UNHCR tại Nam Sudan, Marie-Hélène Verney, cho rằng kịch bản có khả năng nhất là 125.000 người tị nạn Nam Sudan (đang ở Sudan) sẽ quay trở về và 45.000 người tị nạn Sudan sẽ đến Nam Sudan.
Trong diễn biến khác, tối 29/4 (giờ địa phương), Mỹ đã sơ tán nhóm thường trú nhân và công dân đầu tiên của nước này khỏi Sudan kể từ khi giao tranh nổ ra ở thủ đô Khartoum của quốc gia Bắc Phi này vài tuần trước. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết một đoàn xe do nước này bố trí chở công dân Mỹ, nhân viên địa phương và công dân của các quốc gia đồng minh đã đến cảng Sudan bên bờ Biển Đỏ ngày 29/4.
Tuyên bố của bộ trên có đoạn: "Chúng tôi đang hỗ trợ công dân Mỹ và những người khác đủ điều kiện đi tiếp tới Jeddah, Ả-rập Xê-út, nơi có thêm nhân viên Mỹ được bố trí để hỗ trợ các dịch vụ lãnh sự và khẩn cấp. Tuyên bố không nói rõ có bao nhiêu người trong đoàn nhưng nói rằng hàng trăm người Mỹ đã rời khỏi Sudan, ngoài các nhà ngoại giao đã rút khỏi đây bằng cầu không vận do quân đội chỉ huy cách đây một tuần.
Trong khi đó, kênh Fox News (Mỹ) đưa tin hoạt động sơ tán trên bộ nói trên bắt đầu diễn ra từ ngày 28/4 với nỗ lực đưa một nhóm lớn người Mỹ đến Biển Đỏ qua cảng Sudan. Fox News dẫn lời các quan chức tiết lộ rằng máy bay không người lái được vũ trang đã thực hiện giám sát khi một đoàn xe buýt chở 200-300 người Mỹ di chuyển trên quãng đường 500 dặm (804,7km).
Hôm 28/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết gần 5.000 người đã liên lạc với cơ quan này với nguyện vọng rời khỏi Sudan.